“Nước mắt và niềm vui” của một cựu chiến binh

Cập nhật: 02-06-2023 | 09:05:17

Gần 80 tuổi, ông Vũ Thành Trung mới bắt tay viết hồi ký về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Đông. Chưa từng nghĩ mình sẽ viết sách, nhưng rồi cuốn hồi ký “Nước mắt và niềm vui” của ông cũng đã ra đời sau những tháng ngày miệt mài chắp bút. Ông bảo, điều thôi thúc ông viết nên cuốn hồi ký này khi về già đó là muốn để lại cái gì đó ý nghĩa cho con cháu của mình cũng như thế hệ mai sau.


Ông Vũ Thành Trung ký tặng hồi ký “Nước mắt và niềm vui” của mình cho các bạn đoàn viên thanh niên trong tỉnh

Những năm tháng nhiệt huyết

Lần theo những thông tin có được về tác giả cuốn hồi ký “Nước mắt và niềm vui”, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Thành Trung ở số 2 đường Ngô Chí Quốc, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một vào một chiều muộn. Ở cái tuổi 81 (sinh năm 1942), trông ông vẫn rất phong độ dù trong những năm tháng tham gia kháng chiến da thịt ông đã “đón nhận” không ít vết thương.

Ông Vũ Thành Trung được nhiều người gọi với cái tên trìu mến là Mười Trung. Mười Trung sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ và 2 chị gái của ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết ba mẹ ông có rất nhiều con, nhưng khi ông lớn lên thì chỉ còn 7 người. Mẹ ông có 3 người con trai hy sinh, chị thứ tư và thứ 5 của ông đều có chồng và 2 con hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Lớn lên trong cảnh quê hương bị giặc chiếm đóng, đánh phá, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia làm cơ sở bí mật ở địa phương khi mới 14 - 15 tuổi. Ngoài tiếp tế lương thực, thực phẩm, ông còn làm liên lạc cho cán bộ cách mạng trong rừng. Tháng 7-1961, nhiều cơ sở bị lộ, vì thế ông cũng thoát ly theo cách mạng. Ông từng là lính của Đại đội 450 thuộc chiến khu Lê Hồng Phong (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây nguyên.

Tháng 11-1963, Quân khu chuyển vào miền Đông Nam bộ, ông về làm trinh sát Tiểu đoàn 840. Ông tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng với không ít lần “vào sinh ra tử”. Vì thế, khoảng thời gian này có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Cũng tại chiến trường này, khi tham gia trận đánh Bu-Prăng vào năm 1965, ông đã bị 8 vết thương, trong đó có nhiều vết thương rất nặng.

“Lúc đánh vào lô cốt địch, tôi bị một quả đạn cối nổ sát bên cạnh gây thương tích. Khi địch rút vào lô cốt, tôi mới cố sức trườn ra khỏi hàng rào kẽm gai, trườn vào một bụi rậm nằm chờ chết. Lúc đó, thật sự tôi cũng không mong sẽ có người đến cứu, vì trước khi vào trận chiến, nghĩ đến nơi quê nhà mẹ mất vì bệnh, ba bị địch bắt, 2 anh hy sinh, tôi đã quyết tâm chiến đấu để trả thù cho cha mẹ, các anh mình…”, ông Mười Trung chia sẻ. Nghĩ là thế, nhưng sau đó đồng đội quay lại tìm và đã đưa ông ra ngoài. Tưởng chừng không qua khỏi vì bị thương nặng, nhưng được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, ông đã vượt qua và tiếp tục trở lại chiến đấu khi sức khỏe đã hồi phục.

Hòa bình lập lại, ông xin chuyển ngành công tác sang Công an tỉnh Sông Bé cho đến khi về hưu với cấp hàm trung tá. Những năm tháng chiến đấu, công tác của ông đã được ghi nhận với rất nhiều huân chương, trong đó có 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 1 Huân chương Vì an ninh Tổ quốc hạng nhất.

Lưu giữ lịch sử cho đời sau

Chia sẻ với chúng tôi, ông Mười Trung cho biết ông chưa từng viết sách và cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết được hồi ký. Bạn bè chiến đấu năm xưa lâu lâu có gửi tặng ông những cuốn hồi ký do họ viết. Ông cũng được những đồng đội năm xưa động viên nên viết hồi ký để lưu giữ lại tư liệu về những năm tháng chiến đấu, những câu chuyện mà không phải ai cũng trải qua như ông cho con cháu đời sau hiểu thêm về lịch sử.

Cho đến một ngày khoảng cuối năm 2021, tự nhiên ông cầm tập giấy và ngồi viết lại chuyện đời mình. Ông Mười Trung nói: “Không ngờ, tôi ngồi viết một mạch mấy trang liền”. Đó cũng là khởi đầu để mỗi ngày sau đó ông có thêm động lực viết thêm những trang hồi ký, rồi chỉnh sửa, bổ sung thêm nội dung khi nhớ ra chuyện gì đó liên quan để dần hoàn thành bản thảo.

Từ những trải nghiệm thực tế của người lính trong chiến tranh cho đến những năm tháng công tác trong thời bình, Trung tá Vũ Thành Trung đã viết nên hồi ký “Nước mắt và niềm vui”. Đây là món quà tinh thần được tác giả cẩn thận ghi lại để gửi cho con cháu mình, những người trẻ hôm nay. Với tác giả, đây cũng là cách giúp ông ôn lại những năm tháng không quên của mình và đồng đội.

Tháng 3-2023, Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức ra mắt cuốn hồi ký “Nước mắt và niềm vui” của tác giả Vũ Thành Trung. Niềm vui của tác giả như nhân lên khi được các nhà văn, bạn bè, đồng đội đánh giá cao. Dù ngôn từ không được trau chuốt văn chương, nhưng những tư liệu từ chiến tranh cho đến hòa bình được tác giả ghi lại trong cuốn hồi ký rất chân thực, đáng quý. Ông mang sách tặng cho bạn bè của mình ở các tỉnh, thành, rồi tặng cho các thư viện, đoàn viên thanh niên một số đơn vị ở Bình Dương. Mọi người đón nhận với một tình cảm hết sức trân quý. Nhiều người cho biết họ đã đọc đi đọc lại nhiều lần và đã cười, đã khóc theo những chi tiết qua cách kể giản dị trong cuốn hồi ký của ông.

Từng “vào sinh ra tử” là thế, nhưng giờ đây ngồi trước mặt chúng tôi, trông ông vẫn rất khỏe, đôi mắt vẫn còn tinh anh lắm. Ông cho biết từ khi nghỉ hưu (năm 1989), niềm vui tuổi già của ông là mỗi sáng sau khi tập thể dục, vệ sinh cá nhân xong và chờ bạn bè điện thoại hẹn đi ăn sáng, uống cà phê hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay. Ông vẫn tự mình chạy xe đi gặp gỡ bạn bè, thậm chí là tự lái xe đi du lịch khi có bạn đi cùng. Dù nhiều khi vết thương trên cơ thể trở mình còn thốn đau, nhưng cuộc sống của ông khi về già thong dong, tự tại như thế cũng là mong muốn của bao người.

“Đọc xong quyển hồi ký của anh đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc đan xen với nhau: Buồn vui, ngưỡng mộ, tự hào và trăn trở… Tôi rất mong quyển hồi ký “Nước mắt và niềm vui” được phổ biến rộng rãi để nhiều người được đọc, nhất là thế hệ trẻ. Chúng ta phải biết và không được quên dân tộc Việt Nam đã trải qua thời kỳ bi tráng để được độc lập - tự do như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước, các cựu chiến binh đã chịu hy sinh, mất mát rất nhiều…”.

(Bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên