Nông trường thanh niên xung phong Bình Dương: Nơi rừng hoang vẫy cánh

Cập nhật: 01-09-2012 | 00:00:00

Năm 2004, Đội thanh niên xung phong (TNXP) Bình Dương tiếp nhận 145 ha đất hoang hóa đầy le, cỏ dại và vắt, muỗi... Nông trường (NT) TNXP ra đời và rừng hoang cũng chuyển mình từ đó...

Nhớ những ngày vỡ đất...

Ban đầu, “cơ cấu” của NT chỉ gồm 6 người do anh Võ Văn Minh (thời điểm đó đang là Phó Bí thư Tỉnh đoàn) dẫn đầu tiếp quản diện tích đất khá lớn kể trên từ Đoàn Đặc công 429. Anh Phạm Văn Cương, người đã ăn cơm NT 8 năm và giờ là PGĐ thường trực nhớ lại: “Những ngày đầu tiếp quản đúng vào mùa mưa, NT chỉ có đúng một căn nhà tạm 3 gian đơn sơ còn sót lại, cỏ ngập đến tận cửa. Còn đất thì chỉ toàn le và cỏ dại bao phủ”. NT nằm xa TP.Thủ Dầu Một đến 75km, lại cách trung tâm xã An Thái (Bến Cát) đến 18km. Chính vì thế, những năm đầu tiên đi vỡ đất, cán bộ và công nhân của NT TNXP phải nỗ lực rất nhiều mới có thể bám trụ lại được. “Đường đi không có nên muốn đi chợ chúng tôi phải băng rừng hàng giờ đồng hồ. Ngoài ra, phải ăn cá khô và gạo từ Ban chỉ huy Đội TNXP cấp xuống. Mọi thứ đều phải dè sẻn, tiết kiệm vì mọi điều kiện đều rất khó khăn” - anh Cương nhớ lại. Để cải thiện đời sống, tất cả các đội viên đều phải trồng rau tăng gia và chăn nuôi gà, heo, bò...

 Nông trường TNXP là nơi cụ thể hóa sức trẻ và minh chứng cho khả năng làm kinh tế tốt của TNXP Bình Dương. Trong ảnh: Đội viên của nông trường đang cao mủ cao su. Những ngày sau đó là những ngày cực nhọc nhất của 6 đội viên TNXP lần đầu đi khẩn hoang đất rừng. Anh Nguyễn Phúc Yên Bình, PGĐ kỹ thuật NT chỉ cho tôi chiếc máy kéo Xybura cũ kỹ rồi nói vui rằng đó là chiếc xe đa năng nhất mà anh từng biết. Bởi từ ngày được mang về, nó vừa là máy kéo, máy cày đến chuyên chở phân bón, lương thực thực phẩm... Mãi đến năm 2009, NT mới được trang bị thêm một chiếc máy cuốc. Đó là 2 phương tiện cơ giới hiếm hoi hiện diện tại NT TNXP nên gần như tất cả các công việc còn lại đều do bàn tay của đội viên quán xuyến.

Dường như tất cả những khó khăn, thử thách ấy không làm nản chí các cán bộ và công nhân NT TNXP. Giờ đây, dù vẫn còn phảng phất những khó khăn, thiếu thốn nhưng dường như cuộc sống của anh em NT đã đỡ hơn. Từ bàn tay cần cù vỡ hoang của mình, họ đã có 40 ha cao su bắt đầu cạo mủ từ năm 2011, 15 ha điều, 1,7 ha nhãn, 1,5 ha măng Điền Trúc. Diện tích đất còn lại dùng vào việc trồng cỏ nuôi bò, các loại cây ngắn ngày để cải thiện đời sống như rau, bắp, mì... Mọi cây trồng, vật nuôi đều được sắp xếp, chăm sóc rất khoa học và hợp lý.

Mật ngọt trả cho người

Đất lành hội ngộ

PGĐ Nguyễn Phúc Yên Bình là 1 trong 6 đội viên đầu tiên đi vỡ đất hoang của NT. Gia đình của Bình ở quận 6, TP.HCM nhưng đi kinh tế mới ở xã Tân Hiệp, Phú Giáo. Học xong lớp trung cấp nông nghiệp thì Bình xin vào Đội TNXP Bình Dương rồi được phân công vào NT luôn. Chính vì thế, tuổi trẻ của Bình không một ngày ngồi cà phê máy lạnh hay ở những quán xá nằm giữa các tòa nhà cao tầng ở thành phố. 8 năm rời ghế nhà trường là 8 năm anh gắn bó với những cây cao su, những gốc le, cỏ dại... của NT. Chính vì thế, NT giờ đã là nhà của Bình rồi. Anh đã bén duyên cùng một cô gái ở NT và có một con gái 3 tuổi.

Cũng theo lời Bình, NT hiện nay đã có 7 đôi cưới nhau. Tất cả họ đều là đội viên, là công nhân của NT, đều đến đây với hoài bão của tuổi trẻ rồi bén duyên nhau trên mảnh đất lạ. Đến nay, những đôi vợ chồng đều được bố trí nơi ăn, chốn ở ổn định tại NT và yên tâm sản xuất.

Chúng tôi đến với NT TNXP vào một ngày đầu tuần, xe bon bon đi trên con đường sỏi đỏ dài 1,8km nối từ đường nhựa vào đến tận sân văn phòng NT. Không còn nhận ra đâu là vùng đất hoang hóa năm xưa theo lời kể của các đội viên đầu tiên của NT. PGĐ Nguyễn Phúc Yên Bình cho biết: “Anh em vừa hoàn tất buổi cạo mủ cao su. Dù năm nay cao su rớt giá nhưng đây vẫn là nguồn thu chủ lực của NT nên phải tập trung cạo cho đến hết vụ”. Quả vậy, kể từ khi 40 ha cao su cho những giọt mủ đầu tiên, đời sống của anh em NT đã được cải thiện đáng kể. Mức lương khoảng 800.000 - 900.000 đồng trước đây, giờ đã được nâng lên khoảng 3,5 triệu đồng đối với lao động phổ thông và 3,8 triệu đồng đối với anh em có trình độ trung cấp.

Đời sống được cải thiện, cơ ngơi của NT cũng đã khá hơn. Đến nay, 12 căn nhà tập thể đã được xây mới chia làm 2 khu đã rộn vang tiếng cười. Từ 6 đội viên ban đầu, giờ NT đã nâng quân số lên 40 người, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 60 lao động tại địa phương. Dù cao su đem lại nguồn thu kinh tế khá cao nhưng bất ngờ là NT TNXP không có ý định sử dụng hết quỹ đất để trồng loại “vàng trắng” này. Anh Phạm Văn Cương, PGĐ NT TNXP cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ quy hoạch chi tiết lại quỹ đất, tận dụng thêm diện tích mặt nước từ hồ thủy lợi Phước Hòa để hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, đem lại hiệu suất cao hơn cả cây cao su”.

Ngày chúng tôi đến với NT cũng là lúc Ban giám đốc đang tất bật với kế hoạch xin được đầu tư một đường điện 3 pha để cụ thể hóa dự án phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thực phẩm tại NT. Một khi dự án được tiến hành, NT TNXP sẽ góp phần làm bật lên tiềm năng kinh tế của cả một vùng đất nằm cách xa TP.Thủ Dầu Một đến 75km.

Anh PHẠM HỒNG THẮNG, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Đội trưởng Đội TNXP Bình Dương: “Chúng tôi chọn nông nghiệp công nghệ cao”

 - Xin anh cho biết, sau 8 năm phát triển NT TNXP, dự án thành công nhất của NT là gì?

- Chúng tôi đã trồng điều, măng, các loại cây ăn trái và cây lương thực ngắn ngày, chăn nuôi heo bò, gia cầm nhưng xin khẳng định việc trồng thành công 40 ha cao su giống riêu 4 từ năm 2005 là đạt hiệu quả cao nhất. Tổng mức đầu tư vào dự án này là 2,456 tỷ đồng và tỷ lệ sống của cao su đạt trên 95%. Tốc độ tăng trưởng cao su qua số liệu đo, kiểm kê đều bằng hoặc vượt mức tiêu chuẩn theo quy trình trồng và chăm sóc cao su. Năm 2011, lợi nhuận đem lại từ 40 ha cao su lên đến hàng tỷ đồng.

- Hiệu quả cao vậy tại sao NT TNXP Bình Dương không tập trung trồng kín diện tích đất còn lại để phát triển kinh tế?

- Cao su dù mang lại hiệu quả cao nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã xác định không thể chỉ độc canh mỗi loại cây này. Đặc biệt, ngay sau khi biết dự án hồ chứa nước Phước Hòa sẽ có mực nước dâng lên làm ngập khoảng 20 ha đất NT, chúng tôi xác định đây là một thuận lợi lớn để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và hướng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

- Cụ thể, dự án này sẽ được tiến hành như thế nào thưa anh?

- Sau khi hình thành ý tưởng, chúng tôi đã tiến hành đàm phán với nhiều đối tác. Và sau đó, Công ty TNHH liên doanh Vitafoods đã khảo sát thực địa, chính thức hợp tác với chúng tôi thực hiện dự án sản xuất thực phẩm sạch để cung cấp cho các khu công nghiệp và cư dân trên toàn địa bàn tỉnh. Đầu tháng 8-2012, đã có lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Vitafoods, NT TNXP Bình Dương và ĐH Cần Thơ. Theo đó, NT sẽ sản xuất thực phẩm sạch theo quy trình và công nghệ của ĐH Cần Thơ chuyển giao. Vitafoods sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm và đem đến tay người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn anh!

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=863
Quay lên trên