Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn huyện Bàu Bàng có 6/6 xã đều đạt chuẩn NTM. Tại các xã, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng trong năm 2018.
Hệ thống trường học trên địa bàn huyện được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Trong ảnh: Trường THCS Trừ Văn Thố vừa được khánh thành đưa vào hoạt động. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Hơn 7.380 tỷ đồng xây dựng NTM
Bàu Bàng chính thức khởi động chương trình xây dựng NTM vào năm 2014. Từ một huyện chưa có xã nào được công nhận xã NTM, cơ sở vật chất còn khó khăn, đời sống của người dân còn thấp… đến nay toàn huyện có 6/6 xã đều đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn của huyện hiện nay có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Hiện toàn huyện có gần 500km đường bộ. Tính từ năm 2014 đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn các xã của huyện được đầu tư nâng cấp bê tông xi măng, bê tông nhựa. Ông Nguyễn Xuân Lê, ở khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên, chia sẻ qua chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở địa phương có nhiều khởi sắc. Huyện đã đầu tư nhiều công trình, dự án phúc lợi như điện, đường, trường, trạm... Những con đường đất đỏ, sình lầy trên địa bàn huyện trước đây giờ đã được trải nhựa, bê tông sạch đẹp; trường học được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của con em ở địa phương… Tất cả đều nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân ở nông thôn trong huyện.
Trong giai đoạn 2014- 2019, tổng nguồn lực xây dựng NTM trong toàn huyện là 7.381,701 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 4.687,704 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 2.693,997 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, huyện không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Lấy phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của nhân dân là động lực trong xây dựng NTM, những năm qua huyện Bàu Bàng luôn chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và cơ cấu cây trồng; phát triển các sản phẩm lợi thế theo nhu cầu của thị trường, gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình tiêu biểu, như: Mô hình trồng cao su 52 ha ở xã Cây Trường II mang lại thu nhập gần 4 tỷ đồng/ năm, mô hình trồng cây có múi 62 ha ở xã Trừ Văn Thố có thu nhập gần 7 tỷ đồng/ năm, mô hình trồng bưởi da xanh 34 ha ở xã Long Nguyên có thu nhập gần 10 tỷ đồng/năm…
Thời gian qua, huyện cũng có nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển hạ tầng; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân trong giai đoạn 2014-2018 đạt 16,82%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 54,6 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn 0,65%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp của huyện, giai đoạn 2014-2018 giá trị sản xuất tăng bình quân 5,17%/năm.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, xây dựng NTM là để tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở các xã, do vậy huyện chú trọng phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, địa phương chú ý phát triển, mở rộng các mô hình kinh tế tiên tiến, hiệu quả, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, đáp ứng yêu cầu “4 có”: Có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao.
Huyện phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch trên mỗi ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 155 triệu đồng/năm. Trong công tác quy hoạch, địa phương gắn quy hoạch NTM với quy hoạch vùng huyện. Chủ trương của huyện là quy hoạch phải thể hiện rõ yếu tố định hướng và tính kết nối cao của hệ thống hạ tầng và bảo đảm quản lý theo đúng quy hoạch. Địa phương cũng quan tâm chỉnh trang, tạo cảnh quang môi trường NTM luôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”…
THOẠI PHƯƠNG