Bắt nhịp cùng thị trường, bên cạnh việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, nông dân huyện Phú Giáo còn linh hoạt, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ theo những phương thức mới, hiện đại, chuyên nghiệp hơn; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại.
Nông dân huyện Phú Giáo tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong ảnh: Thành viên Tổ hợp tác dưa lưới Hùng Hoa tham gia trưng bày sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu do huyện tổ chức
Chủ động tìm đối tác, kênh tiêu thụ
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) vốn là kỹ sư cơ khí nhưng lại bén duyên với ngành nông nghiệp, đặc biệt là cây dưa lưới. HTX được ông đứng ra thành lập từ năm 2016 đến nay quy mô lên tới 83 thành viên, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng hơn 2.000 tấn dưa lưới.
Thời gian đầu thành lập, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long gặp không ít khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ. Nhưng với sự năng động, kiên trì, đi đúng hướng, ông Quyết đã giúp các thành viên có đầu ra ổn định. Hiện nay, HTX đang cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị Metro, Big C, Co.opmart... với giá cả ổn định. “Tuy nhiên hàng năm cũng có những thời điểm khó khăn. Tôi đã chủ động tìm hiểu, tham gia các hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu để có nhiều đối tác, đơn hàng lớn, ổn định đầu ra để thành viên yên tâm sản xuất cũng như có những hướng đi bền vững cho HTX. Hiện nay, có một số hộ trên địa bàn trồng dưa lưới nhưng không phải thành viên HTX. Nếu có đơn hàng, hợp đồng mới, chúng tôi sẽ kết nạp thêm thành viên để mở rộng quy mô sản xuất”, ông Quyết cho biết thêm.
Cũng theo ông Quyết, thông qua đối tác trung gian, năm 2023 HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu dưa lưới cấp đông sang thị trường Nhật Bản trong vòng 1 năm, sản lượng khoảng 400 tấn. Đến thời điểm hiện nay HTX đã thực hiện được 1/3 hợp đồng, khoảng hơn 100 tấn.
Ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương, lại năng động trong việc sử dụng nền tảng mạng xã hội để quảng bá, bán sản phẩm. Theo ông Thuận, HTX đã tham gia các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok... và có một trang web riêng. Thông qua mạng xã hội HTX thu hút khách hàng nhiều hơn. Hiện nay, kênh tiêu thụ thông qua mạng xã hội đạt 75% sản lượng, chủ yếu là các cửa hàng cao cấp. Từ mạng xã hội đã kéo khách hàng mua trực tiếp tăng lên. Trong tháng 5, HTX sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn na dứa Đài Loan, cuối năm khoảng 100 tấn, các thành viên được bao tiêu sản phẩm.
Ông Thuận cho biết thêm, HTX sản xuất loại trái cây đặc thù, độc lạ như: Na dứa Đài Loan (mãng cầu), chà là Trung Đông, vú sữa Hoàng Kim... Đây là những loại cây rất “khó tính” nên không sản xuất đại trà mà có kế hoạch sản xuất sản lượng phù hợp để không bị tồn đọng. HTX Nông nghiệp Bình Dương cũng đang tiến hành liên kết với một số HTX ở Đà Lạt để tiêu thụ sản phẩm sấy khô như mãng cầu sấy và dự định sẽ bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Alibaba...
Tăng cường liên kết
Theo xu thế phát triển chung, huyện Phú Giáo đã và đang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn và thân thiện với môi trường trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu địa phương, từ đó nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập của nông dân.
Ông Trần Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện các loại cây như sầu riêng, cam, bưởi, dưa lưới... phát triển mạnh. Nông dân tích cực tìm kiếm các kênh tiêu thụ như chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, nông dân tích cực tham gia các hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu từ đó có thể liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, nông dân còn tham gia vào các hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác để được hỗ trợ tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm...
Chị Hoàng Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác dưa lưới Hùng Hoa (thị trấn Phước Vĩnh), cho biết: “Tham gia tổ hợp tác giúp thành viên yên tâm sản xuất, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên nhỏ lẻ liên kết với nhau thành mô hình kinh tế tập thể sẽ đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho đơn vị thu mua. Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm do huyện tổ chức mới đây là dịp để chúng tôi tìm kiếm đối tác mới”.
Có thể nhận thấy tùy đặc thù sản phẩm, quy mô sản xuất, người nông dân huyện Phú Giáo hiện nay đang tích cực tham gia vào nhiều kênh kết nối tiêu thụ khác nhau để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản. Đây là xu hướng tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người dân.
TIẾN HẠNH