Nói không với quảng cáo sai sự thật

Cập nhật: 18-07-2024 | 08:42:44

Bình Dương đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành truyền thông và quảng cáo. Các cấp, ngành chức năng chú trọng việc kiểm soát, xử lý với các hình thức quảng cáo sai lệch, không đúng sự thật.

 

Các diễn giả tham dự tọa đàm định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Festival Quảng cáo Việt Nam 2024 tổ chức ở Bình Dương

 Bảo vệ ngành quảng cáo

Quảng cáo được xác định là một trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nằm trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ. Tại Festival Quảng cáo Việt Nam 2024 vừa diễn ra ở Bình Dương, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội đất nước. “Ngành công nghiệp quảng cáo đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Bộ VHTT&DL đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam trong việc phối hợp, tham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý quảng cáo”, bà Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, dự báo năm 2025 cùng với sự hồi phục của kinh tế, ngành truyền thông và quảng cáo Việt Nam sẽ có sự phục hồi tích cực. “Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tạo ra thị trường thịnh vượng cũng như cơ hội phát triển vượt bậc cho ngành quảng cáo. Thống kê cho thấy, doanh thu quảng cáo năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 2,192 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 5 trong số các quốc gia ASEAN. Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ hai (12,7%), chỉ sau Malaysia (18,9%). Điều này mở ra cơ hội phát triển cho ngành này cùng với nhiều định hướng phát triển, hợp tác”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực thông tin.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận hiện nay bên cạnh những quảng cáo mang tính tích cực, vẫn tồn tại các quảng cáo mang tính phản cảm, thiếu trung thực, không phù hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến cộng đồng và uy tín ngành. Các cơ quan quản lý tích cực xử lý các vi phạm, dư luận xã hội đồng lòng lên án, tẩy chay những quảng cáo sai phạm.

Để phát triển ngành quảng cáo đúng với giá trị tự thân, ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.Hồ Chí Minh (HAA) khẳng định: “Giá trị về kinh tế chỉ là một phần nhỏ trong đóng góp của quảng cáo. Tại Fesstival quảng cáo tổ chức ở Bình Dương 2024 lan tỏa mạnh thông điệp “Cá nhân, doanh nghiệp, người nổi tiếng hãy luôn tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo”. Các chiến dịch, sản phẩm không chỉ là nơi “trưng bày” nhận diện thương hiệu, mà còn truyền tải thông điệp tích cực, giá trị về văn hóa, phong tục, nếp sống, nét đẹp Việt đến cộng đồng. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng trong việc chọn lọc quảng cáo đúng, hay, bài trừ những quảng cáo sai sự thật, trái pháp luật, không đúng thuần phong mỹ tục rất quan trọng trong tình hình công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay”.

Quyết liệt với sai phạm

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC Bình Dương khẳng định địa phương có cộng đồng doanh nghiệp đa dạng và phong phú. Sự hiện diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo ra nhu cầu lớn cho các sự kiện giao lưu, hội thảo, triển lãm để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư mới. “Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp theo hướng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, song song đó phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với đặc thù địa phương, nhằm góp phần giúp Bình Dương trở thành trung tâm khoa học công nghệ và điểm đến của công nghiệp văn hóa”, bà Linh chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: “Về nguyên tắc, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tự do kinh doanh hoạt động quảng cáo, tuy nhiên việc quảng cáo cần bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, trung thực và tránh gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng. Điều 8 của Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định cụ thể về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, nếu vi phạm, tùy thuộc tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có)”.

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Đồng thời, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định hành vi quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm.

 Theo Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5 đến 7 tháng, tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên... Đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=591
Quay lên trên