Sau khi các trường công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) thì cũng là lúc cuộc chạy đua NV2 chính thức được mở màn. Thời điểm này, sức ép về việc bảo đảm đủ chỉ tiêu, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương đang được làm nóng. Hàng trăm ngàn thí sinh trượt NV1 cũng đang nơm nớp chọn cho mình một ngành phù hợp ở NV2. Để có một chân vào ngưỡng cửa đại học (ĐH), các thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút vào hồ sơ xin xét tuyển...
Rộng cửa cho thí sinh
Riêng các trường ở Bình Dương, hàng ngàn chỉ tiêu cho NV2 vào các trường ĐH trên địa bàn tỉnh cũng đang chờ đón và mở ra cho thí sinh nhiều cơ hội. Năm nay, trường ĐH Thủ Dầu Một tuyển đến 5.350 chỉ tiêu vào học tại trường. Trong đó, trường dành 3.200 chỉ tiêu cho các ngành ĐH và 2.150 chỉ tiêu cho các ngành CĐ. Ở NV2, trường ĐH Thủ Dầu Một dành 552 chỉ tiêu cho các ngành ĐH. Điều kiện, thí sinh có điểm thi ĐH năm 2012 từ bằng điểm sàn trở lên. Thí sinh phải nộp phiếu báo điểm thi ĐH các khối A, B, D tại trường (hoặc qua bưu điện) đúng thời hạn theo quy định. Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng GD-ĐT nhà trường cho biết: Khi làm hồ sơ xét tuyển NV2, thí sinh nên cân nhắc trước khi chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân, gia đình và nhu cầu xã hội. Quan trọng là định hướng nghề nghiệp trước khi chọn ngành học để trong quá trình học tập đạt hiệu quả nhất.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2
Sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố điểm sàn, trường ĐH Bình Dương cũng quyết định điểm chuẩn xét tuyển bằng với điểm sàn. Cụ thể, điểm trúng tuyển NV1 các khối như sau: khối A: 13 điểm, B:14 điểm, C: 14,5 điểm, D1: 13,5 điểm, V,T: 16 điểm (môn năng khiếu nhân hệ số 2). Đối với hệ CĐ điểm trúng tuyển thấp hơn ĐH 3 điểm. Điểm xét tuyển NV2 bằng điểm trúng tuyển NV1. Nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2 từ ngày 25-8. Năm 2012 trường tuyển 2.400 chỉ tiêu, trong đó ĐH 1.800 chỉ tiêu và CĐ 600 chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế Miền Đông không tổ chức thi mà xét tuyển những thí sinh đã dự thi ĐH năm 2012 theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT vào các trường ĐH trong cả nước trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Năm nay, trường tiếp tục tuyển 1.000 chỉ tiêu ở khối A, A1, D1 và B với các ngành: Kỹ thuật Điện, Điện tử: Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật phần mềm, Truyền thông và Mạng máy tính, Quản trị kinh doanh và Điều dưỡng.
Trường Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương thi tuyển đợt 1 và đợt 2 hàng năm theo quy định của Bộ GD-ĐT. Năm 2012, trường tuyển 2.200 chỉ tiêu, trong đó ĐH 1.000 chỉ tiêu và CĐ 1.200 chỉ tiêu với 3 khối A, D1 và C.
Tất cả các trường đều lưu ý thí sinh, khi nộp hồ sơ, thí sinh cần chú ý đến điểm sàn. Một số thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn quy định nhưng vẫn nộp vào trường. Tất nhiên, những hồ sơ này đều bị loại; thí sinh vừa tốn kém, vừa mất công. Khi chọn ngành để nộp hồ sơ dự tuyển, thí sinh nên cân nhắc, chọn những ngành phù hợp với điểm thi, khả năng của mình. Thực tế cho thấy, nếu chọn ngành phù hợp, thí sinh có điểm thi thấp vẫn có cơ hội trúng tuyển.
Cân nhắc để chọn ngành phù hợp, vừa sức
Về quy trình xét tuyển NV2, những thí sinh dự thi ĐH theo đề chung của Bộ GD-ĐT, có kết quả thi từ điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) trở lên, nếu không trúng tuyển đợt 1, thì nộp hồ sơ ĐKXT (đợt 2 hoặc đợt 3) qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường vào ngành cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của một trường ĐH (hoặc CĐ) còn chỉ tiêu xét tuyển.
Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1, có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thí sinh có kết quả thi ĐH thấp hơn điểm sàn CĐ được cấp phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển. Sau khi nộp hồ sơ ĐKXT vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT.
Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường CĐ thuộc các ĐH) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Các trường quy định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển không thấp hơn điểm sàn.
Thí sinh có điểm thi trên sàn ĐH, CĐ sẽ được nhận 2 giấy chứng nhận kết quả thi (được in trên 1 tờ giấy A4 - thí sinh cần cắt làm đôi để được 2 phiếu). Hai giấy chứng nhận này dùng để nộp hồ sơ xin xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH, CĐ có chỉ tiêu xét tuyển. Khi làm hồ sơ xét tuyển NV2, thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả số 1. Sau ngày 20-9, nếu chưa được xét NV2 thì sử dụng giấy chứng nhận kết quả số 2 để xin xét tuyển NV3 ở những trường có chỉ tiêu tuyển NV3. Khi nộp hồ sơ, thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả bản chính, vì các trường không nhận bản photocopy. Các thí sinh cần xem kỹ ngành, chuyên ngành có xét tuyển NV2 của các trường để ghi vào bên dưới của phiếu cho chính xác, tránh sai sót. Đã có trường hợp thí sinh gửi hồ sơ NV2 vào ngành mà ngành đó trường không có xét tuyển làm mất đi cơ hội được xét tuyển; đã có trường hợp thí sinh chỉ trên điểm sàn CĐ nhưng vẫn gửi hồ sơ xin xét tuyển NV2 bậc ĐH.
Ngoài ra, thí sinh cần cân đối giữa chỉ tiêu và điểm chuẩn xét tuyển NV với điểm thi của mình. Nếu điểm của mình không cao lắm nhưng ngành mình chọn có chỉ tiêu ít và điểm xét tuyển NV2 cao thì cũng không nên nộp vào vì sẽ rất nhiều rủi ro. Do vậy, để có một chân vào ngưỡng cửa ĐH, các thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút vào hồ sơ xin xét tuyển.
NGỌC THANH