Nông nghiệp hữu cơ sẽ “thắng thế”

Cập nhật: 29-03-2023 | 08:31:18

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn bảo đảm hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Theo thống kê của FiBL (Viện Nghiên cứu NNHC) và Tổ chức NNHC quốc tế (IFOAM) cho thấy, hiện có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác toàn cầu. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất NNHC rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm NNHC.

Việt Nam đang khuyến khích cũng như tạo điều kiện để nông dân phát triển NNHC, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tại Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2672 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định được cụ thể các vùng tập trung có tiềm năng theo quy mô, địa điểm, cây trồng, vật nuôi để phát triển theo hướng hữu cơ đến năm 2030.

Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Bình Dương đã đi lên trở thành nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, ứng dụng mạnh công nghệ cao (CNC). Hiện Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước, tổng diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt toàn tỉnh khoảng 5.763,5ha. Toàn tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp CNC, trong đó, Khu nông nghiệp CNC An Thái - (Unifarm) là đơn vị đi đầu với các sản phẩm như chuối, nhãn, dưa lưới… đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, năng lực chăn nuôi CNC của Bình Dương được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Hiện Bình Dương là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cục Thú y đã công nhận 11 vùng ATDB cấp huyện trên địa bàn tỉnh, 47 cơ sở ATDB cấp xã và 185 trang trại chăn nuôi được công nhận. Từ thực tế có thể khẳng định, việc phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, NNHC theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu, thay đổi diện mạo và nâng tầm nông nghiệp tỉnh nhà.

 PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=656
Quay lên trên