Nông nghiệp đô thị: Hướng đi bền vững cho kinh tế hộ gia đình thời đô thị hóa

Cập nhật: 15-09-2012 | 00:00:00

Nông nghiệp đô thị (NNĐT) là khái niệm mới xuất hiện từ những năm cuối của thế kỷ XX và ngày càng được quan tâm tại Việt Nam. Với tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ, chủ trương của Bình Dương cũng không ngoài việc phát triển mạnh mẽ NNĐT để tạo bước phát triển bền vững cho các đô thị phía nam tỉnh. Trồng rau an toàn tại Chánh Mỹ - TP.Thủ Dầu Một

Bình Dương chọn phát triển NNĐT

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước. Chính vì thế, NNĐT sớm được tỉnh quan tâm. Đáng chú ý là dù diện tích đất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp để nhường chỗ cho các KCN, khu dân cư... nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng cao. Qua 2 năm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến nay, nông nghiệp Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh đến cuối năm 2011 là 4,1%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 70 triệu đồng. Đến cuối năm 2011, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 133.477 ha (diện tích cao su chiếm 129.808 ha, sản lượng đạt 190.442 tấn).

Có thể lấy TP.Thủ Dầu Một làm ví dụ điển hình cho những bước phát triển mạnh mẽ của NNĐT. Do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chỉ còn khoảng 2.655 ha, chiếm 22% diện tích đất tự nhiên và chỉ còn 4.118 lao động phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông - lâm - thủy của thành phố đạt 50,6 tỷ đồng, giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha canh tác/năm đạt đến 69,4 triệu đồng. Có được con số ấn tượng này là nhờ vào nỗ lực chuyển dịch từ cây có giá trị kinh tế thấp (như cây lúa, mía, vườn  tạp) chuyển sang cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với sản xuất NNĐT như trồng rau màu, hoa lan, cây cảnh, vườn cây ăn quả... Các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với mô hình lớn hơn ở hộ gia đình và trang trại (phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp).

Như vậy, có thể thấy NNĐT chính là hướng phát triển tất yếu đối với 3 đô thị lớn của tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An và TX.Thuận An. Đây đều là những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh và nhanh dẫn đến tình trạng một bộ phận thị dân không kịp chuyển đổi ngành nghề nên vẫn mong muốn gắn liền với nghề nông.

Chính từ những nhu cầu bức thiết này mà ngày 20-9-2011, Tỉnh ủy Bình Dương đề ra “Chương trình hành động số 26/Ctr-TU” về việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015. Mới đây, “Kế hoạch 756/KH-UBND ngày 26-3-2012 của UBND tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015” tiếp tục khẳng định việc chọn hướng phát triển NNĐT nhằm ổn định đời sống, phát triển bền vững cho các đô thị của tỉnh.

Đã có nhiều mô hình hay

Thực tế cho thấy, NNĐT của Bình Dương đã tự phát triển và đạt được những thành công nhất định trong thời gian qua. Nhiều hộ nông dân và trang trại đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi... góp phần giảm chi phí công lao động, nâng cao năng suất theo hướng tiên tiến. Đến nay, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được áp dụng hầu hết trên các loại cây trồng chính của tỉnh như: 100% diện tích cao su; 75% diện tích bưởi, 90% diện tích sầu riêng, 100% diện tích rau.

Như đã nói ở trên, chương trình phát triển NNĐT và nông nghiệp kỹ thuật cao gắn liền với công nghiệp chế biến tạo động lực rất lớn để phát triển NNĐT địa phương. Tuy nhiên, có thể thấy rằng từ lâu trong nhân dân đã có nhiều mô hình kinh tế NNĐT hay và cho hiệu quả lớn đã được áp dụng.

Điển hình là hộ  ông Bùi Thanh Sơn (P.Dĩ An, TX.Dĩ An) mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm giống chim trĩ và đã gặt hái nhiều thành công. Hiện nay, mô hình của ông được Chi cục Kiểm lâm cấp phép, Hội Nông dân biểu dương gương sản xuất giỏi năm 2011. Hay như hộ ông Nguyễn Thành Sinh, khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An với mô hình nuôi dế sữa. Từ một lần được Hội Nông dân phường mời tham dự các lớp tập huấn, nhận thấy mô hình nuôi dế sữa cho hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, kỹ thuật nuôi dễ, không ngại khó, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư và khá hiệu quả.

Theo thống kê mới nhất của Phòng Kinh tế TX.Thuận An, hiện trên địa bàn có trên 150 hộ đã và đang áp dụng canh tác theo mô hình NNĐT như: trồng hoa mai (50  hộ - 9,7 ha), hoa lan các loại (24 hộ - 2,67 ha), kiểng các loại (37 hộ - 6,76 ha), cá kiểng (19 hộ - 1.000m2), 12 hộ nuôi mô hình hồ cá (240 hồ cá bình quân 20 hồ/hộ nuôi), cá sấu - trăn (5.000m2), nấm (2 hộ - 1.200m2). Ngoài ra, một số hộ trồng rau theo phương pháp thủy canh, áp dụng các mô hình trồng rau mầm, trồng nấm ăn, trồng rau thủy canh, trồng hoa trong nhà lưới hay nuôi ba ba trên cạn, nuôi lươn, ếch, trùn quế, giun đất, nuôi côn trùng làm mồi nuôi chim, nuôi cá kiểng... Đó chính là những dạng hình phù hợp với nền NNĐT, góp nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có kết quả và thích ứng với điều kiện sản xuất mới, diện tích nhỏ nhưng giá trị sản xuất cao khi đô thị phát triển nhanh. 

Sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra chương trình phát triển NNĐT, TP.Thủ Dầu Một và các TX.Thuận An, TX.Dĩ An đã gấp rút hoàn chỉnh các đề án phát triển NNĐT. Theo các đề án này, lộ trình phát triển NNĐT và các biện pháp tiến hành cụ thể đã được đề ra với sự chung tay góp sức của nhiều sở, ngành. Kỳ vọng trong một thời gian sớm nhất, NNĐT sẽ hình thành và phát triển đúng như mong đợi, góp phần đem lại sự phát triển bền vững cho các đô thị nói riêng và bước phát triển chung cho toàn tỉnh Bình Dương nói chung.

Từ cuối thế kỷ XX, NNĐT đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 2008 thì gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị trên thế giới là từ NNĐT, 25 - 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình NNĐT. Rất nhiều đô thị nổi tiếng trên thế giới phát triển mạnh về NNĐT. Ở Matxcơva (Nga) 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%... Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở New York (Mỹ) có vườn  trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... NNĐT, ven đô cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt, trứng của người dân. Theo Tổ chức Làm vườn quốc gia Mỹ, năm 2007, người dân nước này chi khoảng 1,4 tỷ USD cho việc trồng cây rau, quả tại nhà, tăng 25% so với năm 2006. 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=703
Quay lên trên