Nông dân gặp khó khi làm VietGAP!

Cập nhật: 23-05-2012 | 00:00:00

Hiện nay, nhiều nông dân trồng rau quả ở Bình Dương vẫn thiếu thông tin về quy trình sản xuất theo VietGAP. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan khác cũng cản trở nông dân làm VietGAP!   Nhiều nông dân Bình Dương đang hướng đến sản xuất rau quả theo quy trình VietGAPVới yêu cầu của thị trường hiện nay, để có thể tạo ra các sản phẩm rau quả có chất lượng, giá thành cao, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân thì điều kiện đầu tiên là phải bảo đảm yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Xu hướng mới của nhiều địa phương trồng rau quả trong cả nước hiện nay là sản xuất rau theo quy trình VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam). Nếu nông dân Bình Dương thực hiện đạt các tiêu chuẩn của quy trình sản xuất này thì sản phẩm rau quả Bình Dương sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Trong những năm gần đây, Bình Dương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất rau quả an toàn tại các địa phương. Các nơi này đã bảo đảm được các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Sản phẩm rau quả làm ra đạt chất lượng cao; sản phẩm của một số nơi đã đi vào siêu thị như rau an toàn của các tổ rau thị trấn Uyên Hưng (huyện Tân Uyên); xã Tân Định (huyện Bến Cát). Tuy nhiên, sản phẩm rau quả an toàn đưa vào siêu thị hiện còn rất hạn chế. Nếu sản phẩm tại các nơi này đạt tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP thì sẽ dễ đưa vào siêu thị hơn và có thể cạnh tranh được với các sản phẩm rau quả của các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều nông dân sản xuất rau quả an toàn ở Bình Dương cho rằng để có thể nhận được chứng nhận VietGAP là điều không dễ!

Ông Lê Văn Xê (Sáu Xê) ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên là một trong những nông dân điển hình của Bình Dương trong việc áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, an toàn. Bản thân ông Sáu Xê đã 18 lần dự các lớp tập huấn về VietGAP trong nhiều năm, nhưng cho đến nay mô hình trồng cây ăn trái của ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Các đoàn kiểm tra, cơ quan chức năng khi đến tham quan vườn cây cũng đánh giá rất cao mô hình sản xuất của ông. Nhiều đơn vị nhận định quy trình sản xuất của ông còn hơn cả VietGAP. Thực tế sản phẩm trái cây của ông Sáu Xê đã được nhiều nơi tiêu thụ, đặt mua. Tuy nhiên, điều mà ông Sáu Xê mong muốn nhất vẫn là cái giấy chứng nhận VietGAp, nhưng chưa nhận được! Ông Sáu Xê chia sẻ, trang trại trái cây Phương Uyên của tôi đã có thương hiệu trong 5 năm nay, những bước chuẩn bị về quy trình sản xuất đạt chuẩn tôi đã làm được hết nhưng quan trọng là cấp giấy chứng nhận thì những người nông dân như chúng tôi không thể làm được.

Ông Nguyễn Phong Huy, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết diện tích sản xuất rau quả theo hướng VietGAP đã xuất hiện nhiều, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Qua khảo sát cho thấy có rất nhiều hộ nông dân muốn được cấp giấy chứng nhận này. Thực tế cho thấy, tuy đã có bước phát triển tiến bộ nhưng nhìn chung nhiều mô hình sản xuất rau quả tại Bình Dương vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết nên việc áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người tiêu dùng Bình Dương do chưa tiếp cận được nhiều các sản phẩm VietGAP nên nhận thức của họ về VietGAP còn hạn chế. Một yếu tố nữa làm hạn chế việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP với nông dân Bình Dương là chi phí đầu tư tốn kém, cần tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi đó nếu sản xuất theo kiểu truyền thống sản phẩm của họ vẫn tiêu thụ được một cách dễ dàng nên họ vẫn chưa quan tâm nhiều đến các lợi ích khi sản xuất theo VietGAP.

Để có thể tiến lên sản xuất theo quy trình VietGAP thì tư duy của người nông dân cần thay đổi; trình độ sản xuất, tay nghề của nông dân cũng cần được nâng cao. Ông Hoàng Thái Hà, người trồng rau an toàn tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ là những người sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ chứ không theo kiểu trang trại nên rất ngại khi tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP. Cho nên mỗi khi có tập huấn tôi cũng đi dự để cho biết thêm thông tin mà thôi, mặc dù tôi cũng rất mong muốn được cấp giấy chứng nhận để sản phẩm của mình có thể đi được xa hơn”. Còn theo ông Sáu Xê thì cái thiếu trong việc cấp giấy chứng nhận VietGAP của Bình Dương là thiếu một đơn vị trung gian đứng ra giúp đỡ người dân thực hiện các khâu về thủ tục giấy tờ. Nếu người nông dân được cấp giấy chứng nhận theo VietGAP thì sản phẩm sẽ được nâng cao giá trị, rủi ro thấp. Còn về mặt lợi ích xã hội thì người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm có chất lượng, an toàn.

Nông nghiệp Bình Dương đang hướng đến trở thành ngành sản xuất hàng hóa; các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy việc hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP và các mô hình được cấp giấy chứng nhận VietGAP mang ý nghĩa thiết thực. VietGAP sẽ là tấm giấy thông hành giúp nông dân đưa sản phẩm thâm nhập các thị trường khó tính và xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên