Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh chậm lại và giảm so với tháng trước. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và nỗ lực từ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn được duy trì, từng bước tận dụng mọi thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm 2021 của tỉnh vẫn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách do dịch Covid-19, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, KCN Sóng Thần 1
Linh hoạt phương án duy trì sản xuất
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã triển khai cho các DN trong và ngoài các khu công nghiệp (KCN) đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.700 DN với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ sức khỏe công nhân lao động, vừa không để “đứt gãy” hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, Bình Dương hiện có 29 KCN, gần 3.000 dự án đang hoạt động với 485.671 người lao động. Công tác phòng, chống dịch bệnh tại các nhà máy được nâng lên cấp độ cao nhất, thậm chí là tạm dừng một số dây chuyền sản xuất, giảm tối đa số công nhân làm việc và kiểm soát kỹ người ra vào. Với những DN đủ điều kiện thực hiện các phương án thì tiếp tục hoạt động, còn đối với DN chưa đủ khả năng để áp dụng thì có thể thu hẹp quy mô, thực hiện giãn cách. DN tùy theo nguồn lực của mình mà tìm ra phương án phù hợp nhất và vẫn bảo đảm an toàn. “Chúng tôi yêu cầu DN phải xây dựng kịch bản cụ thể khi có ca nhiễm trong công ty. Chủ động phương án sản xuất, các biện pháp phòng, chống dịch được kích hoạt ở mức cao nhất gắn với sản xuất an toàn, ổn định sẽ là giải pháp quan trọng”, ông Bùi Minh Trí nói.
Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của DN, các DN trong tỉnh đều có đơn hàng xuất khẩu, nhất là ngành dệt, may, chế biến gỗ... đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Nhật chiếm 8,4%, Hàn Quốc chiếm 9,5%, Đài Loan chiếm 7,2%, Hồng Kong chiếm 6,8%... cho thấy được khả năng duy trì thị phần trong khó khăn. Nguồn nguyên vật liệu nhập về cũng khá nhiều giúp DN duy trì nhịp độ sản xuất.
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7-2021 giảm 2,8% so tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 17,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,7% so với cùng kỳ; khai khoáng giảm 32,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,8% so với cùng kỳ…
Chủ động bảo vệ sản xuất công nghiệp
Tuy vẫn đạt được một số kết quả khả quan, nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến ngày càng phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nỗ lực vượt khó, các DN đã xây dựng phương án duy trì sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh, các DN trong tỉnh đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhìn chung, trong tháng 7 các DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực vừa duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, vừa đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động. Tuy vậy, phải nhanh chóng tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy, đây là mấu chốt quan trọng để không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và bảo đảm mô hình “3 tại chỗ” được an toàn và hiệu quả.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn DN chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất. Cùng với đó là khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỉnh đang nỗ lực hết sức để bảo vệ, tạo điều kiện cho các DN thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, bảo đảm an toàn dịch bệnh để tiếp tục sản xuất.
NGỌC THANH