Quốc hội Israel do liên minh hữu khuynh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu kiểm soát vừa gây chấn động toàn khu vực Trung Đông với việc thông qua Luật cơ bản (tương đương hiến pháp) về quốc gia dân tộc, trong đó trao cho người Do Thái quyền độc tôn trong Nhà nước Israel, các sắc tộc khác, như người Arab, không có được quyền này.
Giới phân tích đánh giá Luật cơ bản này đang biến Israel thành một quốc gia kỳ thị chủng tộc (tương tự Nam Phi trước đây), đồng thời phá hỏng mọi cơ hội hòa bình trong khu vực Trung Đông.
Với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống, Luật cơ bản Quốc gia dân tộc Do Thái (Luật cơ bản) đã được Quốc hội Israel thông qua vào sáng ngày 19-5, sau nhiều giờ tranh luận gay gắt giữa các đảng phái chính trị. Luật bao gồm 11 điều khoản ngắn gọn, súc tích theo đúng tinh thần của luật cơ bản. Trong đó, phần lớn các điều khoản của Luật tập trung bảo vệ “quyền độc tôn” của người Do Thái so với các sắc dân khác, như xác lập các nguyên tắc “vùng đất Israel là của người Do Thái”, “Nhà nước Israel là quốc gia của người Do Thái”, trong đó quyền tự quyết mọi vấn đề của quốc gia, dân tộc là quyền “chỉ duy nhất thuộc về người Do Thái”.
Về ngôn ngữ, Luật cơ bản xác định chỉ duy nhất tiếng Hebrew của người Do Thái là ngôn ngữ chính thức, còn tiếng Arab sẽ “được trao một quy chế đặc biệt” và việc sử dụng tiếng Arab trong các cơ quan, các thiết chế của nhà nước sẽ được quy định trong một luật riêng.
Chính những quy định trên đã gây phẫn nộ trong cộng đồng người Arab ở Israel và toàn khu vực Trung Đông. Các chính khách Israel gốc Arab đã tức giận xé bỏ văn bản luật ngay khi nó vừa được thông qua và gáo thét “Apartheid” để phản đối trong nghị trường. Ayman Oxdeh, lãnh đạo Liên minh các chính đảng Arab nổi bật chiếm 13 trên 120 ghế trong Quốc hội Israel đã giương cờ đen tỏ ý phản đối việc thông qua Luật.
Với việc thông qua Luật cơ bản, ông Netanyahu đã đi một nước cờ hết sức táo bạo trong cuộc chiến với người Palestine. Hiện tại, ông và liên minh hữu khuynh cầm quyền của mình đang nắm trong tay mọi ưu thế, khi các đảng phái trung dung và cánh tả, Arab đều đang rất yếu, không đủ sức để thách thức liên minh cầm quyền trong mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến người Palestine.
trọng hơn, ông lại đang có thêm sự ủng hộ chưa từng có trong lịch sử từ Tổng thống Mỹ Donald Trump: lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chính ông Donald Trump cũng dành cho Israel sự ủng hộ tuyệt đối trong cuộc tranh giành quyền lợi với người Palestine.
Từ nhiều năm qua, vấn đề tranh chấp đất đai với người Palestine và quyền tồn tại như một nhà nước luôn là vấn đề lớn nhất và khó khăn của Israel. Trong các điều kiện đàm phán hòa bình với người Palestine trước đây, Israel luôn đặt ra điều kiện người Palestine thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái với an ninh được bảo đảm tuyệt đối.
Ngược lại, người Palestine cũng đặt ra các yêu cầu Israel trả lại các vùng đất bị chiếm, thừa nhận Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của Nhà nước Palestine, bảo đảm quyền hồi hương của người Arab tị nạn sau cuộc chiến lập quốc của Israel. Giải pháp “Hai nhà nước” do “Bộ tứ” (gồm Liên Hiệp Quốc, EU, Nga và Mỹ) bảo trợ được xem là cứu cánh của mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhưng đã hơn 10 năm kể từ khi giải pháp “Hai nhà nước” ra đời, tiến trình đàm phán có lúc tưởng chừng sắp thành công nhưng rồi trôi tuột đi, cho đến nay xem như “chết lâm sàng”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đi vào lịch sử với việc ban hành Luật cơ bản về Quốc gia dân tộc của người Do Thái.
Sự thất bại trong mọi nỗ lực đàm phán hòa bình xuất phát từ việc người Palestine (Hamas) nhất quyết không thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái, đồng thời Israel cũng nhất định không dừng phát triển các khu định cư Do Thái, liên tục chiếm thêm đất của người Palestine ở khu Bờ Tây.
Luật cơ bản đã mở toang cánh cửa để người Do Thái tự do làm bất cứ điều gì họ muốn đối với các địa điểm, các di tích tôn giáo nhạy cảm, tranh chấp giữa người Arab và người Do Thái. Một điều khoản trong Luật cơ bản quy định “Jerusalem - toàn bộ và thống nhất - là thủ đô của Israel” xem như đã đặt dấu chấm hết cho yêu sách về Đông Jerusalem của người Palestine, vì vậy cho dù mai này có quay trở lại đàm phán thì Luật cơ bản là căn cứ quan trọng nhất để Israel bác bỏ mọi yêu cầu của người Palestine về “thủ đô tương lai” của họ.
Và những điều khoản khác quy định “quyền chiếm đóng” của người Do Thái, xem “việc phát triển khu định cư Do Thái là một giá trị quốc gia”, rằng nhà nước Israel có quyền hành động (cưỡng chế) đối với người Palestine để phát triển và sáp nhập các khu định cư đó vào Nhà nước Do Thái. Điều này đồng nghĩa với việc Israel được tự do xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestine và xem đó là “đất Do Thái”.
Trên thực tế, ngay khi Luật cơ bản được thảo luận và thông qua thì quân đội Israel đã mang xe ủi, máy xúc đến phá nhà, san bằng nhiều thôn làng của người Palestine ở khu Bờ Tây. Nhiều khu đất rộng lớn của người Palestine ở Bờ Tây hiện đã bị xẻ ngang xẻ dọc, bị chiếm làm đất xây khu định cư, xây đường giao thông của người Do Thái, khiến hàng trăm người Palestine bị mất nhà cửa, bị ép vào ở trong các khu lán trại ọp ẹp do Israel xây sẵn ở những nơi bất tiện, khó sinh sống.
Với những quy định như thế, sự thất thế hoàn toàn của người Palestine gần như đã thể hiện rõ khi Israel ban hành Luật cơ bản về quốc gia dân tộc Do Thái. Nó đã làm dấy lên làn sóng phản đối phẫn nộ của người Palestine khắp các vùng lãnh thổ.
Ở phương Tây, Anh, EU đều lên tiếng phản đối Israel thông qua Luật cơ bản. Bộ Ngoại giao Ai Cập - một “đồng minh” của Israel trong khu vực - cũng đã lên tiếng phản đối và cảnh báo việc Israel thông qua Luật cơ bản này đã phá hỏng các cơ hội hòa bình ở Trung Đông.
Theo CAND