Nước mắt lao động nghèo trên đường tìm việc!

Cập nhật: 25-02-2011 | 00:00:00

Tết Nguyên đán vừa rồi về quê tình cờ gặp lại người đồng hương tên T. hỏi làm việc gì ở Bình Dương, người này khoe: “Tôi giờ không như xưa, ăn cà pháo với cơm nguội hồi mới vô Bình Dương đâu. Giờ đã là giám đốc công ty cung ứng lao động”. Bán tín, bán nghi cộng với việc tò mò muốn tìm hiểu về “thị trường cung ứng lao động” rất hoành tráng như người đồng hương nói, tết xong, tôi vào lại Bình Dương và được theo chân “cò” lao động (CLĐ).

Giăng bẫy người lao động

Công ty cung ứng lao động theo T. giới thiệu hóa ra chỉ là... trên giấy. Bởi “văn phòng” công ty thực ra là căn phòng trọ chưa đến 16m2 nằm sâu trong một hẻm nhỏ ở KCN Đồng An 2. Dù “văn phòng” rất nhỏ nhưng có đến 5 - 6 chiếc điện thoại các loại sẵn sàng đổ chuông bất cứ lúc nào. Theo T. thì đó là phương tiện đắc lực nhất để anh ta có thể điều hành công việc xuyên suốt.

 

Xe ôm là cánh tay phải đắc lực cho các CLĐ (Ảnh minh họa)

Hàng ngày, các CLĐ sẽ tận dụng rất nhiều kênh thông tin khác nhau để có thể săn được người nghèo từ khắp nơi đổ về Bình Dương. Dưới tay T. có rất nhiều chân rết để tìm kiếm lao động. Vào mỗi khuya, T. thuê người đi dán tờ rơi ở khắp các tuyến đường KCN, bến xe, khu trọ... Thêm vào đó, T. còn đăng tuyển việc làm trên báo, website... Sau đó, người lao động (NLĐ) sẽ tìm thấy các dòng quảng cáo rất hoành tráng của CLĐ như: cần tuyển 2.000 thợ may, công nhân cơ khí, giao hàng, giữ xe; 50 bán hàng, 10 tiếp tân; 5 nữ tạp vụ, 10 trông em bé; 10 kế toán... rồi tự gọi điện thoại đến nhờ xin việc giúp.

Đối với các CLĐ, không thể không kể đến đội ngũ giúp việc đắc lực nhất là lực lượng xe ôm hùng hậu ở các ngã tư đường, bến xe... Chính những người này trực tiếp đem NLĐ nghèo lần đầu đến Bình Dương, còn lạ đường sá và mơ ước tìm được một cơ hội việc làm tốt ở xứ lạ đến với “cò”. Khi bắt được một con mồi, cánh xe ôm sẽ chở đến cho các CLĐ để phân loại và gửi giao cho người tuyển dụng. Mỗi trường hợp như thế, các xe ôm ngoài việc hưởng tiền xe ôm còn được hưởng 100 ngàn đồng từ việc “bán” người cho CLĐ.

Đất ngon cho “cò”

Theo T. thì ở Bình Dương hiện nay có khoảng 30 - 40 cơ sở môi giới việc làm chui như của anh ta. Sở dĩ có sự bùng nổ số lượng này là nhờ vào việc thị trường lao động Bình Dương liên tục phình to và Bình Dương ngày càng trở thành một điểm đến hứa hẹn cho nhiều lao động nghèo nơi khác. Sau khi tiếp nhận người nghèo đến xin việc, CLĐ sẽ trực tiếp phân loại, không quên thu nhận giấy CMND rồi ngon ngọt bảo người nghèo... ngồi chờ.

Tùy theo độ tuổi, ngành nghề của từng người mà CLĐ có thể nhận nhiều mức hoa hồng khác nhau. Cao nhất là nữ, ngoại hình khá, độ tuổi từ 18 - 22. Giới thiệu thành công cho một trường hợp như thế CLĐ được hưởng từ 2 - 3 triệu đồng tiền hoa hồng. Đối với một lao động phổ thông, giúp việc nhà, trông trẻ... CLĐ sẽ hưởng 400- 500 ngàn đồng tùy theo thương lượng. Đối với đối tượng xin vào làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp thì CLĐ được hưởng 400- 600 ngàn đồng nhưng phải chi lại cho bộ phận nhân sự 40 - 50%.

Khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán là lúc CLĐ hoạt động mạnh nhất và là thời điểm thu nhập của họ rất khá. Theo T. thì thấp nhất mỗi ngày một CLĐ có thể kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Ngày nào trúng đậm có thể thu vài triệu tiền hoa hồng. Đối với các CLĐ, đây là việc làm khá ngon ăn. Bởi việc của họ chỉ là săn được người nghèo ngoại tỉnh đổ về. Những người này có trình độ nhận thức còn thấp, còn lạ lẫm nơi xứ người và đang khát việc làm. Chính vì thế, nhiều trường hợp bị giới thiệu những việc làm không ưng ý, lương thấp vẫn không dám phản ứng với CLĐ vì mỗi trung tâm giới thiệu việc làm chui như thế có rất nhiều đầu gấu, xe ôm bất lương bảo kê. Họ sẵn sàng “dằn mặt” người nghèo khi cần thiết.

Nước mắt cho người nghèo

Có thể khẳng định, trong mối quan hệ giữa CLĐ với NLĐ nghèo thì người nghèo luôn ở thế bị động. Thông qua những thông tin rất “hoành tráng” mà CLĐ tung ra trên mạng, tờ rơi, trên các trang rao vặt và xe ôm cung cấp, NLĐ không hề biết chân tướng của các trung tâm giới thiệu việc làm chui. Thêm vào đó, áp lực cần việc nơi đất khách khiến họ buộc phải giao nộp giấy CMND theo yêu cầu của CLĐ khi tìm đến xin việc. Một khi đã giao CMND, coi như họ trở thành “nô lệ” cho CLĐ.

Mới đây, chị M. tìm đến chúng tôi để phản ảnh trường hợp chị giao CMND cho CLĐ rồi bị “bán sống” cho một quán cà phê ở TX.TDM làm việc như khổ sai. Sau khi đọc thông tin trên trang rao vặt, chị gặp cò H. ở KCN Việt Hương. Tại đây, H. giữ CMND rồi cho xe ôm chở chị đến giao cho quán cà phê làm việc với lương thỏa thuận 2 triệu đồng/tháng với lời hứa: “Đến đó chủ trả lại CMND cho!”. Tuy nhiên, khi đến làm việc, chị M. mới được chủ quán cà phê cho biết CLĐ H. đã nhận hoa hồng 600 ngàn đồng của chủ. Nếu không làm việc, H. buộc phải trả cho chủ 600 ngàn đồng để chuộc lại CMND và quần áo để về quê hoặc xin việc khác.

Với chiêu bài trên, các CLĐ đã thu lợi bất chính trên không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của người dân nghèo. Với chiêu bài: “Giới thiệu việc làm không thu phí NLĐ” cộng với muôn vàn bánh vẽ: việc tốt, thu nhập cao, không cần hồ sơ xin việc, bao ăn ở... các CLĐ khiến cho rất nhiều người nghèo cần việc sập bẫy.

Tuấn, người Vĩnh Long hiện đang làm việc trong một xí nghiệp giày da ở TX. Thuận An kể lại: “Hồi mới lên Bình Dương kiếm việc, em được xe ôm chở đến một CLĐ hứa hẹn đủ đường rồi bắt nộp giấy CMND. Sau đó, em bị đưa đến một lò mổ bò làm việc với lương 1,7 triệu đồng/tháng. Khổ quá làm không nổi xin lấy lại giấy CMND đi kiếm việc nơi khác thì chủ lò mổ cho biết em đã bị người CLĐ nọ “bán” với giá 500 ngàn đồng. Em cắn răng làm hết tháng rồi xin nghỉ, nhận lương 1,2 triệu đồng”.

Thị trường lao động lành mạnh không chỉ tạo được một môi trường phát triển tốt cho kinh tế địa phương ở Bình Dương mà nó còn mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho các lao động ngoại tỉnh đến đây làm việc, sinh sống. Ngoài ra, tạo dựng được một thị trường lao động lành mạnh còn giúp cho tiếng thơm về Bình Dương lan xa và chúng ta ngày càng thu hút được nhiều nhân lực, vật lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong lộ trình xây dựng ấy, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý nạn CLĐ bất hợp pháp, tránh tình trạng tồn tại những đường dây môi giới việc làm trái phép gây khổ sở cho không ít NLĐ nghèo lương thiện và ảnh hưởng đến môi trường lao động Bình Dương.

KHÁNH VINH

Cò lao động đang ngoài vòng pháp luật?

Hiện nay, các CLĐ thường sử dụng hình thức dán tờ rơi, đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng và các trang báo rao vặt... để giăng bẫy NLĐ nghèo cần việc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đăng tải thông tin tuyển dụng việc làm lên các website hiện nay rất dễ dàng, chỉ mất vài phút và vài thao tác nhấp chuột là một người bất kỳ nào đó đã có thể làm được.

Trong khi đó, một tờ báo chuyên về rao vặt ở TP.HCM cũng rất dễ dàng cho đăng tải thông tin tuyển dụng việc làm lên báo này. Chỉ mất 100 ngàn đồng, giấy CMND mà không hề phải trình bày giấy phép kinh doanh, các CLĐ đã có thể cho đăng thông tin tuyển dụng của các công ty môi giới việc làm “ma” lên báo này trong suốt 1 tuần.

Với hình thức dán tờ rơi, CLĐ bị vấp phải sự mạnh tay và quyết liệt của chính quyền sở tại, cụ thể là các cán bộ văn hóa - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, theo anh Tô Quang Vinh, cán bộ văn hóa - xã hội P.Bình Chuẩn, TX.Thuận An thì hiện nay các CLĐ đã rất tinh quái, họ thường thuê người đi bộ dán tờ rơi vào lúc đêm khuya vắng. Khi bị bắt và bị chính quyền địa phương phát giấy triệu tập xử phạt thì đối tượng không chấp hành. Chỉ trong năm 2010, P.Bình Chuẩn phát hiện 33 trường hợp vi phạm nhưng chỉ xử phạt được 10 trường hợp do tang vật có giá trị.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=430
Quay lên trên