Nơi ghi dấu tình hữu nghị đoàn kết, keo sơn Việt Nam-Lào

Cập nhật: 25-08-2022 | 10:46:28

Khu di tích Cách mạng Lào (thôn Làng Ngòi và thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).

Khu Di tích lịch sử đặc biệt của cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng, chứng minh cho tình hữu nghị đoàn kết, keo sơn của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Đã 72 năm trôi qua, những kỷ niệm, hình ảnh về Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane, Hoàng thân Souphanouvong và các cán bộ cách mạng Lào trong thời gian ở, làm việc tại Mỹ Bằng vẫn in đậm trong tâm trí đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm Khu di tích là dấu tích ghi trên tấm Bia đá hoa cương bằng chữ Việt và chữ Lào "Địa điểm ở và làm việc của Hoàng thân Souphanouvong."

Nơi đây, từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951, Hoàng thân Souphanouvong, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào Issara và các cán bộ cách mạng Lào đã ở và làm việc.

Cũng tại đây, tháng 12/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, làm việc với các lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Lào và thăm đồng bào địa phương.

Nơi ở và làm việc của đồng chí Kaysone Phomvihane từ tháng 6/1950 đến đầu năm 1951.

Ông Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Bằng, cho biết địa phương tự hào là căn cứ địa của cách mạng Lào. Tại đây, ngày 13/8/1950, đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến với hơn 100 đại biểu thay mặt nhân dân các Bộ tộc Lào tham dự.

Đại hội đã bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Souphanouvong làm Thủ tướng; ông Kaysone Phomvihane làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) và Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho đất nước.

Theo ông Hoàng Đức Cảnh, xã Mỹ Bằng nằm ở ngã ba đường nơi giáp ranh của ba tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ; là cửa ngõ phía Tây Bắc của Tuyên Quang, nối liền giữa Tây Bắc và Việt Bắc, có vị trí chiến lược cách mạng quan trọng.

Từ đây có thể theo đường bộ đi thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang), đến An toàn khu Sơn Dương, Chiêm Hóa - nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam.

Từng chiến đấu ở Lào, cụ Lê Văn Tân (90 tuổi, ở thôn Ngòi, xã Mỹ Bằng) nhớ lại, khi Hoàng thân Souphanouvong cùng các lãnh đạo cấp cao của Lào ở đây, ông đang tham gia chiến đấu ở Lào để giải phóng Sầm Nưa.

Hai sinh viên Lào của Đại học Tân Trào thăm Di tích lịch sử cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Khi trở về địa phương, ông được nghe mọi người kể lại, để đảm bảo bí mật và an toàn, Đoàn cán bộ cách mạng Lào đã đến ở trong núi thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng.

Trong thời gian đó, người dân nơi đây đều quý mến và hết lòng bảo vệ cho Hoàng thân Souphanouvong cùng các cán bộ Lào.

Hoàng thân là người gần gũi, thường xuyên thăm hỏi bà con trong thôn. Tết Tân Mão năm 1951, Hoàng thân và các lãnh đạo cách mạng Lào đã cùng ăn Tết cổ truyền Việt Nam với đồng bào dân tộc trong thôn và mừng tuổi cho các cháu thiếu nhi.

Xã Mỹ Bằng hiện có 3.422 hộ, 13.750 nhân khẩu với 16 dân tộc như Cao Lan, Mông, Dao, Tày... cùng sinh sống.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nơi ghi dấu tình hữu nghị Việt-Lào, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Bằng đã đoàn kết, tập trung xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, Mỹ Bằng là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 và nông thôn mới nâng cao từ năm 2021.

Đến nay, hệ thống cơ sở, hạ tầng trong xã được đầu tư xây dựng khang trang; 100% đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa; 25/25 thôn đã có nhà văn hóa gắn với sân thể thao đạt chuẩn; trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát...

Ông Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng, cho biết thêm thời gian tới, ngoài tập trung phát triển kinh tế-xã hội, xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, quan tâm bảo tồn, xây dựng Khu di tích lịch sử đặc biệt của cách mạng Lào trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút du khách đến tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng, đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa hai nước.

Nơi đây cũng là biểu tượng về tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên