Nông dân xuất sắc

Cập nhật: 04-06-2021 | 08:38:18

Là người dám nghĩ, biết làm cộng với niềm đam mê công việc nhà nông, sau nhiều năm nghiên cứu và thực hành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ông Tống Văn Hướng, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đã thành công với lựa chọn của mình. Ông là một tr ong những nông dân xuất sắc được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh.

 Thầy giáo mê làm nông

Gần 30 năm trước, từ xứ vải thiều nổi tiếng (Thanh Hà, Hải Dương) ông Tống Văn Hướng cùng gia đình Nam tiến vào Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng lập nghiệp. Đặt chân lên vùng đất mới, ông làm giáo viên còn vợ làm công nhân cao su. Những tưởng gắn bó với nghề giáo ở Minh Hòa nhưng đột ngột ông rẽ ngang sang làm nông. Lý do chuyển nghề như ông nói là vì quá đam mê với công việc đồng áng, đam mê với cây và đất như những người nông dân ở Hải Dương quê ông.

Ông Tống Văn Hướng thăm vườn bưởi da xanh trong trang trại của mình

Ông Hướng nói rằng, vùng đất Minh Hòa có rất nhiều lợi thế để làm nông nghiệp. Không những khí hậu mà thổ nhưỡng ở đây đều rất thuận lợi, từ những cây ngắn ngày đến cây trồng lâu năm như cao su, điều, tiêu và cây có múi như cam, quýt, bưởi… “Ngày đó đất đai còn rẻ, gom được đồng nào tôi mua đất hết. Đất tốt, tôi trồng nhiều loại cây trồng, cây gì cũng phát triển nhanh. Lấy ngắn nuôi dài, cứ thế tôi mở mang thêm diện tích cây trồng và niềm đam mê trồng trọt cũng lớn dần. Nông nghiệp đã thấm vào xương tủy nên bao nhiêu công sức, vốn liếng tôi đều đổ vào đó…”, ông Hướng tâm sự. Từ những khu đất đầu tiên, sau gần 30 năm ông Hướng đã mở rộng quỹ đất sản xuất của mình lên gần 60 ha với đủ loại cây trồng có giá trị cao. Song song với phát triển diện tích trồng trọt, ông Hướng còn đầu tư chăn nuôi để vừa tăng thu nhập vừa có phân để bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa bảo đảm sản xuất sạch.

Sau nhiều năm đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đến nay ông Tống Văn Hướng đã có một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước. Một trang trại cây đặc sản hàng chục ha được trồng theo chuẩn VietGAP, nhiều trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh… mỗi năm mang lại cho ông hàng tỷ đồng.

Tiên phong với các mô hình nông nghiệp

Sau khi xây dựng được trang trại cây trồng, ông Hướng quyết định đầu tư vào chăn nuôi gà. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, không ít lần ông Hướng phải lao đao vì chăn nuôi. Những trại gà hàng chục ngàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng ông phải cắn răng tiêu hủy bởi dịch cúm bùng phát. Mất tiền, xót của, ông Hướng gần như suy sụp, tính nước bỏ nghề chăn nuôi. Nhưng chính sự đam mê với nghề nông đã kéo ông đứng dậy, làm lại.

Mày mò tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ thất bại của chính mình, đầu năm 2003, ông Hướng lại quyết định đầu tư… chăn nuôi gà. Tuy nhiên, lần này ông nuôi gà trong trại lạnh. Đây là công nghệ chăn nuôi mới có nhiều ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với nuôi trong trại hở. Gà được nuôi trong trại lạnh sẽ hạn chế tối đa nguồn lây bệnh cũng như kiểm soát được các loại dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ưu điểm là vậy nhưng để đầu tư hệ thống trại lạnh lúc bấy giờ khá tốn kém, đồng thời đòi hỏi phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật.

“Đầu tư trại lạnh tuy nhiều vốn nhưng bù lại an toàn, bảo đảm thu nhập cao hơn nên mình cố thôi”, ông Hướng lý giải quyết định chọn nuôi gà theo công nghệ trại lạnh. Quả nhiên, quyết định của ông đã mang lại hiệu quả. Từ một trại nuôi gà lạnh ban đầu, đến nay ông Hướng đã có 7 trại gà lạnh, 2 trại heo cũng nuôi theo công nghệ trại lạnh. Ông Hướng cũng là một trong những nông dân đầu tiên ở Bình Dương áp dụng mô hình nuôi gà, heo trong trại lạnh. Đến nay, nhiều nông dân ở các địa phương đã áp dụng mô hình này và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với lợi thế về đất đai và có vị trí gần hồ Dầu Tiếng, những năm gần đây, ông Hướng còn đầu tư xây nhà yến. Đến nay, ông đã có 8 nhà nuôi yến được xây dựng và đã cho thu nhập. Đây cũng là một nghề mới ở Dầu Tiếng và mang lại thu nhập cao cho nhiều người.

Là người đam mê làm nông nghiệp, nhiều năm qua ông Hướng tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm nông nghiệp sạch. Đây không chỉ là tâm huyết lớn của ông mà là hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp bền vững. Đó cũng chính là một trong những lý do để ông và một số nông dân trên địa bàn xã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ thương mại Minh Hòa Phát. HTX ra đời vào năm 2017 đã trở thành nơi liên kết các hội viên, liên kết các mô hình để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm… Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, diện tích trồng cây ăn trái các loại của HTX là 150ha, trong đó có 50ha bưởi da xanh, 20ha cam sành; 50ha quýt đường, 10ha bơ, 5ha chanh không hạt; còn lại là sầu riêng. Với sản lượng 2.000 tấn trái cây các loại. Lãi ròng của HTX hiện nay khoảng 20 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. HTX đang duy trì 12 xã viên, cùng 50 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Với tinh thần dám nghĩ, biết làm và không ngừng học tập, nghiên cứu, ông Tống Văn Hướng đã thực hiện nhiều mô hình trong nông nghiệp thành công. Với 30ha cao su, 20ha cây ăn trái đặc sản, 7ha trang trại chăn nuôi gà, heo và 8 nhà yến, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông Hướng có thu nhập từ 7 - 8 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, ông Hướng bật mí, sắp tới sẽ nghiên cứu kết hợp làm du lịch sinh thái tham quan vườn cây ở ngay lòng hồ Dầu Tiếng.

Với thành tích vượt khó vươn lên làm giàu trong lao động sản xuất, đóng góp tích cực trong phong trào thi đua của địa phương, ông Tống Văn Hướng được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1740
Quay lên trên