Nông sản Việt thuận lợi khi xuất khẩu sang châu Âu

Cập nhật: 20-06-2020 | 04:00:11

Với kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, cùng cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại, ngành nông sản Việt có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường EU.

 Sản xuất tại Công ty Red River Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình)

 Thị trường khó tính

Tại hội thảo “Thương mại quốc tế theo EVFTA trong đại dịch Covid-19: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức mới đây, các diễn giả đều cho rằng EU là thị trường rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, nhất là các ngành hàng dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường này và tận dụng được những cơ chế ưu đãi từ EVFTA, các DN phải đáp ứng được một số quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo; tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động vật đối với các sản phẩm nông nghiệp...

Hiện nay, các nhóm hàng rau, củ quả Việt Nam xuất khẩu mới chỉ chiếm 3% nhu cầu nhập khẩu của EU. Khi mua sắm hoặc đặt hàng (nhập khẩu), các đối tác EU thường đặt ra yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, cam kết về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ môi trường, tính nhân văn của sản phẩm... Theo bà Nguyễn Thị Nhất Khuyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV nội thất Tiến Phúc (TX.Tân Uyên), châu Âu là thị trường khó tính, đòi hỏi rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường. Thách thức lớn đối với DN Việt Nam là phải tuân thủ tốt các tiêu chuẩn, vượt qua rào cản kỹ thuật phi thuế quan và cả vấn đề liên quan đến pháp lý.

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng hệ thống kiểm tra của EU rất chặt chẽ, văn hóa tiêu dùng cao, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí của họ. Văn hóa pháp lý trong kinh doanh giữa các DN EU và Việt Nam cũng còn có khoảng cách. Chẳng hạn, các DN EU rất chặt chẽ khi xây dựng và thực hiện hợp đồng, tuân thủ các chuẩn mực, tiêu chí rõ ràng. Các DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa khi xây dựng hợp đồng thương mại quốc tế còn sơ sài, xảy ra tranh chấp rất bất lợi. Muốn tận dụng được cơ hội của EVFTA, DN Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ các vấn đề về pháp lý, văn hóa tiêu dùng, quản trị DN… từ phía EU.

Phát triển ngành chế biến nông sản

Theo TS Phạm Văn Chắt, Báo cáo viên chương trình hội nhập kinh tế quốc tế Bộ Công thương, trước mắt cần ưu tiên triển khai hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường các nước EU một số ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dệt may, da giày và đồ gỗ. Để tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ EVFTA, DN cần phải nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, có chiến lược và kỹ năng đàm phán.

Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cho rằng thị trường EU có nhu cầu rất lớn về các loại trái cây tươi nhiệt đới và qua chế biến. Đây là cơ hội tốt cho nông sản Việt nếu khắc phục được các điểm yếu là chưa xây dựng được chuỗi sản xuất sạch.

Về rào cản để vào thị trường châu Âu, ông Robert Hoeve, Giám đốc Công ty Red River Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình), cho rằng không phải là quá khó để vào thị trường châu Âu nếu như ngay từ bước đi ban đầu DN nghiên cứu kỹ và tuân thủ các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn nhà máy. “Nếu các bạn có dịp đi thăm các nhà máy tại Hoa Kỳ hay châu Âu bạn sẽ thấy nhà máy chúng tôi có thể cạnh tranh được với họ. Chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu nếu ngay từ đầu xác định hướng đến là thị trường nào để xây dựng quy trình quy chuẩn đáp ứng với yêu cầu mà phía đối tác đưa ra”, ông Robert Hoeve khẳng định.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Trong thời gian tới, để tạo bệ đỡ cho các DN ngành sẽ thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm để tham gia thị trường. Ngành công thương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao; đồng thời xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả quá trình hội nhập.

 TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=496
Quay lên trên