Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản, gạo, điều, hồ tiêu… Tuy nhiên, các mặt hàng này thường xuất xuất thô nên giá trị kém xa xuất khẩu qua chế biến. Đây là sự lãng phí rất lớn cần phải khắc phục.
Phải chuyển từ nhận thức
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đối với mặt hàng nông sản, giá trị thu được từ sản phẩm sau khi chế biến thường cao gấp 10 lần so với sản phẩm xuất thô. Đơn cử như cá tra, basa, nếu làm phi lê, chế biến sạch, đóng gói rồi xuất khẩu có giá 10 USD/kg, còn xuất thô chỉ được 1 USD/kg.
GS Bùi Chí Bửu cho biết, trong những lần đi công tác nước ngoài điều làm ông buồn nhất là tại các siêu thị đều thấy bày bán gạo “Made in Thailand” chứ không thấy gạo “ Made in Việt Nam”. Dù là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng thương hiệu gạo Việt Nam hầu như không được nhiều nước biết đến.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.
Theo ông Bửu, gạo Việt Nam không có thương hiệu là do thiếu công nghệ chế biến, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo hiện nay chỉ làm nhiệm vụ thu gom, xay xát, đánh bóng… chứ chưa đầu tư công nghệ chế biến để tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Còn ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết năm 2009, chúng ta xuất khẩu khoảng 134.000 tấn hồ tiêu, chiếm 50% lượng tiêu của thế giới. Chất lượng tiêu chế biến của Việt Nam được coi là khá tốt nhưng hiện nay 70% lượng tiêu vẫn xuất khẩu dưới dạng thô.
Chính vì thế giá tiêu của Việt Nam thường thấp hơn so với thị trường chung của thế giới. Các nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… vẫn nhập tiêu Việt Nam về chế biến rồi xuất khẩu với giá cao hơn nhiều.
Theo ông Đỗ Hà Nam, có một thực tế là DN Việt Nam nhận thức được sự yếu kém và thua thiệt nói trên, nhưng với riêng xuất khẩu tiêu, họ vẫn chuộng xuất thô hơn.
Việc DN thích xuất thô được GS-TS Bùi Chí Bửu lý giải là giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản hiện khá cao nên dù xuất thô DN vẫn có lãi.
Đây cũng chính là lý do khiến DN ít mặn mà với việc đầu tư công nghệ chế biến đòi hỏi phải bỏ khá nhiều vốn. Ngoài ra, DN trong nước còn thiếu chính sách, hệ thống phân phối mặt hàng nông sản tại thị trường nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, những lý do nói trên phải được DN nhìn nhận lại để có phương án đầu tư công nghệ chế biến thích hợp, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.
Cấp bách đầu tư công nghiệp chế biến
Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị chế biến nông-lâm-thủy sản giai đoạn đến năm 2015, xét đến 2025 với tổng vốn đầu tư khoảng 20.955 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Để giữ vững được đà tăng trưởng với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, nắm sát thông tin thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu các DN, hiệp hội, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ ngành điều, chế biến gỗ, chế biến tiêu.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sớm hoàn thiện danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; đồng thời phối hợp với Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, cùng các đơn vị khác tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến nhằm đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước mắt Bộ Công Thương sẽ ưu tiên nguồn quỹ khuyến công cho các DN cơ khí chế tạo thiết bị chế biến nông-lâm-thủy sản. Các DN không chỉ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế mà còn lựa chọn một số sản phẩm mũi nhọn để có kế hoạch nhập mẫu, chế tạo thử nghiệm, tiến tới sản xuất; xây dựng các trung tâm trình diễn cơ khí hóa nông nghiệp.
Các sản phẩm chủ lực được lựa chọn sản xuất theo quy hoạch tập trung vào các thiết bị chế biến lúa gạo, sắn, cà phê, cao su, chè, mía đường, điều, thức ăn chăn nuôi, sản xuất cồn nhiên liệu, chế biến ván nhân tạo, chế biến thủy sản.
Cụ thể là: máy phân loại hạt cà phê, gạo, điều nhân công suất 3-5 tấn/giờ, máy xát trắng gạo và máy đánh bóng gạo công suất 4-6 tấn/giờ, máy ly tâm tách bã sắn 80-100 m3/giờ, dây chuyền chế biến cà phê ướt công suất 4-10 tấn/giờ, máy rang cà phê và máy sấy phun cà phê hòa tan, hệ thống thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều công suất 1 tấn/giờ, dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 150 tấn/ngày, băng tải và tấm tải cho thiết bị cấp đông siêu tốc thủy sản...
(THEO CHINHPHU.VN)