Nông nghiệp Bình Dương hướng đến phát triển bền vững

Cập nhật: 15-08-2022 | 08:23:23

 Sau 14 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp Bình Dương đã có bước tăng trưởng khá toàn diện, với nền sản xuất hi ện đại, ứng dụng công nghệ cao (CNC), đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng đư ợc cải thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM ) đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính t rị và nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong tỉnh.

 Nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương đã và đang phát triển mạnh. Trong ảnh: Trại bò sữa công nghệ cao tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo

 Xác định hướng đi bền vững

Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Bình Dương đã đi lên trở thành nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, ứng dụng mạnh CNC. Hiện Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước, tổng diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt toàn tỉnh khoảng 5.763,5 ha. Toàn tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp CNC, gồm: Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); phường Vĩnh Tân (TX. Tân Uyên) và An Thái (huyện Phú Giáo). Trong số này, Khu nông nghiệp CNC An Thái - (Unifarm) là đơn vị đi đầu làm mô hình nông nghiệp CNC với các sản phẩm như chuối, nhãn, dưa lưới… đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài.

Năng lực chăn nuôi CNC của Bình Dương được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Hiện Bình Dương là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cục Thú y đã công nhận 10 vùng ATDB cấp huyện trên địa bàn tỉnh, có 47 cơ sở ATDB cấp xã và 185 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB. Từ thực tế thời gian qua có thể khẳng định, việc phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Tại Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp CNC tỉnh Bình Dương”, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, cho rằng các mô hình nông nghiệp CNC đã có sự lan tỏa trên địa bàn Bình Dương và cả nước, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập. Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp tỉnh phải đối mặt như tốc độ tăng trưởng nhanh của tỉnh đã đẩy chi phí nông nghiệp gia tăng nhanh chóng, nhất là chi phí nhân công, chi phí đất đai luôn giữ ở mức cao. Trong khi đó, vẫn còn nhiều nông hộ có đất bỏ vụ canh tác, gây lãng phí tài nguyên hoặc chờ cơ hội chuyển đổi đất sang đất phi nông nghiệp. Tổ chức sản xuất, liên kết 4 nhà (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) đã đạt được thành tựu nhất định nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng về vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ của tỉnh.

Kinh tế nông thôn khởi sắc

Đến cuối năm 2019, Bình Dương đã đạt mục tiêu 100% xã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 29/41 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 huyện, thị đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Để đạt được thành quả nêu trên, Bình Dương chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó diện mạo các vùng nông thôn chuyển biến rõ nét. Hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng nối liền các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn, các công trình phúc lợi dân sinh nhanh chóng được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nông thôn.

Ngoài sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, các quyết sách đúng đắn của chính quyền, yếu tố vô cùng quan trọng chính là việc người nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn. Theo thống kê, nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng, riêng năm 2021, đạt 71 triệu đồng/người/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước 42 triệu đồng/người/năm).

Đánh giá về sự phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, Bình Dương còn quan tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng CNC. Bằng việc tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn”.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC

Trước những thành tựu đã đạt được, bước sang giai đoạn mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp CNC chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%. Giải pháp then chốt, trọng tâm mà tỉnh hướng đến là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho rằng để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hỗ trợ cho nông nghiệp CNC, nông nghiệp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển đô thị, cần tập trung vào 8 nhóm giải pháp. Cụ thể, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC kết hợp phát triển khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cần đưa vào đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt các công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời sử dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp các sản phẩm nông nghiệp mới, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết ngành nông nghiệp của Bình Dương đang tiếp tục phát huy thành quả trong chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh Bạch Đằng. Một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

 Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Hạ tầng nông nghiệp ứng dụng CNC phải phù hợp với điều kiện để mỗi người nông dân, mỗi tổ chức, trang trại tham gia đầu tư mang lại lợi ích. Thời gian tới, nên thành lập khu nông nghiệp theo vùng để bảo quản, chế biến, đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa ra thế giới; đồng thời là nơi để các chuyên gia khoa học đến nghiên cứu, đóng góp cho khoa học và cho ngành nông nghiệp. Các ngành chức năng của tỉnh cần kết nối với các doanh nghiệp, viện, trường đào tạo thực hành cho nông dân tại những nơi sản xuất ứng dụng CNC.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1869
Quay lên trên