Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững
(BDO) Trong những năm qua, ngành nông nghiệp được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và phối hợp của địa phương. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có bước chuyển tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao ở Khu nông nghiệp Công nghệ cao (Unifarm) ở An Thái, huyện Phú Giáo
Hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, trên các lĩnh vực được tái cơ cấu có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông hộ, trang trại đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương.
Theo đó, đối với cây bưởi, diện tích trên 115ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; đối với cây cam có diện tích 260ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 40-60 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ha/ năm. Bên cạnh đó, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới… cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, đơn vị đã triển khai thực hiện một số mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới kín. Mô hình được xây dựng với quy mô diện tích 1.000m2; thiết kế xây dựng nhà lưới kín có khả năng hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết và một số côn trùng xâm nhập. Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới kín, chỉ bón phân hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên năng suất của mô hình đạt khoảng 15 tấn/ha vụ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, toàn tỉnh có trên 580ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng, gồm 250ha cây có múi, hơn 25ha cây rau và 258ha cây ăn quả khác. Khu nông nghiệp công nghệ cao (Unifarm) ở An Thái, huyện Phú Giáo, là cánh chim đầu đàn về nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương. Được hình thành từ năm 2008, Unifarm đã trở thành mô hình kinh tế xanh điển hình, mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu. Trong nhiều năm liền, Unifarm là đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của tỉnh trong ngành nông nghiệp. Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, đồng thời sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Nâng cao giá trị sản xuất
Bình Dương đang thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Quyết định 3265/ QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên phát triển các thế mạnh của các khu vực về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho rằng nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của hợp tác xã đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang tiếp tục phát triển và chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Hiện hơn 70% tổng đàn heo, gà đều được đầu tư theo quy mô trang trại công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao như: Sử dụng chuồng lạnh, tự động hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất… Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn được Cục Thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả heo châu Phi. Đây là 4 trang trại đầu tiên trên cả nước đạt được chứng nhận này.
Điều đáng nói là thời gian qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm và tập trung dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đã xây dựng và triển khai dự án mỗi xã, phường một sản phẩm. Qua đó đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn lao động địa phương.
Có thể nói, tái cơ cấu nền nông nghiệp thực chất là tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho một bộ phận cư dân nông thôn, góp phần thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. |
THOẠI PHƯƠNG