Nông thôn mới Bình Dương: Xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại

Cập nhật: 26-04-2013 | 00:00:00

Qua 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt kinh tế - xã hội của nông thôn Bình Dương đã có bước thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, để nông thôn Bình Dương phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh, trong thời gian tới, NTM Bình Dương sẽ được tiếp tục triển khai xây dựng theo hướng gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa...

Những kết quả khả quan

Qua 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM theo bộ Tiêu chí Quốc gia, Bình Dương đã đạt được một số kết quả khả quan về phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Các sở, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, gắn với thực hiện quy hoạch, kế hoạch của ngành và địa phương. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu Quốc gia tiếp tục được các địa phương đầu tư theo các tiêu chí NTM, nhiều tiêu chí NTM của Bình Dương đạt gần bằng tiêu chí Quốc gia. Các nội dung xây dựng NTM đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ và được chính quyền các cấp tổ chức thực hiện gắn với phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung tay xây dựng NTM”, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tốt; cấp ủy, chính quyền thì có thêm quyết tâm để thực hiện chương trình. Đây chính là cơ sở để Bình Dương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình này trong thời gian tới.

Một con đường giao thông nông thôn tại xã An Sơn, TX.Thuận An

Có thể nói, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM đã mang lại những thay đổi tích cực cho nông thôn Bình Dương. Nhìn vào bộ mặt nông thôn xã Bạch Đằng (Tân Uyên), người ta có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi đáng kể so với trước đây. Đó chính là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Bạch Đằng là một xã điểm xây dựng NTM của Bình Dương hiện đã đạt 14/19 tiêu chí trong bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM. Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết sau giải phóng Bạch Đằng là một xã có xuất phát điểm rất thấp. Nếu không được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư và không có chương trình xây dựng NTM thì Bạch Đằng rất khó để có những kết quả như hiện nay. Qua 2 năm thực hiện xây dựng NTM theo bộ Tiêu chí Quốc gia, hệ thống điện, đường, trường, trạm tại Bạch Đằng đã được đầu tư hoàn chỉnh, đạt chất lượng. Bên cạnh đó, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng lên đáng kể. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Dự kiến đến cuối năm nay, Bạch Đằng sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM”, ông Hoàng phấn khởi nói.

Xã Tân Long (Phú Giáo) cũng đạt nhiều kết quả khả quan chỉ sau một thời gian ngắn bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM. Việc thực hiện có hiệu quả chương trình này đã biến một xã vùng sâu như Tân Long có bước phát triển đáng kể với quang cảnh vui hơn, nhộp nhịp hơn. Ông Khổng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng của Tân Long ngày càng được đầu tư hoàn thiện, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Hiện Tân Long đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại để trở thành xã NTM vào cuối năm; đồng thời sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Hướng đi riêng của NTM Bình Dương

Ở một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa - đô thị hóa với tốc dộ nhanh như Bình Dương, vấn đề xây dựng NTM cũng phải gắn với quy hoạch chung của tỉnh là phát triển theo hướng đô thị, chuyển xã thành phường, huyện thành thị xã trong thời gian tới. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2013-2014, TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An sẽ có 6 xã nông thôn được chuyển phường. Bên cạnh đó, một số xã xây dựng NTM có khả năng lên phường trong thời gian tới là An Sơn (TX. Thuận An) và Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát).

Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG: “Xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài”

Quan điểm của Bình Dương trong xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm chăm lo vùng nông nghiệp, nông thôn cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Bình Dương xác định xây dựng NTM theo quan điểm thống nhất nâng xã lên phường, nâng huyện lên thị xã, vì vậy cần xem xét, đánh giá lại một cách nghiêm túc các tiêu chí sao cho phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ của Bình Dương. Chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện đề án theo đó cũng cần được nâng cao hơn để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Trước mắt, Bình Dương sẽ tập trung các nguồn lực ưu tiên xây dựng thành công 5 xã điểm NTM và 10 xã NTM đã được phê duyệt quy hoạch…

Có thể khẳng định, xây dựng NTM theo con đường nâng xã lên phường là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của Bình Dương. Thực tế cho thấy, mặc dù công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM đang được các huyện, xã xây dựng nhưng trong những năm qua, các địa phương đã và đang thực hiện các chương trình, đề án, dự án lồng ghép đầu tư cho nông nghiệp, nông dân nông thôn từ nhiều nguồn khác nhau. Việc thực hiện lồng ghép này đã làm cho một số tiêu chí tại Bình Dương đạt cao, như: Tỷ lệ giao thông đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 80,8%; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,65%; 100% số ấp ở các xã nông thôn đều sử dụng được điện thoại di động, điện thoại cố định không dây và truy cập internet bằng nhiều hình thức; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%; hệ thống thủy lợi bảo đảm cho tưới rau màu, cây ăn quả đạt 100%... Những số liệu trên khẳng định, các địa phương xây dựng NTM Bình Dương đã và đang chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, qua đó nâng cao đời sống của người dân chứ không quá cứng nhắc theo kiểu hoàn thành các tiêu chí trong bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM. Vì vậy, nhiều chỉ tiêu xây dựng NTM tại Bình Dương đạt cao hơn so với bộ Tiêu chí Quốc gia. Đây chính là hướng đi riêng trong xây dựng NTM của Bình Dương.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với công nghiệp hóa - đô thị hóa của Bình Dương cũng còn gặp một số khó khăn nhất định như việc thực hiện các tiêu chí cao hơn so với bộ chỉ tiêu đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào. Bên cạnh đó, việc hiến đất, tài sản trên đất của người dân sẽ bị hạn chế do giá trị đất tăng cao nên đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Tỷ lệ hộ dân sống ở khu vực nông thôn còn cao, mức thu nhập chưa đồng đều và chưa thực sự ổn định... Do vậy, việc xây dựng giải pháp để giải quyết các nhược điểm trong xây dựng NTM theo hướng lên phường; cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM là rất cần thiết. Có như vậy mới giúp Bình Dương đẩy nhanh được tiến trình xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại.

Tính đến tháng 4-2013, một số xã điểm xây dựng NTM tại Bình Dương đã đạt từ 11 đến 15 tiêu chí trong bộ (19) Tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM. Cụ thể, xã Bạch Đằng đạt 14/19 tiêu chí, An Sơn 15/19 tiêu chí, Tân Long 15/19 tiêu chí, Thanh An 15/19 tiêu chí, Chánh Phú Hòa 11/19 tiêu chí. Toàn tỉnh hiện có 30/30 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung; 10/30 xã đã phê duyệt Đề án xây dựng NTM, 20/30 xã đang triển khai lập Đề án xây dựng NTM. Các tiêu chí nhiều xã xây dựng NTM cùng đạt là thủy lợi, nhà ở dân cư, bưu điện, y tế, hệ thống tổ chức xã hội, an ninh trật tự xã hội. Trong đó, có một số tiêu chí các xã đạt cao là thủy lợi, điện, y tế, an ninh trật tự xã hội…

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên