Nữ cán bộ công chức - viên chức: Thi đua “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”
Thứ sáu, ngày 21/05/2010
Ở nhà, phụ nữ là những người vợ, người mẹ đảm đang; ngoài xã hội, họ là những nữ CBCC-VC tận tụy với công việc. Trong ảnh: Những "từ mẫu" của bệnh nhân“Giỏi việc nước - đảm việc nhà” là một trong những phong trào lớn do Công đoàn viên chức (CĐVC), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai thực hiện rộng rãi trong đội ngũ nữ cán bộ công chức - viên chức (CBCC-VC) thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và công đoàn cơ sở...
Chủ tịch CĐVC tỉnh Dương Thị Ninh, cho biết số cán bộ nữ được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng. Nhiều chị giữ chức vụ lãnh đạo cấp sở, ban, ngành vừa làm tốt công tác quản lý, đồng thời vẫn giữ được gia đình ấm no, hạnh phúc, giáo dục con cái chăm ngoan, học giỏi... Giỏi việc nước... Được sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị, cuộc vận động (CVĐ) xây dựng người CBCC-VC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thể nữ CBCC-VC. Gắn với cuộc vận động trên là các phong trào thi đua sôi nổi, như “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”, xây dựng cơ quan văn hóa, “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng hiệu quả”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Từ đó, từng nữ CBCC-VC xác định rõ ý thức trách nhiệm của mình trong công việc, tận tụy, gương mẫu, làm việc có kế hoạch, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật... nhằm làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Điển hình như các nữ y - bác sĩ trong Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, từ năm 2005-2009, đã có 4 đề tài nghiên cứu của các chị được công nhận và áp dụng có hiệu quả. Trong đó nổi bật là đề tài “Khảo sát tình hình tử vong cán bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1983-2006” của bác sĩ Đỗ Thị Thúy đoạt loại B cấp ngành hay đề tài “Nhận xét kết quả điều trị rối loạn lipid máu bằng nhóm statin sau 3 tháng của bệnh nhân trung cao” của bác sĩ Đoàn Thị Hồng Thơm và y sĩ Phan Ánh Tuyết cũng được công nhận cấp ngành. Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được công nhận đạt loại khá, giỏi của các thạc sĩ Bùi Thị Dung, Vũ Thị Kim Vân ở đơn vị trường Chính trị... Thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi nữ CBCC-VC luôn tận tụy, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tuy đời sống vẫn còn khó khăn, nhưng hầu hết nữ CBCC-VC vẫn giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, có lối sống giản dị, lành mạnh, không sa ngã, biến chất trước sự cám dỗ của đồng tiền và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Nhiều tấm gương nữ CBCC không lợi dụng chức quyền để tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, tạo được niềm tin, uy tín với khách hàng. Họ xứng đáng là những CBCC-VC gương mẫu trong cơ quan, đơn vị. Điển hình như tập thể CBCC-VC Kho bạc Nhà nước tỉnh, trong quá trình làm việc, đã kịp thời phát hiện và thu giữ tiền giả. Các cán bộ kiểm ngân ở đây đã nhiều lần trả lại tiền thừa cho khách hàng, với tổng số tiền trong 5 năm qua hơn 705 triệu đồng... Từ những phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, trong 5 năm qua, nhiều nữ CBCC đã đạt được các danh hiệu, như lao động giỏi (1.938 người), chiến sĩ thi đua các cấp (1.111 người). Đặc biệt trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 14 chị được tặng huân chương, 26 chị được tặng huy chương và 14 chị có đề tài nghiên cứu khoa học... Đảm việc nhà Không chỉ hoàn thành tốt công việc ở đơn vị, mà ở nhà, các nữ CBCC cũng là những người phụ nữ gương mẫu, là những người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát. Họ vừa làm “nội tướng”, vừa chăm lo giáo dục con cái ngoan hiền, học giỏi và tổ chức xây dựng gia đình văn hóa. Những chị em trẻ, chưa lập gia đình thì xây dựng tình bạn, tình yêu trong sáng, lành mạnh. Kết quả, hàng năm có từ 90 -95% gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 97 - 98% đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Tính đến cuối năm 2009, toàn tỉnh có 1.655 CBCC nữ, trong đó 54 CBCC nữ có trình độ chuyên môn trên đại học; 1.094 CBCC nữ có trình độ đại học; 103 CBCC nữ có trình độ cao đẳng và 263 CBCC nữ có trình độ trung cấp. Về trình độ chính trị, 114 CBCC nữ có trình độ cao cấp; 63 CBCC nữ có trình độ cử nhân và 436 CBCC nữ có trình độ trung cấp. Nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác dân số trong chiến lược phát triển đất nước, các Ban nữ công cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp CBCC nhận thức đúng và tự nguyện thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch. Các Ban chấp hành công đoàn cơ sở đều đưa các mục tiêu của chính sách dân số vào việc xét thi đua, khen thưởng hàng năm ở cơ quan, đơn vị mình. Hàng năm, Ban nữ công cơ sở đều tổ chức bình xét danh hiệu nữ 2 giỏi, đề nghị công đoàn cơ sở và cấp trên công nhận và khen thưởng. Từ năm 2005-2009, có 5.221 lượt chị đạt danh hiệu nữ 2 giỏi cấp cơ sở, 2.630 lượt chị đạt cấp ngành, 828 chị đạt cấp tỉnh... Từ những kết quả đã đạt được trong phong trào “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” thời gian qua, Chủ tịch CĐVC tỉnh Dương Thị Ninh, nhận xét: “Phong trào “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” đã được Ban nữ công cơ sở triển khai đến nữ CBCC. Hàng năm, phong trào đều được bình xét và công nhận từ cấp cơ sở. Qua 5 năm thực hiện phong trào, tỷ lệ nữ CBCC đạt danh hiệu 2 giỏi ngày càng tăng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và phong trào chung của công đoàn cơ sở. Những kết quả khích lệ trên một lần nữa khẳng định, phụ nữ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cương vị nào cũng luôn phấn đấu vươn lên để xứng đáng với 8 chữ vàng trong thời kỳ đổi mới do Trung ương hội đưa ra, đó là: Trung hậu, đảm đang, tài năng, duyên dáng”. HỒNG THUẬN