Núi Châu Thới từ lâu đã được khách thập phương biết đến như một danh thắng đẹp, là một điểm đến không thể thiếu trong chuyến hành hương lễ Phật trên đất Bình Dương. Núi Châu Thới được xếp hạng là di tích (DT) danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989…
Núi Châu Thới tọa lạc trên địa bàn phường Bình An, TX.Dĩ An. Đường lên núi có 2 cách, có thể men theo 220 bậc thang để đi bộ lên núi hoặc chạy xe máy (ô tô) thẳng lên núi.
Nói đến DT núi Châu Thới, không thể thiếu chùa núi Châu Thới. Chùa được xây dựng cách nay hàng trăm năm, là ngôi chùa có niên đại xưa nhất trên đất Bình Dương. Theo tài liệu của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, ngoài những giá trị về mặt văn hóa Phật giáo, chùa còn là nơi trú ngụ, hội họp của nhiều người hoạt động cách mạng trong một số giai đoạn lịch sử. Với lợi thế về mặt địa hình và cảnh quan, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Châu Thới là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng đến ẩn náu và hoạt động. Chùa còn ủng hộ tiền, gạo, thuốc, vải… cho kháng chiến.
Chùa núi Châu Thới hiện nay được các vị trụ trì đời sau cho xây dựng, trùng tu lại theo lối kiến trúc chùa hiện đại. Các tượng thờ Phật, tổ sư đều được tạc bằng gỗ. Còn lại, hầu hết các hạng mục công trình Phật giáo nơi đây đều được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép. Điểm nổi bật nhất trong kiến trúc chùa núi Châu Thới là lối trang trí hoa văn đắp bằng mảnh gốm sứ. Từ những con rồng đặt ở cuối các đầu đao của mái chùa, đến các đường nét hoa văn trong chánh điện đều được tạo nên bằng những mảnh ghép gốm sứ. Các hình, như: Tứ linh, Thủ quyền, Đức Phật giáng sinh… ở phần mặt tiền của chùa cũng được đắp bằng mảnh gốm sứ.
Chùa núi Châu Thới hiện nay là một quần thể kiến trúc dung hòa giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, bao gồm nhiều công trình, như: Chánh điện, nhà tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu - Ngũ Hành Nương Nương và điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế… Trong thời gian qua, chùa núi Châu Thới tiếp tục xây dựng, tôn tạo thêm nhiều hạng mục công trình. Ngoài 2 đại hồng chung đúc vào năm 1988 (theo mẫu của chùa Thiên Mụ - Huế, nặng 1,5 tấn) và năm 2003 (nặng khoảng 5 tấn), vào những năm 1996-1998, chùa còn đúc thêm 7 tượng Phật bằng đồng, đồng thời xây dựng thêm một ngôi bảo tháp cao 24m trong khuôn viên chùa. Năm 2009, tượng Bồ Tát Quan Âm lộ thiên cao đến 22,5m, nặng trên 100 tấn đã được cố Hòa thượng Thích Minh Thiện khởi tâm xây dựng trong khuôn viên chùa…
Chùa núi Châu Thới hiện nay không còn lưu giữ được những dấu tích nguyên vẹn của một ngôi chùa cổ. Tuy nhiên, trong ngôi chùa này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị. Những hiện vật cổ ở đây đã được xếp loại, gồm 55 hiện vật. Trong đó giá trị nhất phải kể đến là 3 pho tượng Phật tạc bằng đá có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và một pho tượng Quan Âm tạc từ gỗ cây mít trên 100 năm tuổi.
Núi và chùa núi Châu Thới là một trong những DT thắng cảnh nổi tiếng của đất Bình Dương. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan, lễ Phật.
CẨM LÝ