Một kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa cũng đã trôi qua, kết quả tốt nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm nay, số học sinh (HS) tốt nghiệp ở nhiều tỉnh tăng bất thường và có nhiều luồng dư luận khác nhau xung quanh vấn đề này. Riêng Bình Dương, tỷ lệ HS tốt nghiệp năm nay chỉ tăng khoảng 3%. Không hài lòng với kết quả ấy, nhưng ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) bằng lòng với con số 90,7% HS tốt nghiệp; vì đó là kết quả thật, không chạy theo thành tích.
Tổ chức thi nghiêm túc
Có theo dõi kỳ thi tốt nghiệp năm học vừa qua và những năm trước đó, chúng tôi mới thấy ngành GD-ĐT tỉnh nhà thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác tổ chức thi. Ngay từ khâu sao in đề thi đã được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt, khu vực sao in có lực lượng công an bảo vệ ngay từ chân cầu thang. Những người tham gia bộ phận này được cách ly hoàn toàn với bên ngoài cho đến khi kết thúc môn thi cuối cùng. Khâu tổ chức thi cũng được thực hiện đúng theo quy chế thi. Các hội đồng coi thi được bố trí ở những trường có cơ sở vật chất bảo đảm, có tường rào bao quanh, không để bất cứ ai có thể đột nhập vào. Và để bảo đảm an toàn cho kỳ thi, ngành được công an từ tỉnh đến huyện thị, xã phường, thị trấn hỗ trợ bảo vệ các hội đồng coi thi. Để bảo đảm tính công bằng, khách quan, đội ngũ cán bộ, giám thị coi thi được điều chuyển 100%. Kỷ luật phòng thi được siết chặt, mọi trường hợp vi phạm quy chế (nếu có) đều bị lập biên bản và đình chỉ thi. Nhờ được phổ biến, sinh hoạt quy chế cặn kẽ nên lực lượng coi thi và thí sinh chấp hành tốt quy chế thi.
Thi tuyển sinh vào lớp 10 mới đây cũng được thực hiện đúng theo quy chế Thực hiện dạy thật - học thật
Không riêng gì trong các kỳ thi tốt nghiệp, trong suốt năm học, công tác thi cử, đánh giá cũng được ngành nói chung, các trường nói riêng thực hiện triệt để. Và hưởng ứng lời kêu gọi “dạy thật - học thật” của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, năm học 2010-2011, ngành GD-ĐT thêm vế sau, là: thi thật - chất lượng thật và lấy đó làm khẩu hiệu hành động. Tất nhiên, những năm trước đây, ngành đã thực hiện “dạy thật - học thật”, nhưng năm học vừa qua nội dung này được thực hiện quyết liệt hơn. Phương châm “dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật” do ngành đưa ra chính là sự cụ thể hóa theo hướng chiều sâu của “hai không”. Việc “chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích và vi phạm đạo đức nhà giáo” sẽ dẫn đến thi thật - dạy thật; “học thật, chất lượng thật” thì chắc chắn sẽ không còn tình trạng HS ngồi nhầm lớp, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT đã từng nói với chúng tôi như thế.
Ý thức được trách nhiệm của người thầy trước yêu cầu đổi mới giáo dục, từng giáo viên đã không ngừng rèn tay nghề, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thay đổi cách dạy, khắc phục tình trạng đọc - chép, thay vào đó là xây dựng những tiết học năng động, giúp HS phát huy được tính chủ động sáng tạo.
Cô Ngô Thị Ánh Hồng, giáo viên văn trường THPT Tây Nam (Bến Cát) thể hiện trách nhiệm: “Trước chủ trương đổi mới phương pháp dạy, tôi vừa kết hợp phương pháp dạy truyền thống và trình chiếu. Trong quá trình dạy tôi hay chất vấn, trao đổi để các em lúc nào cũng trong tư thế chủ động tham gia vào bài học. Sau mỗi bài, tôi hướng dẫn các em rút ra được những gì trong bài, kể cả bài học làm người”.
Quả thật, thực hiện cuộc vận động “hai không”, việc dạy và học thực chất đã dần đi vào nề nếp ở các trường. Giáo viên đã tận tâm, tận tụy, tận lực với HS; còn HS có thái độ học tập đúng đắn, qua đó đã góp phần đưa chất lượng giáo dục đi lên.
Chất lượng thật
Thực hiện nghiêm túc “hai không”, chất lượng giáo dục tỉnh nhà có chuyển biến về chất, dù kết quả có thể làm một bộ phận người dân chưa hài lòng. Nhưng ngành giáo dục bằng lòng với chính mình vì đó là kết quả thật. Nếu thử so sánh kết quả từ khi thực hiện “hai không” đến nay mới thấy chất lượng đã từng bước được nâng lên. Năm 2007 có 76,52% HS tốt nghiệp, 22,6% HS đậu đại học; đến năm học 2010 có 87,75% HS tốt nghiệp, 48,57% HS đậu đại học. Không chỉ tăng về số lượng mà ngày càng có nhiều thí sinh thi đậu vào những trường có tiếng tăm. Qua thống kê, chỉ riêng trong năm 2010, nhiều trường có lớp 50% HS thi đậu ĐH - CĐ, riêng trường chuyên Hùng Vương có trên 98% thí sinh đậu ĐH - CĐ, nhiều HS thi đậu ĐH điểm cao và thi đậu 2 trường ĐH, có 2 em đậu thủ khoa ĐH; năm học 2010-2011 có 90,7% HS tốt nghiệp, có 2 HS đậu thủ khoa.
Đối với tuyển sinh lớp 10, chất lượng cũng được nâng lên, thể hiện qua điểm xét tuyển đầu vào của các trường, kể cả trường vùng xa cũng có nhiều chuyển biến rõ nét.
A.SÁNG