Nếu không được quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến mủ sẽ gây tác động xấu đến môi trường Việc hình thành các cơ sở chế biến (CSCB) nông sản ở nông thôn đã tạo nên sự ổn định trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, một số cơ sở đã gây ô nhiễm cho người dân sống xung quanh khi mà mùi hôi thối bốc lên nồng nặc...
Môi trường ô nhiễm nặng
Cao su tiểu điền phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã làm xuất hiện ngày càng nhiều CSCB mủ cao su tư nhân. Việc hình thành các cơ sở này tạo thuận lợi cho những người trồng cao su trong khâu tiêu thụ mủ. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, một số nhà máy đã không bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường nên gây ra các ảnh hưởng không tốt đến đời sống của người dân. Trong thời gian qua, nhiều người dân tại xã Tân Hiệp (Phú Giáo) đã hết sức bất bình trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các CSCB mủ cao su trên địa bàn. Các cơ sở này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường bằng việc xả nước thải ra suối và mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Con suối Nước Trong tại xã Tân Hiệp đến nay đã biến thành con suối “nước đục” vì bị nước thải của các CSCB mủ làm ô nhiễm. Nhiều người dân trên địa bàn xã tỏ ra bất bình trước việc Nhà máy chế biến mủ Thiện Hưng xả trực tiếp nước thải ra dòng suối này trong thời gian dài. Cơ sở này đã bị bắt quả tang xả thải và đã bị lập biên bản xử phạt nhưng cho đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn. Anh Bình, ngụ tại ấp 3 (Tân Hiệp) cho biết: “Người dân chúng tôi thì không có các kỹ thuật chuyên môn để kiểm tra xem nhà máy có gây ra ô nhiễm môi trường hay không, nhưng chúng tôi thấy nước dòng suối ngày càng đục, cá thì ngày càng ít đi và cây cối dọc hai bên dòng suối ngày càng héo úa dần”. Dòng suối này đang chịu sự tác động của CSCB mủ cao su và nhà máy chế biến tinh bột mì. Nhiều người dân sống tại đây đã không dám ăn cá được bắt lên từ con suối này nữa và họ đang lo lắng rằng, nếu không có các biện pháp mạnh tay hơn nữa thì e rằng trong một thời gian ngắn nữa thôi dòng suối này sẽ bị “khai tử”.
Khác với tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước của các cơ sở vừa nêu trên, Nhà máy chế biến mủ Đồng Châu có trụ sở tại xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) lại làm cho người dân sống xung quanh khó chịu vì mùi hôi thối bốc ra quá nồng nặc. Chịu thiệt thòi nhất là người dân của xã Tân Hiệp vì nhà máy xây dựng tại địa giới giáp ranh 2 xã Vĩnh Hòa, Tân Hiệp nhưng mùi hôi thối lại thường bay sang địa phận của xã Tân Hiệp. Nhiều người dân sống xung quanh nhà máy cho biết do đã chịu đựng mùi hôi thối này từ lâu nên “cũng quen” dù không biết mùi hôi thối này có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ hay không. Mùi hôi không chỉ tập trung tại khu vực xung quanh nhà máy này mà nó còn bay xa hàng trăm mét. Vào những thời điểm mùa mưa, người dân lại bị “tra tấn” nặng. Khi chúng tôi đi thực tế thực hiện bài viết này cũng đã kịp “cảm nhận” mùi hôi ghê gớm từ các CSCB “ban phát”.
Chính quyền cũng bó tay!
Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Phú Giáo khẳng định, hiện trên địa bàn có 3 điểm đen nằm trong danh sách của Sở TN-MT về mức độ ô nhiễm đó là Nhà máy chế biến mủ cao su Đồng Châu, ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa; Nhà máy chế biến mủ cao su Thiện Hưng và Nhà máy chế biến tinh bột mì, ấp 3, xã Tân Hiệp. Ngành chức năng cũng đã một lần bắt quả tang Nhà máy chế biến mủ cao su Thiện Hưng xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra suối Nước Trong. Ngành chức năng đã lập biên bản hiện trường và củng cố hồ sơ chuyển về Sở TN-MT xử lý bởi Phòng TN-MT huyện không có chức năng và quyền hạn trong việc xử lý vi phạm về môi trường những đơn vị này. Do vậy, người dân phản ánh thì ghi nhận ý kiến và gửi văn bản đề nghị sở sớm giải quyết mà thôi.
Ông Hoàng Quốc Hương - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là rất muốn thu hút đầu tư để phát triển nhưng các đơn vị, cá nhân đến đầu tư phải bảo đảm yếu tố về bảo vệ môi trường. Trong việc giám sát các CSCB mủ, chúng tôi không có các phương tiện kỹ thuật chuyên môn để giám định mức độ gây ô nhiễm. UBND xã cũng đã tổ chức các lực lượng kiểm tra, giám sát thường xuyên nhưng vì lực lượng còn mỏng nên không phải lúc nào cũng làm được trong khi đó các nhà máy này lại hoạt động cả ngày lẫn đêm”.
Việc hình thành nên các CSCB gắn kết với nguồn nguyên liệu là một tín hiệu mừng cho kinh tế nông nghiệp. Nhưng để cho việc phát triển này hoàn thiện hơn thì công tác quy hoạch và kiểm tra giám sát các cơ sở này cần phải được thực hiện hợp lý và nghiêm ngặt. Không chặt chẽ và kiên quyết hơn đối với hoạt động sản xuất của các CSCB nông sản ở nông thôn, đặc biệt là chế biến mủ cao su thì tình trạng “ngạt thở” của người dân chắc vẫn cứ kéo dài!
C.SƠN