Năm 2024 là năm thứ 4 huyện Dầu Tiếng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những thuận lợi, huyện Dầu Tiếng cũng đối mặt với nhiều khó khăn từ diễn biến khó lường của tình hình thế giới. Trong bối cảnh đó, huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế, kết quả các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tổng giá trị sản xuất vượt kế hoạch
Theo UBND huyện Dầu Tiếng, ước tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2024 đạt gần 29.969 tỷ đồng, tăng 15,32% so với năm 2023, đạt 100,41% so với kế hoạch năm. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành 38/39 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 19/39 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Ước thu ngân sách trên toàn địa bàn đạt gần 1.489 tỷ đồng, đạt 100% dự toán tỉnh giao, 109,8% dự toán huyện giao; vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 10.288 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ước giá trị giải ngân vốn đầu tư công của huyện đạt hơn 526 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch điều chỉnh.
Huyện Dầu Tiếng tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án giao thông kết nối trên địa bàn. Trong ảnh: Đường dẫn vào cầu Bình Tây, huyện Dầu Tiếng kết nối tỉnh Tây Ninh
Trong năm, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 38 doanh nghiệp và 4 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với tổng vốn gần 82 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trong toàn huyện đến nay lên 637 doanh nghiệp và 38 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh hơn 4.527 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho 7.300 lao động địa phương.
Để tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với Sở Công thương, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện điều chỉnh, bổ sung vào phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, huyện quy hoạch phát triển 3 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 2.096 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 875 ha.
Quyết liệt thực hiện giải pháp từ đầu năm
Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết ngay từ đầu năm huyện đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành; trong điều hành đã bám sát thực tiễn, thường xuyên lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực và cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Trong năm 2025, huyện tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp An Lập để sớm đi vào hoạt động; theo dõi, phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự án Cụm công nghiệp Long Tân để triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Huyện cũng tiếp tục lập thủ tục đưa các cụm công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư, phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, các dịch vụ lưu trú trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện hỗ trợ thúc đẩy đầu tư phát triển dịch vụ cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; chỉ đạo, hướng dẫn các xã tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã đạt được; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Bên cạnh đó, năm 2025 huyện tập trung chỉđạo công tác thu vàchống thất thu ngân sách, phấn đấu tổng thu ngân sách đạt hơn 1.660 tỷ đồng. Địa phương cũng đẩy nhanh tiến độ công tác lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu để sớm triển khai thi công công trình ngay từ những tháng đầu năm; khuyến khích xã hội hóa thực hiện dự án trong các lĩnh vực dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao…
MINH DUY