Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài 65km qua địa bàn 9 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành, với gần 17.500 hộ dân sinh sống; trong đó huyện Duyên Hải có bờ biển dài gần 55km.
Điều đáng lo ngại là khoảng 10 năm trở lại đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đã làm cho hàng trăm hécta đất rừng phòng hộ, đất sản xuất, đất ở của hàng trăm hộ dân ở 10 ấp thuộc 3 xã ven biển Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và Đông Hải (huyện Duyên Hải) bị nước biển xâm thực, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều hộ dân; trong đó, có một số tuyến đê được đầu tư lớn xây dựng kiên cố cũng bị nước biển cuốn trôi, buộc phải đầu tư xây dựng lại.
Tại khu vực cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (huyện Duyên Hải) nằm trên tuyến đê xung yếu Hải-Thành-Hòa của tỉnh Trà Vinh đang bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ dân sống ở cạnh chân đê như ngồi trên đống lửa, sống trong lo sợ đê bị vỡ bất cứ lúc nào.
Chị Lê Thị Tuyết Mai cho biết căn nhà của gia đình cất trước đây cách chân đê khoảng 300-400m, do sóng biển dâng cao gây sạt lở buộc nhà nước phải di dời con đê vào sát nhà chị, 4.000m2 đất trồng chuyên canh rau màu của gia đình bị nước biển cuốn trôi gần phân nửa. Nay gia đình chị luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ vì tuyến đê đang đứng trước nguy cơ bị vỡ sẽ cuốn trôi tài sản, nhà cửa của gia đình.
Cách đó không xa, tuyến đê biển khu vực ấp Chợ, ấp Bào, xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Sóng biển khoét sâu vào thân đê tạo thành nhiều “hàm ếch,” cả ngàn cây phi lao trồng bảo vệ tuyến đê gần 20 năm tuổi bị sóng biển đánh bật gốc, nằm nghiêng ngả; hàng cừ tràm được đóng dày đặc nhằm bảo vệ tuyến đê cũng trở nên bất lực trước sóng biển...
Gắn bó với vùng đất ven biển ấp Bào từ nhỏ, anh Trần Công Lập cho biết vào năm 1990, rừng phòng hộ phi lao ven biển có bề ngang cả trăm mét và nước biển cách rừng cũng từng ấy. Nay mỗi khi nước thủy triều dâng, là sóng biển đánh qua cả vạt phi lao. Trước đây gia đình anh có hơn 5 công đất (1 công = 1.000m2), nay bị sóng biển "nuốt" mất 4 công nên đời sống gia đình hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Ủy ban Nhân dân xã Hiệp Thạnh, từ năm 1997 đến nay, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến bờ biển xã Hiệp Thạnh bị sạt lở nghiêm trọng, có một số đoạn bị lở sâu từ 500-2.000 mét, xâm thực vào đất liền khoảng 200ha và gây thiệt hại về nhà cửa, rau màu của người dân gần 3 tỷ đồng. Riêng tuyến đê biển từ ấp Chợ, ấp Bào đến khu vực Rạch Cạn mặc dù mới thi công năm 2012, với kinh phí đầu tư 75 tỷ đồng, nhưng năm 2013 đã có hơn 2km bị sạt lở…
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiệp Thạnh bức xúc cho hay, khu vực này, hàng năm người dân chỉ sống được vào mùa gió Nam khoảng tháng 3 âm lịch; kể từ tháng 9 âm lịch, khi gió Chướng bắt đầu thổi mạnh cũng là lúc tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, buộc người dân phải tìm nơi trú ẩn tránh sạt lở…
Tuy hàng năm tỉnh, huyện đều phối hợp với xã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ gia cố tuyến đê, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế hiệu quả không cao. Để đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở, Ủy ban Nhân dân xã Hiệp Thạnh đề nghị Trung ương, tỉnh Trà Vinh sớm đầu tư cho Hiệp Thạnh khu tái định cư và đầu tư xây dựng kiên cố 6km tuyến đê còn lại để bảo vệ diện tích đất của xã, giúp người dân địa phương có đất canh tác và có nơi ở ổn định trong điều kiện khí hậu có nhiều biến đổi.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Duyên Hải, do thiếu nguồn vốn triển khai xây dựng khu tái định cư nên hiện nay, Huyên Hải vẫn còn 146 hộ dân ở ấp Nhà Mát và ấp Cồn Trứng (xã Trường Long Hòa) và 30 hộ ở ấp Chợ và ấp Bào phải sống tại các điểm xung yếu thường xuyên bị sạt lở, tính mạng và tài sản đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Kể từ năm 2008 đến nay, Trà Vinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư gần 115 tỷ đồng gia cố đê bằng bêtông chắn sóng tâm cấp 1.300m bờ kè tại xã Hiệp Thạnh và 750m bờ kè tại ấp Cồn Trứng. Năm 2014, Trà Vinh tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 để hoàn thiện đoạn kè tại xã Hiệp Thạnh có chiều dài 2.000m và gần 2.800m kè còn lại trong dự án xây dựng kè ấp cồn Trứng. Tổng nguồn vốn được phê duyệt hai dự án này gần 420 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh văn phòng Ủy ban phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh, kinh phí hàng năm Trung ương bổ sung cho tỉnh quá ít không thể thực hiện được.
Nếu đầu tư theo kiểu chắp vá như hiện nay, những đoạn đê không hoàn chỉnh sẽ bị sóng biển tiếp tục làm sạt lở, kinh phí sửa chữa, xây mới sẽ tăng gấp nhiều lần. Do đó, để bảo đảm cuộc sống cho nhân dân ven biển, về lâu dài Trung ương cần hỗ trợ Trà Vinh xây dựng toàn bộ tuyến kè ven biển; đồng thời sử dụng công nghệ kè mềm bên ngoài biển để tiến tới trồng rừng bồi lấp bảo vệ tuyến kè./.
(Theo VNA)