Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm
Khác với thời điểm này năm ngoái, trong khi nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm cách cho người lao động nghỉ việc hàng loạt do không có đơn hàng thì những ngày cuối năm nay nhiều công ty đổ xô đi tìm lao động để kịp tiến độ sản xuất kinh doanh.Nhiều lời mời hấp dẫn
“Cần tuyển gấp”, “Tuyển dụng nhanh, hiệu quả”, “Chào đón công nhân cũ trở lại làm việc”... đó là lời rao tuyển dụng lao động (LĐ) trong những ngày cuối năm của các công ty ở các KCN Sóng Thần, VSIP, Đồng An... Thị trường LĐ Bình Dương đang khởi sắc trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN) đặc biệt là ngành may mặc, gỗ... đã có đơn hàng nên cần tuyển gấp LĐ để kịp sản xuất. Nhiều DN hiện đang thông báo tuyển gấp với số lượng từ 300 - 1.000 LĐ, cụ thể như Công ty Esquel Garmen (KCN VSIP) cần tuyển gấp 800 LĐ ngành may, Công ty gỗ Trường Thành cần tuyển 500 LĐ ngành gỗ. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh trong những ngày gần đây, số lượng DN đến đăng ký tuyển dụng cũng tăng vọt; nhiều DN đến trung tâm “đặt hàng” tuyển gấp LĐ các ngành: Kế toán, tiện, phay, bào cơ khí... Trước đây, một số DN không có đơn hàng nên chấp nhận sa thải công nhân, hiện nay các DN này đã có đơn hàng trở lại nên gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ. Do vậy, một số công ty hiện nay tuyển dụng LĐ yêu cầu không cao, nếu công nhân chưa có tay nghề DN nhận vào sẽ đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ). Khi được ký hợp đồng, NLĐ được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi theo Luật LĐ. Đây cũng là cơ hội để LĐ lựa chọn công việc cho mình. Trưởng bộ phận tuyển dụng Công ty điện tử Foster (VN) Trương Ngọc Hưng, cho biết: công ty đang có nhu cầu tuyển 2.000 LĐ phổ thông và 5 LĐ có trình độ. Giáp tết, LĐ ổn định không có tình trạng “nhảy cóc”. Do nhu cầu tuyển dụng LĐ nhiều nên mặc dù công ty đưa ra nhiều chế độ phúc lợi nhưng đến nay tuyển vẫn không đủ. Công ty hiện đang có giải pháp liên hệ các trung tâm, đăng ký trên mạng, tham gia sàn giao dịch và tuyển dụng trực tiếp tại công ty.
Rao nhiều, tuyển chẳng bao nhiêu
Theo các nhân viên tuyển dụng, việc tuyển LĐ với số lượng lớn như hiện nay là do DN hồi phục đã có đơn hàng, một số DN tuyển dụng LĐ để chuẩn bị cho sự thiếu hụt LĐ sau tết. Đó là kinh nghiệm của những năm trước khi bước vào những ngày đầu năm ít nhiều DN cũng bị mất LĐ. Điều đáng bàn ở đây, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng LĐ thật sự, khi nhận LĐ vào làm việc luôn xem là “tài sản” của DN. Bên cạnh đó, ngoài thị trường LĐ cũng có một số DN rao tuyển LĐ hàng ngàn người và thông báo những chế độ, lương bổng với mức thu nhập cao ngất ngưởng. Những DN này có thực hiện đúng như vậy không? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, một lãnh đạo trường nghề bức xúc: “Công ty H. đăng thông báo tuyển ngàn LĐ, gửi thông báo nhu cầu tuyển dụng LĐ về trường và mong muốn trường hợp tác giới thiệu học sinh tốt nghiệp đến làm việc tại công ty. Ngay sau khi nhận thông báo, nhà trường hớn hở đưa hàng chục học sinh đến công ty để dự phỏng vấn. Cán bộ công ty lắc đầu: Không còn tuyển dụng LĐ. Trong khi bảng thông báo tuyển dụng LĐ còn treo lơ lửng trước cổng công ty”. Rao mức lương ảo cũng là hình thức cạnh tranh không lành mạnh và bức xúc của nhiều DN. Một lãnh đạo công ty nói: “Có DN đăng thông báo rao tuyển LĐ phổ thông với tổng thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương ảo. Vì theo giải thích, mức lương tối thiểu theo quy định hiện nay khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/tháng (hầu hết công ty đều trả mức lương này). Vậy công nhân mới vào làm việc lấy đâu ra mà có thu nhập cao như thông báo rao tuyển. Ngần ngại đứng trước băng rôn đăng thông báo tuyển dụng, chị Tám kể: “Những lời rao “có cánh” chị đã gặp. Chị đã làm việc có thâm niên lâu năm ở công ty liên doanh, chiều đi làm về đọc băng rôn tuyển dụng nghe hấp dẫn quá. Chị về suy nghĩ và quyết định đến công ty này thử việc và thực tế không như rao tuyển. Chị làm việc qua một thời gian rồi xin nghỉ việc. Các chế độ thâm niên ở công ty cũ chị bị mất. Việc rao tuyển, cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ dẫn đến việc rối loạn thị trường LĐ”.
Những “chiêu thức” để thu hút lao động
Về phía các DN, để giữ chân NLĐ, họ có rất nhiều “chiêu thức” đưa ra vào dịp này. Công ty MVP (Mariue Vietnam Production) ở KCN Việt Nam - Singapore sản xuất linh kiện xe hơi mấy tháng gần đây cũng đưa thông báo tuyển dụng thêm công nhân tốt nghiệp lớp 12. Với NLĐ cũ, công ty đã có những chính sách giữ chân cụ thể như: Qua tết, mức lương được nâng lên 1.664.000 đồng/tháng. Ngoài ra là những điều kiện phụ cấp khá tốt như: hàng tháng hỗ trợ 100.000 đồng tiền thuê nhà, 10 lít xăng (tùy theo giá thị trường!), 80.000 đồng tiền chuyên cần, phụ cấp tăng ca 3 bằng 35% tiền lương và nâng tiền ăn lên 12.000 đồng/suất. Lãnh đạo công ty cho biết, với những ưu đãi này, họ hy vọng NLĐ không “đứng núi này trông núi nọ nữa”. Công ty Poong in Vina (100% vốn Hàn Quốc), sản xuất hàng may mặc ở thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên thì dành hẳn một buổi họp cuối năm để bàn về việc giữ chân NLĐ. Công ty này hiện có 2.400 LĐ. Ông Kim Ji Hwan, Phó TGĐ công ty tổ chức họp với nhân viên các bộ phận, đại diện công nhân để lắng nghe những đề xuất từ NLĐ. Ông kêu gọi mọi người đưa ra... sáng kiến làm vừa lòng NLĐ với tinh thần cầu thị, mọi người biết tôn trọng nhau. Theo chúng tôi được biết, mức lương khởi điểm ở công ty này (áp dụng sau Tết Nguyên đán) là 1.249.000 đồng/tháng. Ngoài ra còn có những khoản phụ cấp khác về đi lại, ăn ở. Với những NLĐ... mới toanh đến với công ty sau tết, công ty sẽ hoàn trả lại số tiền tàu xe và hỗ trợ tiền thuê nhà trọ trong vòng một năm.
Với những ưu đãi trong thời điểm này, xem ra NLĐ có rất nhiều cơ hội để lựa chọn. Tuy nhiên, NLĐ hãy cân nhắc thật kỹ bởi một khi đã “bỏ nơi cũ mà đi” là xem như làm lại từ đầu. Khoản phụ cấp thâm niên (cũng là một chính sách giữ chân NLĐ của DN) xem như không còn. Thế nên, trước khi lựa chọn công việc mới hãy tìm hiểu thật kỹ càng những điều kiện về quyền lợi trước khi quyết định.
QUỲNH NHƯ - VĂN SƠN