Mặc dù hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển và công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng tìm ra được những cơ hội từ trong khó khăn để tiếp tục mở rộng sản xuất, xuất khẩu.
Sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (KCN VSIP I)
Cơ hội mở ra
Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 11,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 46,8% so với cùng kỳ, duy trì mức xuất siêu gần 3 tỷ đô la Mỹ. Kết quả trên cho thấy, DN đang đầu tư, phát triển đúng hướng, từng bước mở rộng được sản xuất, kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó cũng cho thấy những chính sách phát triển phù hợp, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt, đã tạo bệ đỡ vững chắc cho nền công nghiệp của tỉnh nhà.
Bà Trần Thị Trà, Giám đốc Công ty HTC (KCN An Tây, TX.Bến Cát) cho biết: “Năm 2021, công ty đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất găng tay để tăng công suất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm của HTC hiện đã xuất qua châu Âu, châu Á và được đối tác đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Dù chú trọng thị trường xuất khẩu song công ty vẫn đáp ứng được thị trường nội địa với nhiều mẫu mã và giá cả hợp lý, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
Đáng chú ý thời gian gần đây, DN có vốn đầu tư trong nước đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể liên kết với các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Nhiều DN Việt đã ký được hợp đồng với khách hàng nước ngoài và ngày càng mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Đơn cử như với ngành sản xuất máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, DN thuần Việt đã có thể sản xuất những chi tiết như dây điện, ốc vít, khuôn mẫu, những chi tiết khác trong máy móc. Tuy chỉ là những chi tiết còn đơn giản, nhưng các DN thuần Việt không dừng ở đó mà tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cấp sản phẩm có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Phương Vy (TP.Thuận An) cho hay, Phương Vy hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm chủ yếu bán sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Để tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty buộc phải đầu tư máy móc, nhà xưởng, đào tạo nguồn nhân lực đúng theo yêu cầu của đối tác. Tuy nhiên, khi được họ tin tưởng đặt hàng thì đầu ra khá thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết thời gian qua, tỉnh đã tổ chức các hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, các DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm hoặc ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm cho nhau. Để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu và trở thành đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các DN Việt cần nỗ lực để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu.
Áp lực giá nguyên liệu
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng cao từ 20 - 200% khiến nhiều DN gặp khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm 2021, các DN Bình Dương chi khoảng hơn 8,1 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN cho rằng, trong vòng hơn 1 năm phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và giá nguyên liệu leo thang, tuy nhiên các DN vẫn nỗ lực phát triển. Trong đó, có những DN may mắn đàm phán được với phía đối tác mua hàng tăng giá sản phẩm tương ứng, nhưng cũng có DN chỉ điều chỉnh tăng nhẹ nên lợi nhuận bị thu hẹp hoặc chỉ bảo toàn vốn.
Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, hơn 4 tháng đầu năm nay, DN ngành dệt may chịu áp lực căng thẳng về nguyên liệu đầu vào vì giá bông, sợi, vải và những phụ liệu khác đều tăng phi mã. Dự báo năm 2021, thế giới sẽ thiếu hụt 1 triệu tấn bông do nhu cầu tăng cao. Bông là nguyên liệu chính cho ngành dệt may nên nguyên liệu cho ngành này rất khó giảm trong thời gian tới. Như vậy, ngành dệt may trong nước khả năng còn đối mặt với khó khăn đến cuối năm.
Hiện, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu giảm giá, tiếp tục tạo ra áp lực lớn với DN vì Việt Nam vẫn chưa chủ động được. Các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam cũng như Bình Dương là dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, chế biến, chế tạo hơn một nửa nguyên liệu phải nhập khẩu nên sản xuất sẽ phụ thuộc rất lớn vào giá cả nguyên liệu. Các DN đàm phán ký kết hợp đồng với các khách hàng cũng lo lắng vì chưa biết giá nguyên liệu sẽ biến động như thế nào. Những DN có vốn, mua được nguồn hàng dự trữ đủ cho sản xuất 4 - 6 tháng sẽ bớt rủi ro hơn.
TIỂU MY