Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm được huyện Dầu Tiếng tập trung thực hiện. Đến nay, có 9/11 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là một trong những huyện có số xã đạt chuẩn NTM nâng cao nhiều nhất của tỉnh.
Mô hình trồng bơ Pooth của hộ ông Võ Văn Thành (ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) cho hiệu quả kinh tế cao
Sung túc ở các xã NTM nâng cao
Với sự chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân toàn huyện, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Dầu Tiếng tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Đến nay, kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng hoàn thiện, 100% tuyến đường do huyện quản lý và đường liên xã được nhựa hóa, 100% tuyến đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có trên 40% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng.
Các công trình thủy lợi được quản lý, bảo vệ và thường xuyên được duy tu sửa chữa, bảo đảm việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các kênh, rạch tự nhiên thường xuyên được nạo vét, khai thông, khắc phục ngập úng, hạn chế lũ lụt, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. 100% hộ dân được sử dụng điện bảo đảm và an toàn, 99,99% hộ dân trên địa bàn nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. Cùng với đó, những ngôi trường được xây dựng khang trang, các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư bài bản đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn so với thành thị được rút ngắn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 74 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm, chỉ còn 1,31%.
Công cuộc xây dựng NTM của huyện như một luồng sinh khí mới, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện và nâng cao đáng kể. Ông Nguyễn Văn Phong, ấp Thanh Tân, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Chứng kiến sự đổi mới từng ngày của quê hương tôi cảm thấy tự hào. So với trước đây, đời sống người dân thay đổi nhiều lắm. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều gia đình trở nên khấm khá hơn do biết chuyển đổi cây trồng có múi (bưởi da xanh, cam, quýt), chuối cấy mô, dưa lưới, bơ... Tất cả các công trình về hạ tầng đều được người dân đồng lòng, chung sức xây dựng sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông thôn
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện Dầu Tiếng đã tập trung phát triển nông nghiệp, từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật cao đã mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nhân dân.
Hiện cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện là 49.400ha, năng suất cao su toàn huyện đạt bình quân 1,46 tấn/ha, giá bán hiện nay 35 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt 54,4 triệu đồng/ha/ năm. Diện tích cây ăn quả 800ha, chủ yếu là cây có múi (cam, quýt, bưởi da xanh), chuối cấy mô, dưa lưới, bơ… cho thu hoạch đạt doanh thu từ 1,4-1,6 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận thu về ước đạt 880 triệu đồng/ha/năm...
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian tới, huyện đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai đề án thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, huyện thực hiện tốt việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung quy mô lớn gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp.
Mặt khác, huyện tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ cho nông dân.; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm hàng hóa của HTX vào tiêu thụ tại các siêu thị, chợ; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bao tiêu sản phẩm và lĩnh vực phi nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện...
Huyện Dầu Tiếng phấn đấu đến cuối năm 2023 có từ 1-2 xã (Minh Thạnh và An Lập) đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và của tỉnh một cách bền vững và toàn diện; có từ 3 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên; phấn đấu đến cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 76 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2025 đạt 88 triệu đồng/người/năm. |
THOẠI PHƯƠNG