Nông nghiệp hướng tới công nghệ cao – Kỳ 1

Cập nhật: 12-10-2020 | 09:59:59

Kỳ 1: Hướng đi tất yếu

Xác định ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ; thu hút doanh nghiệp đầu tư… Nhờ đó, nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh đã từng bước hình thành, nhiều mô hình sản xuất phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.


Mô hình trồng dưa lưới ở Khu nông nghiệp công nghệ cao (Unifarm) xã An Thái, huyện Phú Giáo

Minh chứng thực tế

Anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết anh trồng rau công nghệ cao từ năm 2013, song thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật canh tác. Sau nhiều lần thử nghiệm và đưa sản phẩm dưa lưới ra thị trường thành công, năm 2016, anh quyết định thành lập HTX. Đến nay, HTX Kim Long đã có 45 thành viên với 12 ha nhà kính trồng dưa lưới công nghệ cao. Có thể nói, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm của HTX đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước.

“Nếu so với trồng cao su và điều, thu nhập từ trồng dưa lưới tính trên 1 ha cao gấp hàng chục lần. Nhờ ƯDCNC vào trồng trọt đã giảm thiểu nhiều rủi ro ảnh hưởng từ dịch bệnh, khí hậu, năng suất tăng lên 30% so với canh tác truyền thống. Các hộ nông dân trong HTX đa số trước đây là công nhân cao su, từ khi chuyển qua làm việc tại HTX Kim Long đã có thể linh hoạt được thời gian và thu được lợi nhuận dao động từ 500 - 600 triệu đồng/năm/hộ”, anh Quyết chia sẻ.

Trong năm 2019, HTX đã cung ứng ra thị trường 600 tấn dưa lưới và ước lượng năm 2020, con số này sẽ tăng lên khoảng 800 tấn. Doanh thu năm 2019 đạt 25 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện đối tác chính của HTX là hệ thống các siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh và chuỗi siêu thị minimart.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng trên thị trường đang rất lớn, chị Nguyễn Như Ngọc (ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới trên diện tích trên 4.400m2. Chị Ngọc chia sẻ khác với phương pháp canh tác truyền thống, trồng dưa lưới trong nhà màng có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Với mô hình này, chị có thể trồng được 3 - 4 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc vào tác động của môi trường và biến đổi thời tiết. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm một nhà màng, chị Ngọc có lãi từ 35 - 40 triệu đồng/vụ, trong năm có lợi nhuận hơn 400 triệu đồng.

Đạt nhiều kết quả

Giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC; phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía bắc; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực. Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh gần 150 ha; tổng diện tích ƯDCNC 5.345 ha, với các loại cây trồng có giá trị như nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh…

Việc ƯDCNC trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tính đến nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng trên 450 ha. Giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ ha/năm.

Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại tập trung ƯDCNC, liên kết theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hiện nay, chăn nuôi ƯDCNC ổn định với 142 trang trại gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,1 triệu con; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn gần 518.000 con; vịt thịt có 15 trại với số lượng 205.600 con; bò sữa có 2 trang trại với quy mô đang nuôi 849 con. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi như máng ăn, uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Song hành với những lợi ích thiết thực mang lại cuộc sống ổn định, tăng thu nhập cho người dân, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đem đến hiệu quả kinh tế rõ nét, tạo ra nguồn sản phẩm ổn định và vượt trội về số lượng lẫn chất lượng. Có thể khẳng định nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. (Còn tiếp)

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=673
Quay lên trên