NSƯT Út Bạch Lan: Đệ nhất đào thương

Cập nhật: 27-02-2014 | 00:00:00

 Năm 15 tuổi, thông qua làn sóng Đài Phát thanh Pháp Á, giọng ca của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Út Bạch Lan đã đến với từng khán gỉả mộ điệu, với nhiều bài ca vọng cổ. Từ đó, NSƯT Út Bạch Lan được các giới chuyên môn để ý, Út Bạch Lan được nhiều đoàn nghệ thuật cải lương mời cộng tác, trong đó có đoàn Kim Khánh của bầu Cang (con nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh). Năm 1956, tròn 16 tuổi, Út Bạch Lan đã được đoàn cải lương Thanh Minh mời về hát chánh thay thế cho nghệ sĩ Thanh Hương vừa hết hợp đồng. Nhiều vở diễn Út Bạch Lan thủ vai chánh như: Đoạn Tuyệt, Cánh hoa tàn, Người vợ không bao giờ cưới, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Nửa đời hương phấn… Đặc biệt vở cải lương đã đưa tên tuổi Út Bạch Lan lên đỉnh cao là vở: Nửa đời hương phấn.

Năm 1960 được đoàn cải lương Kim Chưởng mời về đoàn, là diễn viên tài năng, Út Bạch Lan khá xuất thần trong nhiều vở diễn nòng cốt của đoàn như: Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Thuyền ra cửa biển, Bên đồi trăng cũ, Ác quỷ thành Bát Đa… Năm 1963, NSƯT Út Bạch Lan và nghệ sĩ Thành Được rời đoàn Kim Chưởng về thành lập đoàn hát Út Bạch Lan - Thành Được. Với các vở diễn nổi tiếng: Em đi trên phím nhạc, Sầu qua mấy nhịp cầu duyên, Vườn suối mơ hoa, Khi rừng mới sang thu, Khi hoa Anh Đào nở, Đêm huyền diệu, Trăng sương cầu Trúc, Tìm suối Tiên, Nước chảy qua cầu… tên tuổi út Bạch Lan ngày càng thăng hoa với nhiều tên gọi được khán giả và giới báo chí dành cho: Vương nữ sương chiều, Nữ hoàng Vọng cổ, Đệ nhất Danh ca, Đệ nhất Đào thương, Sầu nữ liêu trai…

Sau năm 1975, Út bạch Lan về cộng tác với đoàn Sài Gòn 1, thủ vai phu nhân Trương Công Định, trong vở Bình Tây Đại Nguyên soái, vai Tư Đồ trong vở Phụng Nghi Đình và vai bà Bảy Đờn trong vở Người ven đô… Sau đó, Út Bạch Lan tiếp tục về diễn cho đoàn cải lương Long An, với các vở diễn: Trận tuyến thầm lặng, Cánh hoa trong bão táp và Thái hậu Dương Vân Nga… Rời Long An, Út Bạch Lan tiếp tục về diễn cho sân khấu Trần Hữu Trang với các vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga, của soạn giả Hoa Phượng - Chi Lăng, Đêm phán xét của soạn giả Thể Hà Vân.

Út Bạch Lan đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả mộ điệu qua nhiều vai diễn trên sân khấu cải lương, thật khó quên với các vở cải lương: Tình mẹ thương con, Tình nước non, Gánh gồng trăm mối…

Những ngày tháng gần đây, NSƯT Út Bạch Lan quan tâm đến việc từ thiện hơn, hát thường xuyên cho Thành hội Phật giáo, với những kịch bản và bài ca động viên lòng vị tha, bác ái “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Ngoài việc hát ở chùa, mỗi khi có chương trình từ thiện được các nhà tổ chức thực hiện mời, thì Út Bạch Lan sẵn sàng đi phục vụ không đòi điều kiện.

Để trả nợ dâu, NSƯT Út Bạch Lan tiếp tục phục vụ nghệ thuật đáp tạ ơn đời đã dành cho mình với tấm lòng tri kỷ, tri âm… Luôn biết ơn những ai đã dành cho mình những ưu ái trong suốt quá trình làm kiếp tằm, với tâm nguyện “Tôi vẫn hát, hát cho đến khi nào không còn hơi thở”.

NGUYỄN THI NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên