Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ truyền thống

Cập nhật: 15-05-2021 | 08:53:30

Chợ truyền thống giữ được thế mạnh trong cung cấp thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng do thói quen và sự tiện lợi. Tuy nhiên, khu vực này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do cơ sở hạ tầng yếu kém, ý thức của tiểu thương chưa cao, khiến nỗi lo mua phải thực phẩm “bẩn” của người tiêu dùng luôn thường trực.

Mất an toàn thực phẩm

Bình Dương hiện có 106 chợ truyền thống, tỷ trọng cung cấp hàng hóa chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không khó để nhìn thấy những rủi ro về ATVSTP tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Phổ biến nhất là tình trạng thực phẩm tươi sống bày bán la liệt không có tủ bảo quản, tại nhiều chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín bày cạnh thực phẩm tươi sống. Cùng với đó, hàng hóa được bày bán lẫn lộn giữa hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, hàng quần áo thời trang… rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.

 Tại các chợ truyền thống luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP. Trong ảnh: Hải sản tươi sống bày bán ngay bên đường vào chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một

Công tác vệ sinh môi trường cũng rất đáng lo ngại. Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng là muốn mua những loại gia cầm, hải sản đã được làm sạch nên hầu hết người bán đều đáp ứng ngay tại điểm bán. Chỉ cần vài vật dụng sơ sài như tấm bìa cũ, khăn lau, một chiếc dao, kéo… người bán đã có thể nhanh chóng giết mổ các loại gia cầm, hải sản cho khách hàng tại chỗ. Chị Tâm, tiểu thương bán cá tại chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết việc làm sạch cá hay gia cầm tại chợ tất nhiên không bảo đảm vệ sinh vì diện tích chật hẹp, nước dùng tiết kiệm, lượng hàng bán ra tương đối nhiều và đông người qua lại. Nhưng nếu không làm thì hầu như cá hay gà, vịt không ai mua vì khách hàng bây giờ đều ngán ngại giết mổ tại nhà. Chính tâm lý, nhu cầu của khách đã vô tình gây ra nhiễm bẩn cho thực phẩm của mình cũng như ô nhiễm môi trường khu vực chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, hàng chế biến sẵn, các loại thực phẩm khô cũng rất đáng lo ngại về tình trạng vi phạm ATVSTP. Tại chợ Thủ Dầu Một, nhiều mặt hàng như bánh kẹo, nấm, măng khô, gia vị… chỉ được đóng trong các bao tải, không nhãn mác. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn những thực phẩm này được nhập từ Trung Quốc dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Tại nhiều chợ trung tâm, chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng như vậy.

Giải pháp nào?

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý tại chợ truyền thống, ông Trần Phú Cường, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến vấn đề ATVSTP trở nên đáng lo ngại chính là có khá nhiều chợ truyền thống được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Trong khi đó tiểu thương chưa có điều kiện kinh doanh bảo đảm yêu cầu vệ sinh, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, chưa quan tâm nguồn gốc xuất xứ thực phẩm… Hiện vẫn còn tình trạng tiểu thương nhập thực phẩm từ nhiều nguồn mà bản thân họ cũng không biết được thực phẩm có nguồn gốc ra sao và nhiễm bẩn đến mức nào. Nhiều tiểu thương lại đặt lợi ích kinh tế lên trên quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng nên đã trở thành cánh tay nối dài của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Trong khi đó, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ, việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Phú Cường cho biết thêm: “Trên thực tế, việc phát hiện các độc tố, dư lượng hóa chất gây mất ATVSTP cần phải có thời gian. Việc kiểm nghiệm test nhanh cũng chỉ là bước sàng lọc mang tính chất định tính... rất khó khăn trong việc xử lý sai phạm. Chính vì vậy, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng tình trạng thực phẩm “bẩn” tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đẩy lùi.

Để kiểm soát chặt ATVSTP tại các chợ truyền thống, ông Trần Phú Cường cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, rất cần các giải pháp đồng bộ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị… để phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm về các mối nguy hiểm từ việc kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn. Song song đó, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về VSATTP. Tuy nhiên, ngay từ đầu cần thực hiện tốt việc quản lý, xây dựng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. “Đây là khâu rất quan trọng, bởi nếu chỉ quản lý thực phẩm tại chợ thì chúng ta mới giải quyết được bề nổi của vấn đề”, ông Trần Phú Cường phân tích.

Trong quý I-2021, ngành thú y tỉnh đã lấy nhiều mẫu thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh, qua giám sát, phát hiện một số sản phẩm có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép của Bộ Y tế từ 1,5 - 2,8 lần, chất cấm trong các loại khô.... Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đã xử lý rất nhiều vụ vi phạm về ATVSTP. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, giám sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều hộ kinh doanh bày bán sản phẩm có chất cấm là hàn the, thuốc bảo vệ thực vật.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=694
Quay lên trên