(BDO) Sau mấy lần hẹn, cuối cùng những ngày cận Tết Tân Mão 2011 chúng tôi cũng có dịp làm việc với Nông trường Cao su Long Nguyên (Công ty TNHH một thành viên Cao su Dầu Tiếng). Thay vì ở trụ sở, lãnh đạo nông trường tiếp chúng tôi trong tận lô cao su. Đó là “đại bản doanh” của tổ 5 cách trụ sở nông trường chừng 8 cây số.
Từ một năm…
“Tiếp nhà báo ở trong lô cao su cũng ngại lắm, nhưng có vậy mấy em mới thấy được công việc của cán bộ công nhân (CBCN) ở đây những ngày cuối năm”, chị Nguyễn Thị Loan, Phó Bí thư Đảng ủy nông trường - người dẫn chúng tôi đi lô, nói nửa thật nửa đùa.
Thú thật, mấy ngày giáp Tết dù là đi làm việc nhưng ai cũng mong có không khí Tết. Chỉ có điều mỗi nơi mỗi khác. Nếu ở thị xã những ngày giáp Tết ra đường đã thấy hoa, cây kiểng trưng bày khắp các nẻo đường, còn các chợ, tụ điểm mua bán người ra vào tấp nập, ai cũng hối hả tất bật lo Tết, nhưng ở trên lô cao su khó mà phát hiện ra khí thế chuẩn bị Tết nếu như “thủ lĩnh” của tổ không tiết lộ.
Công nhân ở nông trường vẫn hăng say làm việc những ngày cận tết (Ảnh lớn: Quyét lá cao su khô rụng để chống cháy. Ảnh nhỏ: Thu gom mủ)
“Trong lô cao su không có bông hoa, không có cảnh mua bán như thị thành; ở đây anh em chuẩn bị Tết bằng tinh thần làm việc. Nhà báo thấy đó, đã điểm trưa mà chưa ai muốn vào nghỉ ngơi là biết rồi, năm nay Tết với họ to lắm”, anh Hồ Cư, Tổ trưởng Công đoàn 5 tâm tình. Anh Cư hồ hởi cho biết, nhờ lãnh đạo nông trường quan tâm nên những năm qua, người lao động nông trường đều có cái Tết sum vầy, ấm cúng, lúc có hữu sự, lãnh đạo cũng tạo mọi điều kiện để lo toan. Riêng Tết Tân Mão năm nay, tinh thần anh em phấn chấn hơn, vì tiền lương thưởng cuối năm tăng cao, lại được cấp phát sớm; chế độ chính sách hay những khúc mắc của người lao động cũng được giải quyết thấu đáo. Do đó, dù đang bận bịu công việc ở lô nhưng mọi thứ ở trong gia đình anh em đều lo chu đáo. Tết năm nay “to” hơn là vì thế.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nông trường Trần Minh Chánh:
“Những người giữ cương vị giám đốc từ ngày Nông trường Cao su Long Nguyên thành lập đến nay đều từ cơ sở đi lên nên rất am hiểu người lao động, đất đai ở đây, qua đó nắm bắt tường tận tâm tư nguyện vọng của người lao động để có điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống của CBCN. Nhờ vậy, người lao động rất tín nhiệm ban lãnh đạo, nên khi gặp khó khăn, CBCN đoàn kết, chung sức một lòng vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay”.
Phụ thêm lời anh Cư, anh Nguyễn Thành Công, Tổ trưởng Công đoàn 9 nói: “Anh em làm việc những ngày này hăng lắm, hăng không phải vì có… nhà báo đến mà vì ai cũng muốn hoàn thành sớm nhiệm vụ để an tâm sum vầy bên gia đình những ngày Tết”.
Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, bên cạnh tinh thần làm việc hăng say gắn bó với cây cao su, còn là sự quan tâm chăm lo chu đáo đời sống đối với người lao động của lãnh đạo nông trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Chánh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nông trường cho biết, năm 2010 là một trong những năm thành công nhất của nông trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh vả chăm lo đời sống cho người lao động. Tiền lương người lao động đạt 8,4 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp đôi so với nghị quyết đại hội công nhân viên chức nông trường năm 2010 đề ra; còn thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng; là năm thứ 6 liên tiếp nông trường duy trì năng suất 2 tấn/ha trong công ty. Đây là năm nông trường thực hiện hoàn thành kế hoạch trước thời hạn 11 ngày, kết thúc năm nông trường thực hiện vượt 256,5 tấn (7%) kế hoạch được giao.
… đến mười năm
Nếu như trước năm 1999, Nông trường Cao su Long Nguyên mới được giao chỉ tiêu khai thác dưới 3.000 tấn mủ/năm thì đến năm 1999 chỉ tiêu giao tăng lên trên 3.300 tấn mủ/năm, đến giai đoạn 2001-2009 mỗi năm nông trường “gánh” chỉ tiêu khai thác trên 4.000 tấn mủ.
Vinh dự vì được công ty tin tưởng tăng sản lượng chỉ tiêu giao nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, nông trường đã biết vượt qua khó khăn bằng những cách làm rất riêng và sáng tạo của mình. Cách làm dễ nhận thấy nhất là trong quá trình sản xuất, CBCN nông trường đã sáng tạo ứng dụng thử nghiệm và đề xuất lên cấp lãnh đạo việc thực hiện tận thu mủ tạp, mủ tráng thùng, mủ dây. Những cách làm này về sau được nâng lên thành phong trào và được thực hiện thường xuyên trong toàn công ty. Hiệu quả từ phong trào này mang lại rất thiết thực, giúp sản lượng khai thác của nông trường tăng thêm 11-12% hàng năm.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dòng “vàng trắng” rất được nông trường quan tâm bằng việc tìm tòi, sáng tạo cách làm mới mang lại hiệu quả cao. Điển hình là CBCN nông trường đã làm ra chiếc “Lược mủ” có tác dụng lọc bỏ một số tạp chất thường lẫn lộn trong thùng mủ, tạo vẻ óng ả, mềm mại của dòng mủ cao su khi chuyển giao từ vườn cây đến nhà máy chế biến. Đến nay, sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi trong quy trình khai thác và giao nộp sản lượng tại công ty, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng mủ không chỉ cho nông trường mà cho cả công ty.
Kết hợp với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật chăm sóc, nâng cao sản lượng và chất lượng mủ, 10 năm qua, nông trường còn rất chú trọng đến phong trào thi đua trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể là hàng năm, nông trường đều tổ chức tốt phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” từ cấp tổ đến nông trường. Qua hội thi đã tạo điều kiện cho công nhân trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, lao động có kỹ thuật đạt năng suất cao.
Theo Bí thư Đảng ủy – Giám đốc nông trường Trần Minh Chánh, có nhiều nguyên nhân để Nông trường Cao su Long Nguyên gặt hái được những kết quả tốt đẹp như hôm nay, nhưng đúc kết lại là nhờ nông trường biết phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ trong lãnh đạo, điều hành và có nền tảng phát triển vững chắc trong quá trình hình thành và phát triển của nông trường, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây.
Ông Chánh nói: “Thành quả hôm nay là công lao của cả tập thể CBCN nông trường. Do vậy, theo nguyện vọng của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân lao động, vừa qua chúng tôi đã làm các thủ tục cần thiết theo quy định đề nghị lãnh đạo các cấp xét trình Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cho nông trường, góp phần động viên phong trào thi đua yêu nước nói chung và của Nông trường Cao su Long Nguyên nói riêng”.
Nông trường Cao su Long Nguyên hiện quản lý 2.419ha cao su. Nông trường có 872 cán bộ, công nhân lao động, biên chế thành 16 tổ sản xuất, 1 tổ văn phòng, 1 đội bảo vệ, 1 trạm y tế và 1 trường mẫu giáo.
Thành tích 10 năm qua (2000-2010): Nông trường là đơn vị dẫn đầu Công ty TNHH một thành viên Cao su Dầu Tiếng về năng suất, chất lượng trong sản xuất; về đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh của địa phương; về đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái; về bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho CBCN; về triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về đoàn kết, nhất trí, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.
Nông trường là một trong những đơn vị đầu tiên xóa nhà tranh tre nứa lá; 100% công nhân có nhà kiên cố, không xóa hộ đói, không còn hộ nghèo, 7% hộ giàu, 45% hộ khá.
NGỌC TÙNG