Với lợi thế là một huyện có diện tích lớn đất đai trù phú, nguồn nước phù hợp nên trong thời gian qua kinh tế nông nghiệp Dầu Tiếng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó ngành chăn nuôi có những bước phát triển mới với việc xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi lớn có giá trị kinh tế cao.
Cá sấu- một trong những vật nuôi mới phát triển ở Dầu tiếngThời gian gần đây nông nghiệp Dầu Tiếng đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Thế mạnh của Dầu Tiếng là các trang trại trồng cao su với diện tích lớn. Nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã có sự phối hợp hợp lý giữa trồng trọt và chăn nuôi để hình thành nên những mô hình chăn nuôi mới với quy mô lớn có giá trị kinh tế cao. Nổi bật là các mô hình nuôi gà lạnh tại xã Minh Hòa, chăn nuôi bò sữa tại xã Long Tân và chăn nuôi heo tại xã Minh Tân. Trong đó mô hình nuôi gà lạnh được xem là một bước đột phá mới của nông dân Dầu Tiếng. Tại xã Minh Hòa đã hình thành tổ kinh tế chăn nuôi gia cầm với 25 thành viên, trong đó tập trung chủ yếu là các hộ dân nuôi gà lạnh. Đa số các thành viên này có từ 1 đến 2 trại gà lạnh, nhiều nhất có 6 trại. Mỗi trại thả từ 3.000 đến 6.000 con gà. Nuôi gà lạnh đòi hỏi số vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng chuồng trại. Tuy nhiên lợi nhuận của mô hình chăn nuôi này mang lại cũng khá lớn. Mỗi đợt nuôi, 1 trại gà có thể cho thu lãi ròng trên 100 triệu đồng (1 năm có thể thả 4 đợt). Mô hình chăn nuôi gà lạnh tuy mới xuất hiện tại Dầu Tiếng từ khoảng năm 2007 nhưng nó đã cho thấy đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao và phù hợp với địa phương này. Hiện mô hình nuôi gà lạnh đang có chiều hướng phát triển mạnh tại Dầu Tiếng vì huyện này có nhiều điều kiện về quỹ đất, nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu.
Khác với mô hình chăn nuôi gà lạnh, mô hình chăn nuôi bò sữa trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ sau một thời gian chịu ảnh hưởng của việc giá sữa giảm. Thời gian qua tại xã Long Tân đã hình thành nên câu lạc bộ chăn nuôi bò sữa. Hiện nay câu lạc bộ này đã có sự tham gia của 11 thành viên với khoảng 120 con bò sữa. Theo nhiều người đánh giá, nếu bò phát triển tốt và giá sữa ở mức ổn định thì 1 chu kỳ cho sữa của 1 con bò có thể cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Từ những hiệu quả kinh tế cao của chăn nuôi bò sữa mà trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã hình thành các cánh đồng cỏ chất lượng cao nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho các trại chăn nuôi bò sữa.
Ngoài các mô hình chăn nuôi trên, mô hình chăn nuôi heo quy mô lớn đang khẳng định ưu thế trong việc mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, góp phần giải quyết tốt việc làm với mức lương trung bình trên 2.000.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh các mô hình kể trên, trong thời gian gần đây nông dân huyện Dầu Tiếng cũng chú ý đến việc phát triển các con nuôi mới, có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi nhím của ông Nguyễn Văn Tân, ngụ xã Long Hòa; nuôi cá sấu tại xã Định Thành, Định Hiệp, thị trấn Dầu Tiếng và một số mô hình khác như nuôi ba ba, heo rừng lai... bước đầu cũng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Bà Lê Vân Anh, cán bộ Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng cho biết: “Thời gian gần đây ngành chăn nuôi của huyện đã có những bước đột phá mới. Việc hình thành nên các câu lạc bộ chăn nuôi đã có tác động tích cực đến các phong trào của nông dân trên địa bàn huyện. Các câu lạc bộ, các mô hình đã có sự hỗ trợ tốt cho nhau trong việc phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nông dân”. Cũng theo bà Vân Anh, trong thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ có các chương trình hỗ trợ tích cực cho nông dân trong việc vay vốn, thành lập trang trại, duy trì và phát triển các tổ kinh tế, các câu lạc bộ; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong đó việc phát triển đàn trâu bò được xác định là chương trình trọng tâm của Hội Nông dân huyện trong thời gian tới.
CAO SƠN