Nông nghiệp Bình Dương: Tái cơ cấu để nâng tầm phát triển

Cập nhật: 09-05-2014 | 00:00:00

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hành động số 388 thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, NN Bình Dương hứa hẹn sẽ vươn lên một tầm cao mới.

 Phát triển tập trung, gắn với công nghiệp chế biến

Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch là xây dựng một nền NN phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Nền NN có khả năng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng cao để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đây, đời sống vật chất và tinh thần của bà con làm NN ở nông thôn lẫn thành thị được nâng cao không ngừng. Kế hoạch 388 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4 - 4,5% mỗi năm (2013-2015) và 3,5 - 4%/năm (2016-2020). Giá trị sản lượng chăn nuôi, trồng trọt bình quân trên 1 ha đất hàng năm là 80 -100 triệu đồng. Riêng NN công nghệ cao đạt 150 - 200 triệu đồng/ha mỗi năm.  

Bình Dương đang tập trung xây dựng ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Trong ảnh: Trồng cam chất lượng cao tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên Ảnh: K.VINH

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và trên cơ sở nhu cầu thị trường, Kế hoạch 388 đề ra mục tiêu tái cơ cấu ngành NN theo hướng phát triển mô hình NN đô thị ứng dụng công nghệ cao và mô hình nhà vườn sinh thái gắn với phát triển du lịch ở khu vực Nam Bình Dương. Trong khi đó, ở phía Bắc Bình Dương, ngành NN tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến tiêu thụ. Kế hoạch cũng chú ý đặc biệt việc phát triển mạnh công tác khuyến nông, dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho nông dân, nhất là các giống mới có năng suất cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa vào canh tác cây trồng.

Bình Dương hiện có vùng chuyên canh cây cao su rất lớn. Chính vì thế, dù đề ra mục tiêu tái cơ cấu mạnh mẽ ngành NN nhưng Bình Dương vẫn phát triển diện tích cây cao su bền vững, ổn định theo quy hoạch, gắn với đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích nâng cấp, mở rộng các nhà máy chế biến cao su về quy mô và công nghệ để tăng sản lượng mủ được chế biến. Đối với các loại cây trồng khác như lúa, rau quả thực phẩm, Bình Dương tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh lớn, dần áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm làm ra. Đối với sinh vật cảnh và cây ăn trái, Kế hoạch 388 tiếp tục khuyến khích bà con nông dân sản xuất quy mô lớn, cải tạo cảnh quan môi trường để tiếp tục nhân rộng và triển khai đại trà.

Huy động nhiều nguồn lực

Ngành NN sẽ phải tiếp tục ưu tiên thực hiện các chương trình, đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch. Ngành sẽ tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng thích ứng cao điều kiện sinh thái các vùng. Đặc biệt, ngành NN phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến. Ngoài ra, Bình Dương xem xét, đẩy mạnh việc xây dựng Trạm thực nghiệm, huấn luyện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với NN đô thị và NN kỹ thuật cao cho nông dân.

Để đủ nguồn lực phục vụ việc tái cơ cấu ngành trong thời gian tới, Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực khoa học kỹ thuật theo định hướng đề ra. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, các chuyên ngành lớn đều có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu đủ mạnh, dày dạn kinh nghiệm. Đồng thời, ngành NN cũng phải tập trung đào tạo, nâng cao trình độ quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, nhằm nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức các chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển NN, nông thôn trong giai đoạn mới.

Kế hoạch 388 cũng đặt ra yêu cầu tăng cường nguồn lực gắn với điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành NN lần này. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư công cho công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 26 của Tỉnh ủy về NN, nông dân, nông thôn. Bình Dương tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn phát triển một số vùng chuyên canh cây, con lợi thế theo quy hoạch như: Dự án đầu tư phát triển cây có múi ở xã Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên), dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), dự án phát triển NN đô thị ven suối Cái (TX.Tân Uyên)… Đối với nguồn vốn sự nghiệp, để thực hiện tái cơ cấu ngành, nguồn vốn cho ngành NN sẽ được tăng cao hàng năm để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giám sát, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, chuyển giao kỹ thuật… Ngoài ra, vốn sự nghiệp khoa học để thực hiện các chương trình, đề tài, dự án ứng dụng trong NN cũng được ưu tiên phân bổ, xét duyệt.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, cho biết: “Kế hoạch 388 đã quy định khá chi tiết về những mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ của các bên có liên quan để thúc đẩy tái cơ cấu ngành NN. Việc sớm thực hiện và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành NN chắc chắn sẽ tạo nhiều lợi thế cho NN và nông thôn Bình Dương phát triển mạnh trong thời gian tới. Điều đó sẽ không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển NN đô thị. Quan trọng là khi tái cơ cấu thành công, người làm NN Bình Dương có nhiều cơ hội cải thiện đời sống, thậm chí là làm giàu từ NN hơn nữa”.

ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Hiện trên toàn địa bàn tỉnh đang có hàng trăm dự án tư nhân đầu tư vào khu vực nông thôn. Chính vì thế, Kế hoạch 388 đề ra mục tiêu rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp (NN), chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được chấp thuận đầu tư trước đây nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Kế hoạch đề ra nhiệm vụ tìm hiểu, đánh giá trình độ công nghệ áp dụng, năng suất, chất lượng sản phẩm của cũng như hiệu quả sử dụng đất của các dự án này. Đặc biệt, nếu phát hiện các dự án không phù hợp với quy hoạch chung, các chủ đầu tư dự án thiếu năng lực tài chính, kém hiệu quả về kinh tế sẽ có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời hoặc loại bỏ hẳn.

Ngành NN sẽ tiếp tục thực hiện công tác thu hút đầu tư kinh tế tư nhân gắn với quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng lựa chọn trọng tâm, trọng điểm của từng ngành, lĩnh vực để thu hút đầu tư tư nhân, chuyển mạnh đầu tư theo chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, áp dụng quy trình công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Để thu hút đầu tư có hiệu quả, ngành NN sẽ công khai, minh bạch về trình tự thủ tục đầu tư, về đất đai, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn… để các tổ chức, cá nhân gặp thuận lợi trong quá trình tìm hiểu, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi ở Bình Dương.

Có thể thấy, việc thu hút đầu tư tư nhân vào NN, nông thôn là công tác cực kỳ quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành NN trong thời gian tới. Nếu thực hiện tốt công tác này, sự kỳ vọng cho ngành NN Bình Dương có cơ hội cất cánh phát triển vượt bậc như công nghiệp là hoàn toàn có cơ sở.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên