Nông nghiệp công nghệ cao: Cơ hội và thách thức trong hội nhập

Cập nhật: 01-09-2018 | 11:47:18

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, cần những giải pháp phù hợp từ xác định vị thế của từng sản phẩm, quy hoạch sản xuất, quy hoạch thị trường xây dựng thương hiệu đến tranh thủ nguồn lực đầu tư và cơ chế quản lý nhà nước.

 

Bình Dương đa dạng hóa cách thức hỗ trợ nông dân. Ảnh: T.L

Cơ hội và thách thức

Tại hội nghị tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản, PGS-TS Nguyễn Thừa Lộc, giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc nhấn mạnh ký kết, thực thi và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do sẽ tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Theo các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại CPTPP… đã và đang tiếp tục được ký kết được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong AEC, CPTPP, EVFTA, cùng với việc mở rộng thị trường nội địa gấp nhiều lần, tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phân khúc thị trường hơn cho các sản phẩm nông nghiệp. Và quan trọng hơn, sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài của nhiều mặt hàng nông sản vì vậy cũng sẽ giảm thiểu, thông qua các thị trường trung gian, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Từ những cơ hội mới từ hội nhập, nông nghiệp sẽ đón những dòng đầu tư mới, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp - những lĩnh vực hiện nay còn bỏ ngỏ do thiếu nguồn lực.

Hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành địa phương quyết tâm thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh xác định việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Để hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh đã và đang đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là tác động mà các DN, người sản xuất thực sự mong đợi bởi đổi mới này một mặt tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, mặt khác đặt ra yêu cầu DN phải tự đổi mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho phù hợp với bối cảnh. Trên thực tế đã có rất nhiều DN nông nghiệp địa phương có những thành công đáng trân trọng.

Bên cạnh những cơ hội thì phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cũng đối diện với không ít thách thức trong bối cảnh hội nhập. Ngành nông nghiệp hiện nay còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục như: Quy mô sản xuất của hộ nông dân nhỏ; kết cấu hạ tầng yếu kém, trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thấp; chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng nông nghiệp chưa hình thành; chất lượng nguồn nhân lực thấp và dưới áp lực do hội nhập tạo ra. Thêm vào đó, tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. biến đổi khí hậu và môi trường đã và đang diễn ra, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp nước ta. Khi các FTA có hiệu lực thì áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, trong khi thị trường nông sản nội địa đang có sự cạnh tranh quyết liệt ở tất cả các phân khúc. Các sản phẩm nông nghiệp sẽ gặp khó khăn thực sự nếu năng lực cạnh tranh không được cải thiện. Tuy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung thời gian gần đây cũng đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp như sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn rất khiêm tốn. Tính chung cả nước chỉ có khoảng 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp…

Cần quy hoạch thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Theo TS Lộc thì với DN, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất, đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt TS Lộc nhấn mạnh DN cũng cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là công tác dự báo, định hướng thị trường cần thực hiện bài bản để sản xuất những sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, lợi thế địa phương. Điều này đòi hỏi các DN phải phát triển theo hướng gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để hội nhập và phát triển bền vững, trước hết ngành nông nghiệp cần xác định rõ vị thế của từng sản phẩm theo hướng sử dụng, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch đầu ra cho sản phẩm và định hướng cho các nội dung khác.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, thời gian gần đây, tại Bình Dương nông nghiệp công nghệ cao đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều DN, đặc biệt là phát triển trái cây có múi. Tuy nhiên, muốn làm nên một cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và nâng cao chuỗi giá trị nông sản cũng như phát triển mạnh mẽ các DN nông nghiệp địa phương cần tuân thủ quy hoạch cả về đất đai lẫn thị trường. Đặc biệt, để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao bài bản và bền vững, bản lĩnh của chính DN vẫn là chưa đủ, mà quan trọng hơn là cần có sự liên kết chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của 5 nhà: Nhà nước, nhà nông dân, nhà khoa học, nhà DN và nhà băng.

Về quy hoạch sản xuất, hạn chế lớn nhất của công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua là thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn trong xác định vùng quy hoạch. Nhiều địa phương quy hoạch chạy theo sản xuất hiện tại, cho nên tầm chiến lược của công tác quy hoạch bị hạn chế… Vì vậy, cần thay đổi cách tiếp cận và tổ chức thực hiện quy hoạch; quy hoạch phải dựa trên cơ sở vị thế và hướng sử dụng của sản phẩm; bảo đảm chiến lược phát triển thị trường trên cơ sở cho cây trồng đó phát triển tốt “đất nào cây ấy”. Nếu công tác quy hoạch được làm chi tiết, thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ cũng như tổ chức sản xuất sẽ phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Những năm qua, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho khoa học - công nghệ rất nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu của sản xuất, một phần lỗi cũng do quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cần được rà soát, đánh giá và định hướng cụ thể hơn. Từ đó tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo chuỗi giá trị từ sản xuất - thu hoạch - chế biến - lưu thông xuất khẩu.

Tại Bình Dương, việc đăng ký thương hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp đã và đang được các địa phương tiến hành, ví dụ như các thương hiệu cho trái cây có múi Tân Uyên… Chuyên gia lưu ý việc đăng ký thương hiệu tập thể không khó song việc xây dựng quy chế sử dụng, bảo vệ thương hiệu tập thể cần phải thực hiện chặt chẽ, thật sự bảo đảm cho các thành viên trong hợp tác xã hoạt động sản xuất có hiệu quả. Thực tế tại các địa phương khác việc sử dụng thương hiệu tập thể đang gặp nhiều khó khăn. Ý thức người sử dụng thương hiệu tập thể chưa cao làm ảnh hưởng đến thương hiệu. Vì vậy các cấp quản lý, chủ trang trại cần tập trung nghiên cứu và có quy định rõ ràng về thương hiệu cho sản phẩm tập thể nhằm tránh những đáng tiếc có thể xảy ra.

Kết thúc hội nghị tập huấn, PGS-TS Nguyễn Thừa Lộc kỳ vọng với cơ chế, chính sách thông thoáng cùng với sự năng động của DN Bình Dương, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và có những định hướng đúng đắn về thị trường cho các sản phẩm địa phương, để trong tương lại gần Bình Dương tiếp tục là điểm sáng về mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với thực tiễn địa phương.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên