Nông thôn mới nâng cao: Đích đến đang ở rất gần

Cập nhật: 11-08-2023 | 09:04:30

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, với sự quyết tâm vượt bậc của cấp ủy, chính quyền cũng như cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, đến nay chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao sắp thành hiện thực khi địa phương đã có 9/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Diện mạo nông thôn khang trang

Xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm chỉ đạo các xã thực hiện đạt các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao. Đây là cơ sở để giúp huyện hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và quan trọng hơn là thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cư dân nông thôn. Chính vì vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đều quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Hệ thống hạ tầng KT-XH của huyện Dầu Tiếng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong ảnh: Trường Tiểu học và THCS Long Tân được xây dựng khang trang. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, cho biết đến nay toàn huyện có 9/11 xã đã đạt NTM nâng cao, gồm: Thanh An, Định Hiệp, Định Thành, Long Hòa, Long Tân, Thanh Tuyền, Minh Hòa, Định An và Minh Tân, đạt 81,82%. Những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Quả thật, có dịp về với các xã của huyện Dầu Tiếng mới thấy diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang. Điều dễ nhận thấy là kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn.

Đến nay, 100% tuyến đường do huyện quản lý và đường liên xã đã được nhựa hóa, 100% đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, nhựa hóa hoặc bê tông xi măng (44%), bảo đảm cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Hệ thống trường học các cấp đã và đang được đầu tư hiện đại, khang trang. Hầu hết các xã đều có trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu mua bán,   trao đổi hàng hóa của người dân. Chất lượng các bệnh viện huyện và Trạm Y tế xã cũng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đều tăng từ 5-7%...

Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết để thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian qua song song với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tạo diện mạo mới tại khu vực nông thôn, huyện đã chú trọng vào việc tái cơ cấu sản xuất, từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Hiện nay, cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện, năng suất cao su toàn huyện đạt bình quân 1,46 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 54,4 triệu đồng/ha/ năm. Bên cạnh đó, huyện phát triển diện tích cây ăn trái lên 800 ha, chủ yếu là cây có múi, chuối cấy mô, dưa lưới, bơ... Trong đó, quýt, cam, bưởi tập trung tại các xã phía bắc của huyện như Minh Thạnh, Minh Hòa, Định An; măng cụt, sầu riêng tại xã Thanh Tuyền, Thanh An, doanh thu đạt từ 1,4- 1,6 tỷ đồng/ha/năm; diện tích chuối cấy mô tập trung tại xã Thanh An, Minh Tân với hơn 330 ha, doanh thu đạt gần 700 triệu đồng/ha/năm.

Ngành chăn nuôi của huyện có sự phát triển khá ổn định. Hiện toàn huyện có 253 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (124 trại gia cầm, 129 trại nuôi gia súc), tăng 5,9% so với cùng kỳ. Ước tổng đàn gia súc trên 200.000 con, sản lượng thịt cung ứng cho thị trường 41.000 tấn/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 48,35% trong cơ cấu ngành nông nghiệp (năm 2015 chỉ chiếm 14,2%).

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở nông thôn. Đến nay, toàn huyện có gần 500 doanh nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định. Từ kết quả đầu tư mở rộng, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 14.000 lao động tại địa phương, đời sống vật chất người dân nông thôn được cải thiện đáng kể. Tỷlệlao động cóviệc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 98%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh chỉcòn 1,29%. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng trưởng không ngừng, đến cuối năm 2022 đạt 76 triệu đồng/ người/năm.

Những kết quả đạt được trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao thời gian qua sẽ tạo động lực để huyện quyết tâm hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, từ 1 - 3 xã đạt NTM kiểu mẫu và huyện Dầu Tiếng được công nhận huyện NTM nâng cao giai đoạn 2020-2025.

Đến nay, huyện Dầu Tiếng đã có 9/11 xã đã đạt NTM nâng cao, gồm: Thanh An, Định Hiệp, Định Thành, Long Hòa, Long Tân, Thanh Tuyền, Minh Hòa, Định An và Minh Tân, đạt 81,82%. Những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao đã góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương…

TRÍ DŨNG - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên