Lãnh đạo tỉnh cùng đại biểu trao giải nhất các thể loại bài viết cảm nhận, podcast và clip cho tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề “Tôi yêu Bình Dương” lần 2-2023 Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tự hào gọi tên hai tiếng quê hương
Tôi vốn sinh ra ở một vùng quê khô cằn sỏi đá miền Trung, rồi một sự tình cờ, như một cái duyên đã đưa tôi đến vùng đất Bình Dương. Nơi đây đã cho tôi những tình yêu lớn lao: Tình yêu gia đình, tình yêu con người, tình yêu nghề nghiệp và tình yêu quê hương. Chỉ một thời gian ngắn thôi, tôi đã phải lòng tình đất, tình người nơi đây.
Vốn dĩ tình cờ, thế nhưng Bình Dương đã trở thành nơi tôi an cư lạc nghiệp. Gần 20 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi cảm nhận và chứng kiến sự chuyển mình từng ngày của Bình Dương. Từ một tỉnh nông nghiệp, người dân gắn bó với ruộng đồng, vườn cây thì nay nhiều vùng quê ở Bình Dương đã thành đô thị. Tôi còn nhớ một câu nói của ba tôi khi vào thăm: “Ba từng sống qua nhiều thời kỳ, đi rất nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào như Bình Dương. Bình Dương rất chú trọng vấn đề con người, phải nói rất tiến bộ và là động lực cho thế hệ trẻ vươn lên”. Những lời ba nói như tiếp thêm cho tôi sức mạnh, niềm tin để tiếp tục gắn bó với mảnh đất này.
Bình Dương được mọi người trong cả nước biết đến không chỉ là nơi phát triển về kinh tế, mà còn là bề dày lịch sử, văn hóa. Để yêu thêm mảnh đất này, bản thân tôi đã dành những ngày cuối tuần rong ruổi, khám phá quê hương thứ hai. Từ những chuyến đi và trải nghiệm, tôi nhận ra Bình Dương còn được biết đến với các hoạt động thiện nguyện như lễ hội miễn phí, phiên chợ 0 đồng… Nghe có vẻ vô lý, nhưng khi tìm hiểu thì mới biết đó là nơi chứa đựng những tấm chân tình, là sự sẻ chia, thấu hiểu và yêu thương. Nơi đó, mọi người luôn mở lòng cho đi với nụ cười tỏa nắng. Nếu ai có dịp đến Bình Dương, chắc chắn sẽ cảm nhận được con người nơi đây rất hiền lành, ấm áp, mộc mạc và hiếu khách.
Mặc dù không phải là nơi sinh ra, nhưng vì những điều mà Bình Dương đã trao cho những người mới như tôi, vì tình đất, tình người Bình Dương, nên tôi đã chọn nơi này để tự hào gọi tên hai tiếng quê hương.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHI (GV. Trường Mầm non Sơn Ca, huyện Dầu Tiếng)
Bình Dương năng động, hữu tình
Những năm gần đây, tên gọi Bình Dương trở thành quen thuộc với tôi dù rằng so với các tỉnh, thành trong cả nước, địa danh này không có nhiều nét nổi bật về lịch sử, văn hóa được đưa vào sách vở. Tôi tò mò không hiểu vì sao ở một nơi xa xôi như thế lại thu hút biết bao thanh niên trai gái quê tôi khi vừa tốt nghiệp các cấp học vội kéo nhau vào đó mưu sinh lập nghiệp. Cho đến một ngày, tôi được khám phá Bình Dương, được tận mắt nhìn thấy diện mạo khang trang, bề thế và tươi đẹp, được hòa mình vào dòng người tấp nập với ánh mắt vui tươi của hạnh phúc tròn đầy.
Hè sang, Bình Dương chào đón tôi bằng một cơn mưa đầu mùa nặng hạt. Làn gió hây hây mang theo nhiều hơi ẩm làm cho cảm giác của người lữ hành từ miền hạn hán mát rơn. Tôi thỏa sức ngắm nhìn những ngôi nhà cao vút hiện đại, các khu công nghiệp tươi mới, mọc lên như nấm ở quê tôi sau trận mưa rào. Thủ Dầu Một phố xá lộng lẫy mà không quá xa hoa. Dĩ An, Thuận An, Bến Cát tấp nập mà luôn tươi trẻ. Tất cả đều ngày đêm chuyển động hết mình để đi lên từng giây, từng phút. Nếu xa xưa, văn hóa miệt vườn đã làm nên bản sắc riêng của người dân bản xứ, thì nay trong thời kỳ hội nhập, mảnh đất Bình Dương không chỉ giữ gìn, phát huy hồn cốt của cha ông mà còn nhanh chóng bắt nhịp kịp thời sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại để khoác lên mình một diện mạo mới khang trang.
Tôi chẳng sinh ra, học tập và gắn bó với nơi này, nhưng những ấn tượng đẹp đẽ, sâu đậm về con người và vùng đất Bình Dương không bao giờ phai nhạt trong tôi chỉ sau một lần đến tham quan ngắn ngủi. Tôi ngưỡng mộ tầm nhìn xa trông rộng, ngưỡng mộ tài năng thao lược của những người đứng đầu cầm cương chèo lái. Họ biết đầu tư giao thông thông thoáng, kết nối để doanh nghiệp dễ dàng lưu thông hàng hóa đến và đi. Họ biết chú trọng xây dựng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và cả lực lượng chuyên gia, doanh nhân, công nhân lao động. Họ đã chọn cho quê hương mình hướng đi phù hợp để rồi các nhà đầu tư ồ ạt đổ vào với đủ các ngành nghề. Họ vốn như những đứa con sinh ra từ vạch đích nhưng biết học hỏi và sáng tạo để trở thành cánh chim đầu đàn về kinh tế của đất nước. Chính sự tài năng đó của những người đứng mũi chịu sào đã làm nên một Bình Dương năng động, thu hút người dân các nơi tìm về.
Tôi mến vùng đất Bình Dương với bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Và tôi hiểu vì sao nơi đây sớm trở thành quê hương thứ hai của hàng triệu con người tha phương tự nguyện gắn bó. Thành tựu của Bình Dương không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho chính những người lao động đang sinh sống và làm việc nơi đây mà còn góp phần mang lại sự phồn vinh cho những làng quê khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi biết ơn khi từng viên gạch xây nhà của rất nhiều tổ ấm, đời sống của những bậc cha mẹ già nhàn nhã, những đứa con thơ đủ đầy ăn học ở quê tôi được gửi về từ Bình Dương.
Vùng đất Bình Dương bao dung ôm trọn những phận người, chở che và chắp cánh cho muôn triệu ước mơ bay cao hơn nữa. Nơi đây không chỉ đẹp về phong cảnh, hiện đại về phố xá mà còn rất đỗi nghĩa tình. Tôi trọng tình xứ Nghệ, gắn bó cuộc đời với đất tổ quê cha, nhưng vẫn luôn dành một góc tâm tư nghĩ về Bình Dương với tấm lòng biết ơn sâu nặng, chân thành.
LÊ THỊ XUÂN (GV. Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh)
Điểm tựa cho những người con xa xứ
Cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ không thể đoán định trước và với tôi cũng vậy. Năm 2000, khi thi rớt tốt nghiệp cấp 3 tôi đã có ý định theo các bạn cùng trang lứa vào Nam làm công nhân may để có tiền phụ giúp gia đình. Nhưng những dự tính không chiều lòng người, số phận đưa đẩy tôi vào tận Đắk Lắk hái cà phê rồi về lại Vinh làm đủ nghề từ bảo vệ trường, quét chợ, phụ quán ăn. Ấy vậy mà cuối cùng Bình Dương lại là mảnh đất nghĩa tình níu giữ bước chân tôi.
Không cam tâm phận làm thuê, năm 2002 tôi quyết tâm thi lại và đỗ vào trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 2006 ra trường, không xin được việc làm ở quê, tôi khăn gói vào Bình Dương. Sau 1 năm làm đủ công việc chân tay để có tiền trang trải cuộc sống, tôi được tuyển dụng và trở thành viên chức của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Bến Cát. Ngày đầu đi nhận việc, đón người mới là đồng chí lãnh đạo cơ quan lúc bấy giờ. Không chỉ ân cần tiếp đón người mới, đồng chí lãnh đạo ấy còn hỏi tôi về nơi ăn, chỗ ở, phương tiện đi lại… Biết hoàn cảnh tôi xa quê lập nghiệp lại một thân một mình, ngày thứ hai đến cơ quan tôi được kế toán cơ quan gọi lên cho ứng trước 1.000.000 đồng. Với tôi, 1.000.000 đồng ngày ấy quý biết nhường nào, bởi tôi không còn lo nghĩ về tiền ăn, tiền phòng trọ.
Từ một quần chúng, được sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, tôi đã phấn đấu, rèn luyện và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi được cử đi học các lớp bồi dưỡng, nâng cao. 17 năm sống và làm việc tại Bình Dương, tôi cảm nhận được tình đất, tình người nơi đây. Bình Dương không từ chối một ai và cơ hội luôn được chia đều cho mỗi người. Đến với Bình Dương, chỉ cần chăm chỉ, siêng năng thì ai cũng có thể trụ lại. Ở đây, người có năng lực được đãi ngộ, không có sự phân biệt đối xử. Có lẽ vì vậy mà Bình Dương luôn là đích đến của nhiều người. Điều tuyệt vời của Bình Dương là khi sống ở vùng đất này, những người “dân góp” như tôi không còn cảm giác mình là dân ngụ cư, dân nơi khác đến. Bình Dương luôn dang rộng vòng tay với mọi người để rồi chưa xa đã nhớ!
Tôi yêu Bình Dương vì những nghĩa cử cao đẹp của người Bình Dương được thể hiện qua hành động cụ thể của lãnh đạo cơ quan. Tôi yêu Bình Dương vì nơi đây đã cho tôi công việc để làm, thu nhập để trang trải cuộc sống. Tôi yêu Bình Dương vì đã tạo điểm tựa cho những người con xa xứ như tôi trưởng thành. Và không biết tự bao giờ, trong tôi Bình Dương đã là quê hương.
NGUYỄN THỊ NGỌC THÙY (GV. Trung tâm Chính trị huyện Bàu Bàng)
Vùng đất tôi yêu
Chẳng biết từ bao giờ con trai, con gái xứ Thanh quê tôi lại nuôi ước vọng vào Bình Dương lập nghiệp khi lớn lên. Gia đình tôi cũng vậy, anh cả cùng ba chị em gái và đến tôi cũng lần lượt theo bước bao thanh niên xứ Bắc vào Nam.
Với tôi, trước khi vào Bình Dương nếu nghe ai đó trong Nam trở về nói đến Bình Dương là tôi không thể dừng suy nghĩ tới một vùng đất xa xôi với bao điều mới lạ mà tôi chưa từng biết đến. Điều duy nhất tôi biết rõ, nơi ấy sẽ không có cái rét cắt da cắt thịt mùa đông, không có cái nóng như nung những ngày hè và tất nhiên sẽ không có những ngày biển giận dữ thét gào dội vào bờ những con sóng cuồn cuộn làm tan hoang bao giấc mơ của những gia đình nghèo khó quê tôi. Những điều đó đã thôi thúc tôi bỏ lại bao điều thân thuộc ở quê nhà để đến với vùng đất mới mà trong những giấc mơ tôi cũng không ngừng nghĩ đến.
Đến với Bình Dương tôi mang theo ước vọng về một ngày mai tươi sáng, nhưng Bình Dương đón nhận những người mới như tôi bằng thử thách nghiệt ngã. Những đêm đầu tiên đến với Bình Dương, nằm trên nền đất lạnh thay giường trong phòng trọ, lắng nghe “bản đồng ca” của lũ côn trùng, ếch nhái là hàng vạn câu hỏi và câu trả lời níu kéo: “Ở hay về?”. Rồi guồng quay cuộc sống cứ thế đẩy đưa, tôi dần quên đi cái suy nghĩ ban đầu và dấn thân cùng những chuyển động nơi vùng đất mới. Năm năm, mười năm vụt qua, Bình Dương thực hiện bước chuyển mình với sự phát triển chưa từng thấy, mở ra trước mắt tôi muôn vàn vận hội. Bình Dương năng động để trao vận hội cho những người mới như tôi, nhưng cũng sẵn sàng đánh gục bất cứ ai không đủ bản lĩnh đương đầu. Vì thế, với rất nhiều người Bình Dương là miền đất hứa, nhưng không phải cho tất cả mọi người. Bình Dương chỉ dành phần thưởng cho những ai biết nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu vươn lên.
Tôi và nhiều người khác đến từ các tỉnh xa xôi, giờ đây thật sự tự hào khi được sinh sống, học tập và làm việc ở một tỉnh phát triển, năng động như Bình Dương. Hai mươi năm, một khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, gợi nhắc cho tôi những nơi tôi từng đến, những sự kiện tôi từng dấn thân, để rồi gắn bó với Bình Dương nhiều hơn, để rồi ngày càng thêm yêu Bình Dương.
HOÀNG THỊ KIM HÀ (PV. Báo Bình Dương)
Một miền quê hiền hòa
Tôi xa quê thấm thoắt đã được mười năm. Đến với Bình Dương ngày ấy hành trang tôi mang theo là tấm bằng tốt nghiệp đại học và nỗi nhớ nhà của một người con xa xứ. Bình Dương chào đón tôi bằng màu xanh dịu mát trải dài, thưa dần dòng người chen chúc, ngột ngạt và nóng bức của Sài Gòn.
Bình Dương ngày ấy hiện hữu trước mắt tôi lạ lẫm với những khu công nghiệp rộng lớn, những con đường phẳng lỳ tít tắp. Bệnh viện Quốc tế Becamex là nơi tôi đến và dừng chân cho đến bây giờ. Nơi đó, lần đầu tiên tôi có bản hợp đồng lao động. Nơi đó, lần đầu tiên tôi có những lãnh đạo đáng kính mà gần gũi như cha, như anh. Nơi đó, lần đầu tiên tôi có đồng nghiệp vui vẻ, thân thương. Và hôm nay, nơi đó là anh em, là người thân, là gia đình mà cứ mỗi lần đi x a là nhớ.
Tôi chưa khám phá hết Bình Dương, nhưng Bình Dương trong tôi là những yêu thương góp nhặt, rồi lớn dần theo năm tháng. Bình Dương trong tôi là Lái Thiêu với những chiều cùng bạn lặng lẽ bên bờ sông Sài Gòn nhìn dòng nước mênh mông với từng đám lục bình dập dềnh trôi nhanh theo dòng nước, phảng phất chút buồn nhớ sông quê. Bình Dương trong tôi là Thủ Dầu Một những chiều sau giờ tan ca ghé quán bình dân vỉa hè ăn tô bánh canh cá lóc mang hương vị quê nhà. Bình Dương trong tôi là chút lành lạnh của sương sớm với tiết trời dễ chịu, không nóng bức vào mùa hè, không lạnh cóng vào mùa đông...
Bình Dương trong tôi còn là thành phố mới với những chuyến xe cấp cứu mùa Covid, lặng lẽ đi từ sáng tinh mơ và trở về trong đêm sương lạnh. Qua ô cửa kính xe, những con đường vốn tấp nập, trung tâm hành chính vốn sầm uất, bỗng chốc vắng lặng như tờ, những xí nghiệp im lìm như say ngủ. Cả thành phố chỉ còn tiếng hụ của xe cấp cứu, từng hồi từng hồi, hối hả thê lương. Tiếng xe gào rú xuyên qua giấc ngủ chập chờn sau bao đêm thức trắng. Nghẹn ngào, trong mơ vẫn thấy đau lòng! Rồi Bình Dương và cả miền Nam được cả nước yêu thương đùm bọc, nhanh chóng hồi sinh.
Bình Dương đa phần là dân tứ xứ, đến lập nghiệp, mưu sinh và định cư qua bao đời. Có những lúc đang làm việc, bất chợt nghe tiếng quê xưa “con người Huế phải khôn, chú Quảng Trị, chú vô đây mấy chục năm rồi”, “Ôi, ba mẹ em cũng người Huế đó, nhà em ở chợ Búng, tết ni chắc cả nhà em về thăm Huế”. Chỉ bấy nhiêu thôi mà thấy thân quen, lâng lâng như đang ở quê nhà. Bình Dương với tôi cứ thế mà gần gũi, cứ thế mà yêu thương.
NGÔ THỊ THÚY THANH (BS. Bệnh viện Quốc tế Becamex)
Vùng đất chở che cho những phận người
Khác với những người con của quê hương Bình Dương, tôi cảm nhận về Bình Dương hơi khác. Tôi yêu mảnh đất này theo kiểu một người lạ đến rồi yêu, rồi hứa hẹn, kết giao, rồi quyết định gắn bó dài lâu với mảnh đất này.
Nói đất Bình Dương bao dung, người Bình Dương hào sảng, nghĩa tình quả không sai chút nào. Không bao dung sao được khi dân số Bình Dương hiện khoảng 2,7 triệu người thì có hơn 60% là người từ nơi khác đến như tôi. Nhưng dù là người ở đâu đến thì bây giờ gần 2,7 triệu con người ấy đều như nhau, có cùng cơ hội sinh sống, cùng an cư lạc nghiệp, cùng trách nhiệm với vùng đất mang tên Bình Dương.
Không hào sảng sao được, khi bạn cứ thử đi một vòng rồi tấp đại vào sạp rau, sạp cá nào trong chợ hỏi đủ thứ, song nhớ ra mình quên mang theo tiền mà coi. Anh bán cá, chị bán rau vẫn cười thiệt tươi “không sao, cứ mang về ăn, chừng nào tiện thì ngang qua trả tui cũng được mà”. Tôi khẳng định, khi họ nói câu đó là họ chấp nhận thiệt thòi về phía mình. Nếu bạn trả lại họ vui, mà không trả lại cũng không sao. Đó là sự hào hiệp, phóng khoáng ngay cả với người lạ của người dân nơi đây.
Người Bình Dương không phải ai cũng giàu tiền giàu bạc, nhưng lại rất giàu nghĩa, giàu tình và họ luôn sẵn sàng chia cho bạn một phần những gì họ đang có. Anh phụ hồ người miền Tây, về quê rồi vẫn nhớ mãi những ngày làm ở Bình Dương năm nào. Làm việc cực nhọc ăn đĩa cơm hơn chục ngàn bạc đối với anh chẳng thấm vào đâu, chị chủ quán tinh ý lúc nào cũng bới cho chén cơm thêm, đĩa rau sống và không quên múc thêm ít nước cá, nước thịt kho. Bấy nhiêu thôi mà khiến anh ấm lòng và nhớ mãi người Bình Dương cho đến tận bây giờ.
20 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi yêu Bình Dương vì nơi đây không chỉ cưu mang tôi mà còn chở che cho rất nhiều những phận người. Tôi yêu Bình Dương bởi nơi đây còn có rất nhiều những con người, những việc làm đầy ắp tính nhân văn. Những việc làm mà người Bình Dương cho là bình thường ấy như ánh sáng mặt trời soi rọi mỗi ngày, tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho những người con xa xứ như tôi.
ĐINH THỊ NGỌC THANH (PV. Báo Bình Dương)