Nông dân không làm ruộng - tại sao?

Cập nhật: 17-05-2010 | 00:00:00

Cây lúa từ bao đời nay đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều nông dân, cây lúa đã được đặt lên vị trí hàng đầu trong các loại cây trồng. Tuy nhiên trong thời gian qua có một thực tế xảy ra, nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh đã bị bỏ hoang, cây lúa chỉ còn là ký ức ...

Cánh đồng lúa xanh tốt giờ đây chỉ là cánh đồng cỏĐồng lúa thành đồng cỏ!

Đến cuối năm 2009, diện tích đất gieo trồng lúa trên địa bàn tỉnh còn hơn 10.000 ha; năng suất bình quân luôn đạt trên 3,5 tấn/ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng diện tích trồng lúa đang giảm dần qua từng năm và cùng với đó là những cánh đồng hoang xuất hiện ngày càng nhiều. Bến Cát là một trong những huyện có diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều nhất với hơn 700 ha (số liệu cuối năm 2009) các địa phương còn lại là Tân Uyên (hơn 190 ha), Dĩ An hơn (270 ha). Tại Bến Cát, diện tích đất bỏ hoang tập trung chủ yếu tại 3 xã Phú An, An Tây, An Điền. Tại các xã này có các cánh đồng màu mỡ với diện tích lớn chạy dọc theo dòng sông Sài Gòn rất thuận lợi cho việc trồng lúa. Tuy nhiên cho đến nay các cánh đồng lúa năm nào đã biến thành những cánh đồng cỏ. Hầu hết nông dân tại các xã này không còn làm lúa hay trồng hoa màu nữa.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho người nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng truyền thống này nữa. Chị Nguyễn Thị Hoa - ngụ tại xã Phú An tâm sự: “Gia đình tôi chuyển đến đây sinh sống từ trước năm 1975. Thời đó nơi đây có những cánh đồng lúa bát ngát và gia đình tôi cũng là một gia đình trồng lúa lâu năm. Tuy nhiên do thấy làm lúa không hiệu quả và cũng thấy nhiều hộ không còn làm lúa nữa nên gia đình tôi cũng đã bỏ hoang từ hơn 10 năm nay”. Trong câu chuyện với chị Hoa chúng tôi nhận ra sự nuối tiếc của chị khi nói về những cánh đồng lúa. Với chị Hoa, cây lúa là rất quan trọng vì trước đây đã đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình chị. Nay cả một vùng đồng lúa mênh mông trước đây bị bỏ hoang chị thấy thật lãng phí, tuy nhiên cũng như hầu hết các gia đình khác gia đình chị cũng đành buông xuôi vì làm lúa giờ đây không còn “ăn thua” nữa.

Đi thực tế các cánh đồng lúa tại xã Phú An chúng tôi mới thấy sự tiếc rẻ của chị Hoa trong câu chuyện với chúng tôi là hoàn toàn có lý. Cả một cánh đồng mênh mông bằng phẳng rộng hơn 100 ha giờ chỉ là những cánh đồng cỏ. Ông Hai Nê - một lão nông tại đây cho biết: “Do thấy việc trồng lúa không còn hiệu quả nên vài năm trở lại đây gia đình chúng tôi chỉ còn sản xuất cầm chừng và đến năm nay thì đành bỏ hẳn cây lúa và diện tích đành bỏ hoang luôn”. Ông than thở: “Gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở đây cũng muốn được quay trở lại gắn bó với cây lúa nhưng giờ đây làm lúa khó khăn hơn lúc trước rất nhiều”.

Đâu là nguyên nhân?

Trong các câu chuyện với những người trồng lúa lâu năm chúng tôi đều thấy rằng không ai lại muốn bỏ hoang cánh đồng lúa của mình như vậy. Và họ cho rằng đó chỉ là do bất đắc dĩ, nằm ngoài khả năng tự giải quyết của họ. Chị Linh - ngụ tại xã An Tây tâm sự: “Đất ở khu vực này rất tốt cho việc trồng lúa nhưng dần dà người ta quay lưng lại với cây lúa. Lúc đầu gia đình tôi cũng ráng cầm cự để gắn bó với cây lúa nhưng rồi thấy nhiều nhà nghỉ trồng lúa, cánh đồng lúa của nhà mình bi cô lập và làm lúa không hiệu quả”. Việc bỏ hoang đất trồng lúa tại các xã này lúc đầu cũng chỉ bắt đầu tại một số hộ sau lan dần ra trên một diện rộng. Chỉ cần một vài hộ bỏ hoang thôi thì các cánh đồng bỏ hoang này là nơi trú ngụ thuận lợi cho rầy nâu, chuột. Và rồi dần dần các cánh đồng xung quanh cũng sẽ chịu ảnh hưởng lây lan từ các cánh đồng này. Thực tế cho thấy nhiều diện tích đất trồng lúa tại xã Phú An bị bỏ hoang trong thời gian qua cũng do bị dịch bệnh hoành hành.

Vật tư nông nghiệp tăng cao và thiếu nhân công lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đồng lúa bị bỏ hoang. Chị Linh nói tiếp: “Ở đây đa số nam thanh niên thì làm thợ sắt, thợ sơn; nữ thì vào làm trong các công ty, xí nghiệp. Làm các việc đó tuy có gò bó về thời gian nhưng được cái không phải dãi nắng dầm mưa, thu nhập thì cũng ổn định chứ không giống như làm lúa. Còn lại là người lớn tuổi không còn sức để làm nông nghiệp nữa”. Hiện nay hầu hết lao động làm lúa tại các xã này đều phải thuê từ các địa phương khác đến mà chủ yếu là từ các tỉnh miền Tây. Giá thuê nhân công làm lúa cũng đã rất cao nhưng không phải lúc nào muốn thuê là có được. Bên cạnh đó là tiền bồi dưỡng cho người làm công khá nặng, có khi từ 400.000 - 500.000 đồng/ha. Tại xã Phú An, tình trạng ngập úng do không xây dựng được đê bao cũng đã làm cho nhiều hộ nông dân quay lưng lại với cây lúa. Mặt khác, do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các dự án công nghiệp, nhà ở xuất hiện ngày càng nhiều nên đã tạo ra tâm lý ỷ lại trong người nông dân. Thay vì sản xuất để tạo ra thu nhập cho gia đình, một số hộ dân bỏ hoang đất ngồi “chờ“ dự án để được đền bù đất. Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng nông dân tại các vùng này nếu muốn quay lại với việc trồng lúa cũng rất khó vì với diện tích lớn bị bỏ hoang như trên, hệ thống kênh mương, bờ ruộng bị hư hỏng, việc cải tạo lại đất rất tốn kém, một cá nhân không thể làm nổi.

. Bà Nguyễn Thị Ngân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 315 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang và phân tán rải rác trên địa bàn các ấp. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã hướng dẫn các hộ nông dân này chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp nhằm giảm bớt tình trạng bỏ hoang đất. Để tránh lãng phí tài nguyên thì cần có các dự án phù hợp, chính quyền địa phương rất khó để tự giải quyết”.

Tình trạng đất trồng lúa bị bỏ hoang tại nhiều địa phương gây ra sự bất ổn trong sản xuất nông nghiệp và gây sự mất cân bằng trong cơ cấu lao động chung của tỉnh. Thiết nghĩ các cấp, các ngành liên quan cần sớm vào cuộc để khắc phục tình trạng này nhằm tránh lãng phí quỹ đất, giúp đỡ nông dân ổn định sản xuất và tạo ra sự cân bằng trong đời sống nông thôn.

- Ông TRƯƠNG NGUYỄN QUỐC HUY - Phó phòng Kinh tế huyện Tân Uyên: Phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị bỏ hoang theo kiểu bỏ hoang thời vụ do chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra thấp và chưa ổn định. Diện tích bỏ hoang chủ yếu là đầm lầy, rất hiếm xảy ra trường hợp bỏ hoang hoàn toàn. Với những trường hợp bỏ hoang thời vụ do các tác động về giá cả, thời tiết, chính quyền địa phương cũng có các hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, hướng dẫn về kỹ thuật để người dân sản xuất hiệu quả hơn. Các trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

- Ông CAO VĂN HÙNG - ấp Phú Thuận, xã Phú An huyện Bến Cát: Nhiều hộ nông dân trong ấp chúng tôi không làm được lúa do đất bị ngập úng. Người dân mong muốn chính quyền địa phương các cấp xây dựng đê bao chống ngập úng để chúng tôi có thể tiếp tục sản xuất lúa. Ngoài ra nông dân cũng rất cần nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ về cây giống có năng suất cao, phù hợp và phòng trừ các loại sâu bệnh cho hiệu quả để nâng cao năng suất, giảm bớt tình trạng đất sản xuất lúa bị bỏ hoang.CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=540
Quay lên trên