Tại xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng), nhiều nông dân đã tiên phong tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trong sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp địa phương.
Cũng nhờ nắm bắt được xu thế, mà 4 năm trước đây, ông Nguyễn Văn Đèo, ấp Ông Thanh, xã Cây Trường II quyết định chuyển đổi cây trồng. Ông quyết định cưa bỏ 1 ha cây cao su để chuyển đổi sang mô hình trồng măng tre điền trúc. Dẫn chúng tôi tham quan vườn tre xanh mát rượi, ông Đèo khẳng định chắc nịch quyết định của mình là đúng đắn bởi trồng măng tre thời gian thu hoạch rất nhanh, chỉ cần trồng 1 năm là có thể thu hoạch măng. Tổng số vốn đầu tư ban đầu từ cây giống, hệ thống điện, tưới nước tự động cho 1 ha đất tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt, loại cây này dễ trồng, dễ sống, không cần bỏ công chăm sóc, chỉ cần đủ nước, đủ phân là cây lên tươi tốt.
Ông Đèo chia sẻ: “Cũng may mắn tôi được tham gia vào Hợp tác xã Măng tre Điền Trúc, được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tre do Hội Nông dân xã tổ chức; đồng thời còn được tham quan mô hình thực tế của các hội viên để học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau”. Hiện tại, thương lái vào tận vườn của ông thu mua măng với giá khoảng 9.000 đồng/1kg, trung bình thu nhập hàng tháng mà vườn măng tre mang lại cho ông Đèo khoảng 15 triệu đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Đèo, ấp Ông Thanh, xã Cây Trường II ứng dụng công nghệ cao trong trồng tre lấy măng mang lại hiệu quả năng suất cao
Hiện nay, trên địa bàn xã Cây Trường II có 5 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi, gồm: Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trồng tre lấy măng của Hợp tác xã Măng tre Điền Trúc với diện tích 109 ha; mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Bình tại ấp Ông Chài, với diện tích 4 ha. Các mô hình trên ứng dụng chăm bón bằng phân hữu cơ, thường xuyên được chăm sóc kết hợp với công nghệ tưới nước tiết kiệm và đạt hiệu quả cao. Mô hình trồng bưởi da xanh tại ấp Bà Tứ của hộ bà Nguyễn Khắc Xuân và ấp Suối Cạn của hộ ông Mai Quốc Thái với diện tích 48 ha, sử dụng công nghệ tưới phun sương và bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại (IPM), sử dụng thuốc có trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”. Việc chăm sóc vườn cây đều bằng máy móc thiết bị hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công, rút ngắn thời gian chăm sóc. Mô hình chăn nuôi heo theo phương pháp chuồng lạnh, khép kín của hộ ông Ngô Hữu Hiệp, ấp Ông Thanh với hệ thống máy lạnh, quạt gió duy trì nhiệt độ ổn định, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt. Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, heo tăng trọng nhanh, ít bệnh, tiết kiệm chi phí thuốc men, thức ăn, nhân công do hệ thống cho ăn tự động, chất lượng của thịt heo đáp ứng nhu cầu thị trường nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Trường II, cho biết: Để hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân phấn đấu trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hội đã có những giải pháp để phát triển phong trào như hướng dẫn và vận động hội viên nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân... cho vay hỗ trợ các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn từ Ngân hàng Chính sách - xã hội. Hàng năm Hội Nông dân xã phối hợp cùng UBND xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất được với khoảng 20 lớp tập huấn cho bà con nông dân, 3 lớp dạy nghề cho hội viên; đồng thời hỗ trợ vốn cho khoảng trên 100 lượt hội viên được tiếp cận các nguồn vốn. Song song đó, cán bộ hội viên nông dân còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau như phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho vay để phát triển sản xuất…
VƯƠNG PHẠM - PHÚ HÀO