Xã An Bình, huyện Phú Giáo là địa phương có số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đa số là người Khmer tập trung tại 2 ấp Nước Vàng và Tân Thịnh. Cùng với người Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang năng động phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điển hình như gia đình anh Ngưu Sô, tổ 3, ấp Tân Thịnh đã thành công bước đầu với mô hình sản xuất dưa lưới.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dưa lưới của anh Ngưu Sô luôn đạt chất lượng
Đa phần các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã An Bình sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng điều, cao su và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Ngưu Sô là người dân tộc Khmer đầu tiên tại xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất dưa lưới trong nhà màng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dưa lưới, anh Ngưu Sô kể từ nhỏ anh đã cùng cha dắt trâu đi cày đồng ruộng, đi chân trần lên rẫy cạo mủ cao su nên anh không ngại khó, ngại khổ. Sau bao nhiêu năm cần cù, chịu khó, cha của anh cũng đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang, con cái được ăn học tới nơi tới chốn.
Song không vì thế mà anh Ngưu Sô “dựa dẫm” vào cơ ngơi của gia đình và quên đi đức tính chịu thương chịu khó, siêng năng lao động của mình. Anh vẫn thường xuyên đi cạo mủ, mua mủ cao su. Năm 2016 do mủ cao su giá xuống thấp nên anh xin làm việc tại công ty gần nhà. Trong công ty anh được cấp trên và đồng nghiệp luôn quý mến vì đức tính trung thực, siêng năng, có trách nhiệm cao với công việc. Cuối năm 2021, anh mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sau khi học hỏi kinh nghiệm từ một người quen.
Nói là làm, anh Sô quyết định dùng số vốn của hai vợ chồng tích cóp được đồng thời vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng để thuê đất, đầu tư chi phí cho nhà lưới. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn dưa lưới rộng 1.200m2 của anh luôn cho năng suất hơn 4 tấn/vụ, lợi nhuận trung bình đạt khoảng 80 triệu đồng/vụ.
Vừa mân mê những trái dưa lưới tròn trịa, dày và đều, anh Ngưu Sô vui vẻ tâm sự: “Chi phí ban đầu vào nhà lưới hết 220 triệu đồng. Hồi mới làm còn bỡ ngỡ, giờ biết kỹ thuật rồi thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Mình dành thời gian chăm sóc vườn vào sáng sớm và ban đêm, ban ngày đi làm. Để cho ra trái đạt chất lượng, ngoài chọn giống tốt, khâu kỹ thuật rất quan trọng. Từ lúc ươm giống đến lúc thu hoạch khoảng 64 ngày. Đến vụ thu hoạch các thương lái tự tìm đến thu mua, đến nay vườn nhà mình đã thu hoạch được 4 vụ rồi”.
Ngắm nhìn vườn dưa lưới xanh mướt được đầu tư hệ thống tưới tự động của anh Ngưu Sô, chúng tôi không khỏi khâm phục sự năng động và cần cù, ham học hỏi của anh. Anh Ngưu Sô đã thành công trong việc phát triển mô hình dưa lưới, giúp tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh thuê nhân công khoảng 4 triệu đồng/người/vụ, qua đó tạo thêm thu nhập cho lao động địa phương. Có thể nói, anh Ngưu Sô là tấm gương điển hình của người dân tộc thiểu số với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm và có ý chí vươn lên, năng động phát triển kinh tế để làm giàu cho gia đình, cho địa phương.
Theo ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, những năm qua, xã luôn quan tâm hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để người dân yên tâm phát triển kinh tế gia đình. Các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được thực hiện tốt, như: Chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ các nguồn tín dụng ưu đãi... Đến nay, tại các ấp có đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống đông, cơ cấu kinh tế đã phát triển theo chiều hướng tích cực, do đó đời sống vật chất của các hộ đồng bào được nâng lên rõ rệt, góp phần cải thiện tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
TIẾN HẠNH