Nông nghiệp công nghệ cao: “Khát” lao động có tay nghề

Thứ năm, ngày 16/11/2017

Bình Dương có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Một trong những vấn đề các DN này đang rất quan tâm chính là nguồn nhân lực.

(BDO)  Không cần đông, chỉ cần “tinh”

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đưa chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi bò sữa công nghệ cao tại huyện Phú Giáo. Tại đây, hơn 200 con bò sữa được chăm sóc đúng chuẩn công nghệ cao. Toàn bộ hệ thống điều hòa nhiệt độ, thông gió, xử lý nước thải, dọn dẹp phân bò… của trang trại tốn hàng tỷ đồng chỉ để cho đàn bò cho ra dòng sữa chất lượng cao nhất. Ông Trung cho biết, điều hành cả trang trại bò hơn 1.000 ha này chỉ có 1 kỹ sư công nghệ và 1 kỹ sư chăm sóc thú y. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sử dụng rất nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại nên không cần nhiều lao động phổ thông.

 Ngành nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương đang cần nhiều lao động có tay nghề. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Phú Giáo thăm khu chế biến, xử lý chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Cạnh trang trại bò của Công ty Cổ phần Đường Bình Dương là cánh đồng cỏ voi rộng hàng trăm ha. Để trồng và thu hoạch cỏ, công ty chỉ sử dụng 2 - 3 nhân viên, vì mọi quy trình canh tác, thu hoạch cỏ đều được sử dụng bằng máy móc, thiết bị. Một chiếc máy cắt cỏ cho năng suất lao động trong một ngày bằng tới 20 - 30 lao động phổ thông. Chính vì thế, với quy mô trang trại hàng ngàn ha nhưng công ty sử dụng rất ít nhân lực. Còn hai kỹ sư điều hành toàn bộ trang trại nuôi bò sữa, công ty phải “chiêu mộ” từ TP.Hồ Chí Minh về đây làm việc.

Theo Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 mỗi tỉnh có ít nhất 10 DN, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 - 2 khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tuy vậy, trên bình diện cả nước, hiện nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa bắt kịp xu thế này.

Ghi nhận cho thấy, lương của một kỹ sư làm nông nghiệp công nghệ cao hiện không dưới vài ngàn USD mỗi tháng. Tuy vậy, nhiều DN tại Bình Dương vẫn rất khó tìm nguồn lao động tay nghề cao này. Một số DN đã phải ra nước ngoài mời các chuyên gia về làm công cho mình.

Cần có chiến lược đào tạo lâu dài

Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I là đơn vị có thế mạnh về lĩnh vực trồng cây ăn quả công nghệ cao. Sản phẩm chuối, dưa lưới, rau củ… của công ty đã xuất hiện tại nhiều nước. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động sản xuất, công ty phải thuê hai chuyên gia từ Philippines và Israel. Lý giải cho điều này, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc công ty cho biết, một số nước trong khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao trước Việt Nam hàng chục năm, chính vì thế họ đã làm chủ công nghệ và có kinh nghiệm hơn hẳn các chuyên gia trong nước. Hiện công ty đang bố trí lao động trong nước sát cánh cùng các chuyên gia nước ngoài vừa để học hỏi thêm kiến thức, vừa tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quý báu từ chuyên gia nước ngoài.

Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trước hết là cần vốn, tuy nhiên hoạt động có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào con người. Dự báo, đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp của cả nước sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Để góp phần giải quyết khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo đó, sẽ nâng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020.

Đối với Bình Dương, ngoài các chính sách của Trung ương, nhiều chuyên gia cho rằng tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu công nghệ sinh học, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cùng với đó có thêm những chính sách thu hút nhân tài lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn hơn. Có như vậy mới bảo đảm lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định, bền vững.

 XUÂN VĨ