Nỗi lòng người lính già

Cập nhật: 20-09-2012 | 00:00:00

Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh  

Bài 2: Sống như anh 

Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian

Bài viết này chúng tôi dành kể về người lính già Bảy Sáng, tức Huỳnh Văn Sáng, người con của một gia tộc anh hùng vang danh ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên. Gần 50 năm qua, Bảy Sáng là người chăm sóc phần mộ cho các liệt sĩ vô danh nằm yên nghỉ trong nghĩa trang gia tộc của ông. Và khi việc can qua xảy ra, chính ông là người luôn trăn trở trong việc tìm lại kỷ vật của đồng đội và cất giữ cẩn thận; song giờ đây hài cốt của các chiến sĩ cách mạng không biết nằm ở nơi nào, từ trong sâu thẳm đáy lòng của ông dường như có chút xót xa, canh cánh một nỗi buồn man mác...

 Ông Sáng bên bàn thờ của gia tộc và đồng đội

“Một gia tộc anh hùng”

Chúng tôi gọi “một gia tộc anh hùng” là không cường điệu chút nào. Chỉ cần nhắc đến những cái tên, những người con ưu tú trong gia tộc này, mọi người không hề ngạc nhiên vì những chiến công của họ đã gắn liền với hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Thế hệ anh em ruột với cha ông Sáng gồm có: liệt sĩ Huỳnh Văn Huýnh (cha của Bảy Sáng); em gái là bà Huỳnh Thị Bẹ - tham gia kháng chiến; em trai, ông Năm Đệ - tham gia kháng chiến và các anh em chú bác với ông Huýnh là liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy (hiện có con trai là đồng chí Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) và Anh hùng LLVTND Huỳnh Văn Nghệ - gần đây những chiến công của người anh hùng này được đạo diễn Lê Cung Bắc dựng thành bộ phim truyện nhiều tập “Vó ngựa trời Nam”, rất thu hút người xem. Mẹ ông Sáng là bà Tôn Thị Châu, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con là liệt sĩ. Với một gia đình có thế hệ cha, chú đều tham gia cống hiến cho cách mạng, đến thế hệ Bảy Sáng cũng tiếp bước truyền thống đó. Chị của Bảy Sáng là liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Chấu (Châu); em trai, liệt sĩ Huỳnh Văn Láng; người em út của ông (đã mất) cũng là cơ sở của cách mạng hoạt động trong lòng địch. Ông Sáng kể rằng:  khoảng năm 1962, giặc càn bố vào chiến khu Đ ác liệt, chúng thả cả bom hóa học nên hầu hết người dân trong vùng đều tản cư, gia đình ông qua Đồng Nai ở cho đến sau ngày giải phóng mới trở về quê hương. Chính trong thời gian ở Đồng Nai, tổ chức đã giao cho người em út của ông xâm nhập vào hàng ngũ của địch, trở thành phi công lái trực thăng ở sân bay Biên Hòa. Người giao liên tình báo cho “phi vụ cài người” này không ai xa lạ, chính là mẹ của ông Sáng - bà Tôn Thị Châu. Bà mẹ này đã nhận tin tức tình báo từ con và chuyển thông tin vào căn cứ cách mạng. Sau giải phóng, người em út này đã được Nhà nước ta công nhận là “người có công với cách mạng”.

Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Chấu, sinh năm 1939. Từ những năm 50, khi cả nhà đều tham gia kháng chiến, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lòng yêu nước nồng nàn, chị đã xông xáo “lên đàng”. Tuy tuổi còn trẻ, nhưng Sáu Chấu đã thể hiện là một nữ chiến sĩ gan dạ, bản lĩnh kiên cường, không ngại hy sinh; từ chỗ ngày đêm dò la nắm tình hình địch, rải truyền đơn, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến... Cho đến năm 1959, chị thoát ly gia đình và trực tiếp cầm súng xung phong ra tuyến đầu đánh giặc. Trong giai đoạn này, chị đã lập được những chiến công vẻ vang, xứng đáng là người con ưu tú trên mảnh đất chiến khu Đ anh hùng. Chỉ tiếc thay, vào ngày 20-10-1969, khi cùng với đoàn công tác gồm 10 người trên đường đi vận động nhân dân góp gạo nuôi quân thì chị đã sa vào vòng vây của địch. Tất cả đều anh dũng hy sinh! Có điều trùng hợp ở hai người nữ chiến sĩ cách mạng anh hùng này, liên quan đến ông Bảy Sáng đều có cùng ngày cuối của cuộc đời là 20-10. Trang viết cuối của người nữ chiến sĩ - tác giả cuốn nhật ký là ngày 20-10-1966, còn ngày mà chị Sáu Chấu hy sinh là 20-10-1969. Vâng! Sự trùng hợp đau thương luôn xảy ra trong chiến tranh! Theo lời ông Sáng: lúc bị địch phục kích nhưng chị Sáu Chấu vẫn chống trả quyết liệt đến viên đạn cuối cùng. Khi biết mình sẽ hy sinh, chị đã xé hết số bạc mà nhân dân ủng hộ, không để lọt vào tay quân thù trước khi ngã xuống.

Quá khứ vọng về

Cơn mưa cuối mùa rả rích kéo dài khiến cho bầu không khí càng trở nên trầm mặc. Khói nhang bãng lãng, vương vấn trên bàn thờ của gia tộc ông Sáng và nơi thờ các liệt sĩ - đồng đội của ông, tỏa hương thơm nhẹ nhàng  càng thêm ấm áp cho buổi trò chuyện giữa tôi và ông. Một mái đầu bạc, một mái đầu xanh tuy cách nhau chừng 2 thế hệ nhưng cuộc chuyện trò đều quay về quá khứ, về một thời sống đẹp, vinh quang và cũng lắm mất mát, đau thương; nhưng vẫn luôn là khúc ca bi tráng, hào hùng của toàn dân tộc. Binh lửa điêu tàn đã cướp đi tuổi thanh xuân của hàng vạn thanh niên ưu tú, hừng hực lửa đấu tranh. Hầu hết họ đang vào độ tuổi 20, với mục đích cao cả: tiến lên phía trước, bảo vệ Tổ quốc - với tâm nguyện “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Các anh, chị xếp bút nghiên lên đường lo việc đao binh với một tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...  Ông Sáng và tác giả

“Em hỏi anh đi về đâu?

Anh ngoảnh về phương Nam, mang máng thế

Phương trời xa tít tắp

Nhưng ánh chớp đang nháy lên, nháy lên”.

May thay, trong mưa bom bão đạn các anh, các chị còn để lại những dòng chữ viết, những trang nhật ký đầy khí phách cho thế hệ mai sau. Trong tập nhật ký mà chúng tôi đề cập trong loạt bài viết này, những dòng viết của chị dường như có lửa, trong thơ có thép đã được chắt lọc từ bầu máu nóng luôn khát khao cống hiến hết mình cho dân tộc; tấm lòng đau đáu hướng về Tổ quốc, về Đảng, về nhân dân, chị viết: “Vì nhân dân, vì Tổ quốc ra sức học tập... Trong 5 năm qua, mặt trận đã lớn mạnh nhiều. Mình cũng từ đó, qua sự giáo dục của cách mạng, của Đảng... mình đã lớn lên về tư tưởng, về công tác. Phải trui rèn nhiều hơn nữa để trở thành con người ở thế hệ Hồ Chí Minh...”.

Người lính già Bảy Sáng bùi ngùi kể lại: chính xác hai liệt sĩ có tên Anh và Cần mà ông đưa vào nghĩa trang gia tộc của mình là năm 1963; 4 liệt sĩ còn lại là do bộ đội và nhân dân lo liệu việc chôn cất vào năm 1966. Ông nói, năm 1962 địch rải bom hóa học, dân đành phải tản cư, vùng Tân Mỹ này trở thành vùng trắng, chỉ có bộ đội mới bám trụ kiên cường. Năm 1963 địch càn, ta hy sinh hai chiến sĩ là Anh và Cần. Sau khi chôn cất hai đồng đội, Bảy Sáng về công tác ở huyện, trở thành cán bộ quân báo. Năm 1966, xảy ra trận đánh lớn gần cầu Chùa, xã Tân Mỹ, địch phải bỏ chạy, bên ta cũng có nhiều đồng chí hy sinh. Cuối năm này, trong một lần về công tác tại quê nhà, ông thấy trong nghĩa trang gia tộc lại có thêm 4 ngôi mộ mới. Hỏi ra mới biết, đó là các đồng đội vừa hy sinh trong trận đánh lớn đã được bộ đội lo chôn cất. Vì sao lại có chuyện bộ đội hy sinh nhưng lại đem chôn ở nơi này? Ông Sáng nói: có việc này là vì ai cũng coi “tình quân dân như cá với nước”. Hơn nữa, các anh, các chị được yên nghỉ trong nghĩa trang của dân là có ý sau này sẽ được trông nom hương khói. Chính vì thế, kể từ sau ngày đất nước giải phóng cho đến nay, Bảy Sáng luôn quan tâm, chăm sóc các phần mộ đồng đội của mình.

Khi được tôi thông tin, tác giả của tập kỷ vật là một nữ chiến sĩ, ông Bảy Sáng rất xúc động, thế mà lâu nay ông cứ nghĩ người nằm dưới lòng đất là chiến sĩ nam. Đôi mắt ông buồn sâu thẳm, mà rằng: sau khi nghỉ công tác ở Huyện đội Tân Uyên, ông tính chuyện vui cảnh điền viên nhưng hễ nghĩ đến đồng đội của mình đang còn nằm đâu đó trong lòng đất lạnh là ông gác lại ý định này. Ông tự nguyện cùng với ngành chức năng đi tìm liệt sĩ và đã quy tập được hơn 10 bộ hài cốt đem về nghĩa trang. Năm 2000, ông được mời ra Hà Nội họp mặt và được tặng bằng khen tuyên dương về nghĩa cử cao đẹp này. Điều làm cho ông mãi còn băn khoăn, “ân hận” là lúc ấy đã không sớm đưa 6 hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang gia tộc vào nghĩa trang Nhà nước. Ông cho biết: “Khoảng năm 2007, tôi có về gặp đồng chí Phương, lúc đó là Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên, đề nghị cho chuyển các hài cốt liệt sĩ này về nghĩa trang huyện. Trong quá trình chuẩn bị thực hiện thì ông Phương bị bệnh qua đời khiến cho tôi đành phải gác lại mọi việc. Tôi nghĩ, các đồng đội đang yên nghỉ trong nghĩa trang gia tộc của mình nếu từ từ quy tập cũng không sao, do đó tôi cứ mải mê lao vào việc đi tìm đồng đội đang nằm ở nơi khác. Thế rồi, năm 2009 lại xảy ra chuyện động trời, toàn bộ khu đất lưu giữ các phần mộ này đều đã bị san ủi và bây giờ không biết các anh, các chị nằm ở vị trí nào hay bị mang đi đâu...”?!

Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh

- Ngày 1-1-1966: Một năm chiến đấu lịch sử đã trôi qua. Tiễn năm 1965 ở thế kỷ 20, đến năm 1966 với nhiều nỗ lực trong công tác, với nhiều tình cảm ở lứa tuổi thanh niên. Kiên định lập trường giai cấp, chiến đấu anh hùng, đầy lòng tin sự tất thắng của cách mạng.

Hãy đón lấy những mới mẻ mà tiến lên, làm thế nào để đạt cái đỉnh cao nhất của cách mạng.

- Ngày 8-1-1966: Không về họp chi đoàn được (tình hình động, giặc càn vào C2). Đây là lần đầu mà M. có nhiều ý nghĩ mới: làm công tác gì cho phù hợp với tình hình giai đoạn hiện tại...?

- Ngày 15-1-1966: Một tuần qua là thời gian lộ chết (nằm hầm). Rất mong tình hình trở lại bình thường để tiếp tục công tác. Không làm được gì, M. buồn nhiều...

- Ngày 21-1-1966: Đến gặp anh C. để bàn công tác. Một tin làm M. xúc động vô cùng: người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8-1 (ngày đầu địch càn vào bắc C2). M. buồn và suy nghĩ nhiều. Dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc, nhưng trong lòng ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra, còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư. Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi như là người... lý tưởng của M.

M. lại nghĩ đến tình yêu thương cao thượng của anh Trỗi - chị Quyên. Đôi vợ chồng vừa cưới nhau 20 ngày, mới chung sống thời gian ít như vậy.

Biến đau thương thành hành động, giờ đây M. phải làm tốt mọi công tác được giao, là cơ sở chuẩn bị cho công tác mai sau (giáo dục). M. đã yên tâm phần nào, chỉ chờ đợi thời gian thực tế vào nắm tình hình, tích lũy kinh nghiệm qua việc đi sâu sát vào quần chúng, làm công tác tư tưởng quần chúng. Chính điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của người làm công tác giáo dục.

Hãy lo hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt.

Muốn được tiến bộ hơn, làm tốt công tác của mình hơn, bản thân phải nhờ vào trau dồi thực hiện mấy phần:

1. Không ngừng tu dưỡng tinh thần tư tưởng của người cộng sản.

2. Ra sức học tập đồng chí, học tập hội nghị, học tập quần chúng.

3. Không ngừng phát huy đúng mức ưu điểm của mình.

4. Đẩy mạnh hòa mình lao động với đồng chí, với anh chị em.

5. Luôn khiêm tốn.

6. Soi rọi bản thân qua từng công việc.

7. Tổ chức kỷ luật cao, luôn học và trau dồi đạo đức.

Cụ thể trước mắt phải khẩn trương nỗ lực trong công tác sắp tới, khắc phục những thiếu sót, phát huy tính sáng tạo, đi đầu...

- Đối với tình đồng chí, giúp đỡ nhiệt tình hơn.

- Học tập ở người đi trước, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, trong hoạt động cách mạng.

- Tranh thủ nghiên cứu học tập tư liệu, sách, báo.

- Trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức người phụ nữ mới.

 . Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ để trở thành đảng viên ưu tú của Đảng.

- Ngày 30-7-1966: Sau khi học tập chỉnh huấn, học tập về nghiệp vụ, tới phần kiểm điểm học tập. Những ưu, khuyết điểm trong thời gian ở đây (từ tháng 6 đến nay) bản thân có tự hào, phấn khởi trong học tập, tin tưởng ở khả năng bản thân, phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

Cụ thể trước mắt, điều lớn nhất là sửa chữa tác phong cho nhanh nhẹn, gọn gàng, quần áo, tóc tai thật gọn, phần đối xử cần đúng mực, nghiêm chỉnh, không vui đùa quá trớn.

Tự trau dồi, rèn luyện bản thân đó là phương hướng tiến lên khắc phục thiếu sót để trở thành con người tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để sớm trở thành người đảng viên ưu tú của Đảng.

Tình hình ngày càng gay go, ác liệt, đó là sự báo hiệu địch sắp rơi xuống hố diệt vong. Do đó, M. cần nỗ lực, khẩn trương hơn trong mọi mặt công tác, khắc phục nhanh những khuyết điểm luôn suy nghĩ vì nhân dân, vì Tổ quốc mà phục vụ quên mình.

Được vậy mới là thiết thực, góp phần thắng nhanh về ta, mới có quyền tự hào về công việc của M. đang làm. (Còn tiếp)

Q.H (ghi)

Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất

Bạn đọc thân mến! Trong quá trình đăng loạt bài viết này, chúng tôi rất mong thân nhân, bạn bè của chị có thể đọc báo và từ đó nhận ra người trong ảnh. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đăng các hình ảnh có trong tập kỷ vật, nếu bạn đọc có thông tin về nhân vật trong bài viết xin vui lòng liên hệ theo các số điện thoại: 0913.950191 - 0908.033344 - 0919.010167.          

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=544
Quay lên trên