Nông nghiệp công nghệ cao: Phải chăng còn “quá cao”?

Cập nhật: 22-03-2011 | 00:00:00

Đã triển khai 4 năm qua và được coi là một bước đột phá của nông nghiệp Bình Dương, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại việc xây dựng các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phải chăng NNCNC  vẫn còn “quá cao” với nông dân Bình Dương?

Hướng đi đột phá

Ngày 15-2-2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1013/QĐ-UBND về việc ban hành “Đề án NNCNC Bình Dương giai đoạn 2007-2010”. Đây là một quyết định nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp , hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn; bảo đảm khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao mang tính đột phá vẫn chưa xuất hiện nhiều. Trong ảnh:  Mô hình trồng nấm ở xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo

Trong năm 2008, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng 3 khu NNCNC trên địa bàn tỉnh gồm: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô 411,75 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên) do Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Tiến Hùng làm chủ đầu tư có diện tích 89,95 ha; Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao do Công ty Cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư (xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo), quy mô 471 ha. Trong 3 khu NNCNC có thể thấy khu NNCNC An Thái đã có sự chuyển biến trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các hạng mục dự án. Việc san lấp mặt bằng trong khu đã thực hiện hoàn chỉnh. Ngoài ra tuyến đường chính, hệ thống điện cũng đã được xây dựng nhằm đáp ứng cho hoạt động của các phân khu. Công ty U&I cũng đã hợp tác trồng 10 ha cây dược liệu, triển khai trồng 10 ha cây cảnh và cây công trình; ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động; trồng các loại rau sạch và cao cấp trên diện tích 2 ha. Đến nay các loại sản phẩm này đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như: Metro, Big C, Sài Gòn Coop. Khu NNCNC Tiến Hùng cũng đang lập hồ sơ thăm dò, khai thác nước ngầm để phục vụ dự án; lập thiết kế cơ sở, quy chế quản lý xây dựng công trình; thiết kế thi công các đường chính trong khu... Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang với quy mô tổng đàn đến năm 2020 là 2.500 con, tổng mức đầu tư là 7.970.000 USD đến nay chủ đầu tư đang hoàn chỉnh lại dự án theo các ý kiến đóng góp.

Mô hình nuôi gà sao ở xã An Bình, Phú Giáo

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Trong lĩnh vực trồng trọt hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 11 mô hình thử nghiệm và canh tác ứng dụng nhà lưới kín, sử dụng hệ thống tưới dung dịch phân và tưới nước tự động. Các hộ nông dân sử dụng công nghệ này trong một số loại cây trồng như: cà chua, rau ăn lá, dưa leo. Một số cá nhân tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như hộ ông Nguyễn Văn Tưới và Nguyễn Văn Tường ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng sử dụng công nghệ phun sương cho cây tiêu; mô hình tưới phân hữu cơ, tưới nước tự động dùng cho cây bưởi của hộ bà Nguyễn Thanh Thủy ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát. Trong lĩnh vực chăn nuôi có 273 trại chăn nuôi heo, gà, bò ứng dụng một số quy trình kỹ thuật cao như: nhà kín sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ, hệ thống máng uống tự động, máng ăn bán tự động, xử lý môi trường bằng hệ thống biogas...

Vẫn còn “quá cao” với nông dân?

Nếu như so với đề án được phê duyệt có thể thấy rằng tình hình triển khai các khu NNCNC trên địa bàn tỉnh là chậm. Vì vậy nhiều người dân xung quanh các khu NNCNC này vẫn phải chờ đợi với lời hứa là sẽ được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cùng hợp tác sản xuất. Theo đánh giá chung của các lãnh đạo sở, ngành liên quan thì hiện nay việc quản lý, theo dõi, giám sát các hoạt động trong từng khu NNCNC là rất khó khăn vì chưa có Luật Công nghệ cao. Các cơ quan hữu quan thì vẫn loay hoay trong việc quản lý, hướng dẫn cho các chủ đầu tư này làm theo đúng luật cũng như theo đúng các trình tự thiết kế của đề án. Các mô hình NNCNC xuất hiện trong các hộ nông dân tuy có tăng so với thời gian trước, tuy nhiên vẫn chưa tạo ra được bước đột phá trong nông nghiệp và vẫn chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực cũng như đối tượng nhất định; các mô hình mang tính định hướng nhằm chuyển giao nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn ngân sách đầu tư chưa triển khai thực hiện được.

Nếu dựa theo Thông tư 30/2006/TTLT-BNN&PTNT-BTC của Liên bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp khuyến nông, khuyến ngư thì mức hỗ trợ để thực hiện mô hình NNCNC tối đa là 50 triệu đồng/mô hình. Mức hỗ trợ này không đủ để hình thành nên mô hình vì cần phải được đầu tư đồng bộ về công nghệ từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản... Các công ty thì không mặn mà lắm với số tiền hỗ trợ này, còn với những nông hộ nhỏ thì sẽ rất khó để họ có thể đầu tư xây dựng với mức hỗ trợ trên. So với ngành chăn nuôi, số lượng các mô hình NNCNC trong trồng trọt còn ít; trình độ khoa học vẫn còn thấp so với các mô hình NNCNC ở một số tỉnh (Lâm Đồng, TP.HCM) và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó quy mô sản suất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất còn rất hạn chế. Việc chuyển giao khoa học công nghệ trong thời gian qua vẫn còn dàn trải, chưa chú trọng đến việc tác động, hỗ trợ cho các nông hộ, trang trại sản xuất lớn trong việc đầu tư mở rộng và nâng cao trình độ sản xuất. Còn với những hộ sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chủ yếu là tự mày mò dựa vào kinh nghiệm là chính. Quả đúng là còn rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng và phát triển các mô hình NNCNC.

CAO SƠN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NAM: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và các chủ đầu tư

NNCNC là bước đột phá cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vì vậy nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các chủ đầu tư để tiếp tục động viên khuyến khích tạo điều kiện cho các khu NNCNC phát triển; các mô hình ứng dụng công nghệ trong dân đã phát huy hiệu quả vì vậy cần linh hoạt vận dụng các chính sách để NNCNC tiếp tục phát triển...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương LÊ VĂN RUM: Nguồn lực phát triển còn thiếu và yếu

“Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một lĩnh vực còn mới mẻ đòi hỏi phải có các nguồn lực, đặc biệt là vốn, khoa học công nghệ, cán bộ chuyên môn (về lĩnh vực giống, công nghệ mới, công nghệ sinh học...) và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua các nguồn lực này còn thiếu và yếu; trình độ kỹ thuật của nông dân vẫn còn thấp, sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính, nguồn đầu tư sản xuất còn hạn chế... đã làm hạn chế sự phát triển các mô hình NNCNC trên địa bàn tỉnh”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên