Nỗi lo mang tên... vàng!

Cập nhật: 18-08-2011 | 00:00:00

Những ngày vừa qua diễn biến thị trường vàng có những biểu hiện bất thường. Sau cơn “sốt” vàng chóng mặt ngày 8-8, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần quyết định nhập khẩu vàng nhằm giải tỏa cơn “sốt” vàng cũng như hạn chế những ảnh hưởng đến tỷ giá, giá vàng trên thị trường đã giảm 3 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, chiều ngày 16-8, giá vàng lại tiếp tục đảo chiều tăng mạnh trở lại mốc 45 triệu đồng/lượng. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, các chuyên gia cho rằng vàng đang là nỗi lo và cần phải có cơ chế quản lý kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng nhằm ổn định thị trường thứ kim loại quý nửa hàng hóa, nửa tiền tệ này...

 Người dân chen nhau mua vàng rồi chen nhau đi bán do thị trường vàng trong nước bất ổn Vì sao diễn biến bất thường?

Nhìn nhận về thị trường vàng trong những ngày này, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp (DN), ĐH Kinh tế TP.HCM gói gọn trong 2 từ: Lo sợ! Ông Thơ phân tích, cả thế giới đang lo sợ về một cuộc khủng hoảng nợ công, những bất ổn chính trị và cuộc tranh cãi về trần nợ công của Mỹ vừa qua. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, FED đã đưa ra một mức lãi suất cực thấp nhằm trấn an các nhà đầu tư trên toàn thế giới khi tiền đang được chuyển sang các dạng tài sản có độ an toàn cao như vàng. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng cao, tác động đến giá vàng trong nước thời gian qua là do nhiều quốc gia hạ giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu khiến cho các nhà đầu tư không còn lý do nào khác là phải tìm nơi “trú ẩn” an toàn và đó chính là vàng. Thêm vào đó, việc mức tín nhiệm bị hạ thấp xuống và cũng không loại trừ tới đây trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ bị hạ thấp xuống. Những vấn đề này đã tạo ra một tâm lý bất ổn cũng như nỗi lo sợ đối với các nhà đầu tư. Cuối cùng, các quỹ đầu tư, ngân hàng Trung ương các nước cũng ồ ạt mua vàng vào, tạo ra làn sóng mua vào trong khi nguồn cung không có gì thay đổi nên tạo ra cơn sốt vàng.

Còn theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị DN - Đại học Ngân hàng TP.HCM, biến động mạnh của giá vàng trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân, bên cạnh giá vàng thế giới tăng cao còn do có sự tham gia của các quỹ đầu cơ, kéo giá vàng trong nước tăng theo. Tuy vậy, ông Dương cho rằng, việc giá vàng trong nước tăng cao lại cũng có những nguyên nhân riêng, bắt đầu từ câu chuyện điều hành thị trường vàng của NHNN cho đến việc nguồn cung vàng bị lúng túng. Kế đến là câu chuyện cầu vàng với tâm lý đám đông của người dân đã “ép” cho giá vàng tăng cao.

Vàng có bị đầu cơ?

Cũng theo TS. Lê Thẩm Dương, rõ ràng thị trường vàng những ngày qua có sự thao túng của giới đầu cơ. “Không có lý gì để khẳng định vàng trong nước không có sự tham gia của giới đầu cơ. Khi thị trường có “sóng”, lúc ấy giới đầu cơ mới ra tay được. Tín hiệu đầu cơ là rất rõ, kể cả tín hiệu rất thô thiển là có người đứng ở tiệm vàng để “mồi”. Thứ hai, lượng vàng bị giam lại, không bán. Thứ 3 là khi có thông tin NHNN sẽ nhập vàng, vàng chưa về nhưng giá vàng đã xuống, do lúc này giới đầu cơ mới tung vàng ra vì có thông tin nhập vàng; đồng thời, lượng người dân đổ xô đi mua vàng hoảng loạn bán ra, làm tăng cung vàng...”, ông Dương phân tích nhưng cũng cho rằng, sự bất thường trên thị trường vàng đều hoàn toàn do đầu cơ  thì chưa đúng.

Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận, nếu đổ hết lỗi cho DN kinh doanh vàng đầu cơ khiến thị trường vàng bất thường thì hơi “oan”: “...Đợt sốt vừa qua, đặc biệt ngày 8-8, yếu tố đầu cơ là có nhưng mang tính chất phụ vào thôi...”. Theo ông Hải, về khía cạnh tâm lý, ai cũng biết hơn 1 năm qua, đối với vàng, chỉ có 1 “van” xuất chứ không có “van” nhập. Khi chỉ có xuất mà không có nhập thì lượng vàng trong dân cạn đi, người cần bán đã bán từ thời điểm vàng có giá 38 triệu đồng/lượng, do vậy lượng cung vàng trong nước không có. Còn các DN kinh doanh vàng luôn tuân thủ nguyên tắc: Chỉ bán vàng khi đã mua được vàng. Khi DN không mua được vàng thì sẽ nâng giá bán lên để kéo giãn nhu cầu mua. Đó là lý do tại sao vừa qua giá vàng trong nước thoát ly hẳn giá vàng thế giới, có lúc cách biệt đến 2 triệu đồng/lượng trước khi NHNN cho nhập vàng. Còn hiện tượng đầu cơ trong thời gian qua có biểu hiện ở dạng các DN kinh doanh vàng, có vàng nhưng không bán giống như hiện tượng “găm hàng” lại. Tuy nhiên, điều này cũng là lẽ thường vì với các DN vàng thường không bao giờ bán hết lượng vàng tích trữ để chuyển sang tích trữ tiền đồng cả. Mặt khác, nếu so với các ngân hàng thương mại, lượng vàng của các DN không thấm thía gì. Trong thời điểm giá vàng trong nước chênh lệch gần 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới mà các ngân hàng cũng không bán ra.

Vì vậy, theo ông Hải, việc các DN không bán vàng ra chắc chắn là do yếu tố cung -  cầu cũng như do chính sách điều hành quản lý hơn là hiện tượng đầu cơ của các DN kinh doanh vàng nhỏ lẻ.

Cần cơ chế quản lý mới

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, có một nghịch lý là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới thời gian qua, nguyên nhân chính là do những bất cập trong cơ chế xuất - nhập khẩu vàng. Đây là điểm mấu chốt mà Nhà nước phải nhắm vào điều chỉnh, quản lý để sao cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng trên thị trường quốc tế. TS. Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, hiện nay “van” xuất khẩu vàng đang được quản lý một cách rất lỏng lẻo: “Cần phải quy định rõ vàng nào được xuất, nếu được xuất thì thuế suất là bao nhiêu? Trong thời gian qua động thái quản lý hoạt động này đưa ra rất chậm, xuất khẩu được hơn 30 tấn rồi mới đưa ra quy định. Còn đối với “van” nhập cũng bị chậm; thêm nữa, căn cứ để nhập số lượng ấy là dựa trên con số nào? Không nhập thì không được, chưa nhập về thì giá đã xuống rồi...”. Vì những bất cập này, theo các chuyên gia, lượng vàng mà NHNN vừa nhập về giả sử trong điều kiện giá thế giới thời gian tới sẽ không biến động, thì lượng vàng này phải được bán ra. Nhưng nếu bán ra, giá vàng trong nước đang thấp hơn giá thế giới. Cho nên, sẽ gây thiệt khoảng 20 triệu USD so với lúc xuất khẩu. Do đó, việc quản lý xuất - nhập phải được ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn. Về lâu dài, việc quản lý vàng cần phải tạo sự liên thông với thế giới. Cuối cùng là phải gia tăng các biện pháp quản trị tuân thủ, nếu phát hiện hiện tượng đầu cơ, phải có thái độ rõ ràng, nghiêm khắc và chủ động đối phó với hiện tượng buôn lậu vàng.

Còn theo ông Trần Thanh Hải, về mặt quản lý, nếu đã coi vàng là hàng hóa thì nên để cho các quy luật thị trường can thiệp. Nếu coi vàng là tiền tệ thì quản lý theo cách quản lý tiền tệ. NHNN nên tách bạch chức năng tiền tệ và hàng hóa của vàng ra để dễ  bề quản lý.

THÀNH SƠN

 

Chưa có công cụ xác định kiểm soát vàng khi xuất khẩu

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam, thực tế thời gian qua Việt Nam xuất nhiều vàng nguyên liệu chứ không phải vàng nữ trang vì tại các cửa khẩu, ngành hải quan chưa có một công cụ nào để kiểm định được vàng xuất đi là vàng gì, bao nhiêu phần trăm. Do đó, thời gian qua một lượng vàng nguyên liệu khá lớn đã được xuất đi trong thời điểm giá thấp, nay lại nhập vào giá cao, để lại nhiều hệ lụy, mất mát. NHNN cần phải có những chính sách tốt hơn trong quản lý, kinh doanh vàng, xuất nhập khẩu vàng.

Đ.THANH (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên