Những ngày giữa tháng 7, tên tuổi, quê quán của 582 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 28, Sư đoàn 7, Quân khu 7 đã được khắc nghi trang trọng lên bia tưởng niệm tại Khu tưởng niệm tri ân 582 liệt sĩ đặc công (ấp Suối Voi, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên). Để xây dựng hoàn thiện khu tưởng niệm này, các thành viên Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh, chiến sĩ Tiểu đoàn 128 đặc công năm nào đã đổ không ít mồ hôi, công sức và tâm huyết. Họ mong muốn tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ mãi lưu danh, trở thành trang sử chói lọi trong lòng thế hệ trẻ.
Công trình Khu tưởng niệm tri ân 582 liệt sĩ đặc công được hoàn tất trong niềm vui mừng của các cựu chiến binh tỉnh
Tiểu đoàn đặc công anh hùng
Khi những tấm đá cuối cùng tại khu tưởng niệm được lắp đặt hoàn tất, trang nghiêm, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 128 cùng các cựu chiến binh tỉnh Bình Dương đã có cuộc hội ngộ, ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng.Qua lời kể của Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn 128 (tiền thân là C100 đặc công thuộc Sư đoàn 7), đây là đơn vị tác chiến tinh nhuệ, chiến đấu quyết liệt, đã lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày đó, có không ít chiến sĩ tham gia tiểu đoàn khi tuổi đời vừa tròn 15, 16 và anh dũng hy sinh khi còn rất trẻ.
Trong 8 năm đánh Mỹ, tiểu đoàn hoạt động chủ yếu ở 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Phước Long và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đơn vị luôn chủ động độc lập huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật binh chủng đặc biệt, tổ chức biên chế gọn nhẹ, tinh nhuệ để “lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”. Với cách đánh bất ngờ, luồn sâu, ép sát phục kích vào trung tâm sở chỉ huy, căn cứ, sào huyệt của địch; đánh vào sân bay, bến bãi, kho hàng, trận địa pháo..., tiểu đoàn là đơn vị thường xuyên đánh mở màn các chiến dịch, đợt hoạt động của Sư đoàn 7 và một số đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền.
Những thành tích vang dội của tiểu đoàn như đánh vào Chi khu Lộc Ninh năm 1968, đánh tiêu diệt sân bay căn cứ Đồng Dù năm 1969, đánh vào căn cứ của Mỹ tại núi Cậu năm 1969. Đặc biệt, trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tiểu đoàn lập chiến công oai hùng khi đánh vào căn cứ sân bay Téc Nich - Bình Long, đánh Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê (Bến Cát)... Cuối năm 1974, do yêu cầu nhiệm vụ, tiểu đoàn được cấp trên quyết định giải thể lần thứ nhất để điều động, tăng cường thành lập Trung đoàn 6 đặc công, Quân khu 7. Đơn vị đã phát huy vai trò truyền thống đã đánh là thắng, được dân tin, bạn mến, kẻ thù khiếp sợ. Đơn vị đã tham gia tích cực trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu tưởng niệm trang nghiêm
Để ghi nhớ công ơn và lưu danh những anh hùng liệt sĩ Tiểu đoàn 128 đặc công anh dũng năm nào, một khu tưởng niệm rộng lớn và trang nghiêm vừa được xây dựng hoàn tất tại ấp Suối Voi, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên. Khu tưởng niệm rộng hơn 2.000m2 gồm các hạng mục như cổng chào, tượng đài chiến thắng, bia tưởng niệm, nhà khách, nhà ăn, khuôn viên hoa, cây xanh... Khu tưởng niệm dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 27-7-2022.
Đại tá Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Để ghi nhớ công ơn của 582 liệt sĩ tiểu đoàn là những người con của 26 tỉnh, thành đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh, những người đồng đội còn sống như chúng tôi đã trăn trở nhiều năm. Được chính quyền địa phương cấp đất và đặt những viên gạch đầu tiên vào năm 2014 nhưng sau đó vì thiếu kinh phí nên công trình không thực hiện được do chúng tôi chỉ được cấp đất, còn kinh phí xây dựng phải tự xoay sở, vận động. Đến năm 2021, khi được Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Dương đứng ra giúp sức, công trình mới được hoàn thiện”.
“Việc làm ý nghĩa của đồng chí Nguyễn Chính Hải cũng như sự đóng góp của các cựu chiến binh trong tỉnh vào việcx ây dựng hoàn tất Khu tưởng niệm tri ân 582 liệt sĩ đặc công là rất đáng ghi nhận. Họ đã phát huy tốt tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước; qua đó tạo cơ sở để thế hệ trẻ noi gương, học tập và tự hào”. (Ông Vũ Xuân Thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh) |
Ông Nguyễn Chính Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh, người đã có nhiều tâm huyết xây dựng công trình nhớ lại: “Qua đề xuất của Ban liên lạc Tiểu đoàn 128 đặc công, chúng tôi đã đến giám sát, dự trù kinh phí. Công trình lúc này chỉ mới xây dựng được những hạng mục thô, tường rào thì chỉ mới xây phần móng, còn rất ngổn ngang và cần nhiều kinh phí. Qua thời gian vận động anh em trong hội và một số anh em thân hữu bên ngoài nhưng cũng chỉ gom được khoảng 800 triệu đồng, trong khi số tiền cần đến hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước tâm huyết của Ban liên lạc Tiểu đoàn 128, gia đình tôi quyết dốc sức, tự nguyện đóng góp để hoàn thiện công trình lịch sử ý nghĩa này”.
Bên cạnh số tiền hơn 3 tỷ đồng bỏ ra, trong khoảng thời gian hơn 7 tháng trong năm 2021, ông Nguyễn Chính Hải đã huy động thêm nhiều con, cháu trong gia đình “ăn nằm” tại công trình xây dựng ngày đêm để kịp tiến độ xây dựng. “Tôi nhiều lần tuyển thêm thợ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhưng không thể, bởi làm việc này cần có cái tâm, kiên nhẫn, chu đáo từng ly từng tí. Bản thân tôi đóng góp một phần công sức vào việc này, không ngoài mục đích lưu danh các anh hùng liệt sĩ, tiếp tục tạo nên một trang sử đẹp trong lòng thế hệ trẻ, để họ noi gương, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước”.
Có thể nói, bằng tình yêu quê hương, đất nước, những chiến sĩ Tiểu đoàn 128 đặc công đã anh dũng hy sinh. Công trình khu tưởng niệm là tâm huyết, là tình cảm tri ân của những người còn sống với những người đã ngã xuống, qua đó tiếp tục thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ mai sau.
QUANG TÁM