Nước Mỹ vẫn bất đồng vì nợ công

Cập nhật: 26-07-2011 | 00:00:00

Nước Mỹ đang phải đua tốc độ để sớm thỏa thuận về mức nợ trần mới nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của nền kinh tế. Sau nhiều cuộc thương thuyết giữa Nhà Trắng với các nhà lập pháp, hai bên vẫn chưa có tiếng nói chung.

Tranh cãi chưa hồi kết

Hạn 2-8 để Mỹ tăng mức trần nợ cho phép chính phủ tiếp tục vay tiền thanh toán nợ đã rất gần. Tuy nhiên, cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo thiểu số đảng này tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, với các đối tác đảng Cộng hòa kéo dài suốt đêm 24-7 (giờ Washington) đã kết thúc mà không mang lại kết quả.

Hai bên vẫn chưa thống nhất về việc nâng trần nợ công lên mức 14,3 ngàn tỷ USD và cắt giảm chi tiêu 2,7 ngàn tỷ USD. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa không muốn nâng thêm mức trần nợ công mà chỉ muốn cắt giảm chi tiêu trong thời gian ngắn và không phải tăng thuế. Trong khi đó, Nhà Trắng và đảng Dân chủ vừa muốn nâng mức nợ trần vừa muốn có kế hoạch dài hạn trong 10 năm để cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

  Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề nợ công.

Hiện không chỉ dân Mỹ, mà phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đang chờ xem liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nước nợ nhiều nhất thế giới có thể tránh được một thảm họa tài chính.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner không cho thấy một triển vọng nào sớm đạt được thỏa thuận để có thể làm hài lòng các nghị sĩ Cộng hòa. Lên tiếng trên Đài Truyền hình Fox News, ông Boehner cho biết, đảng Cộng hòa vẫn theo đuổi một kế hoạch nhỏ hơn, theo đó chỉ dựa vào cắt giảm chi tiêu của chính phủ để cải thiện mức độ lành mạnh cho nền tài chính của Mỹ. Tổng thống Barack Obama từng nói, ông muốn thi hành kế hoạch lớn hơn để giảm thâm hụt, nhưng cần thương thuyết để tổng thống có thể nâng mức giới hạn vay nợ mà không cần có sự ủng hộ của đa số Hạ viện hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã bày tỏ sự thất vọng sau cuộc họp đêm 24-7. Theo ông này, sau 7 tháng thương lượng, “chúng ta hầu như đang ở bên bờ vực”. Lãnh tụ phe đa số ở Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, tố cáo các nhà lập pháp trong đảng Cộng hòa đang đẩy Mỹ tới bờ vỡ nợ khi không chịu thỏa hiệp trong các cuộc thảo luận về ngân sách.

Chưa giải quyết được gốc vấn đề

Lên tiếng trên Đài Truyền hình ABC ngày 24-7, ông Geithner thừa nhận thị trường tài chính thế giới và các cơ quan đánh giá tín nhiệm tài chính sẽ chẳng thấy có tiến bộ gì đáng kể nếu như Mỹ chỉ tăng mức giới hạn vay nợ lên mà không giải quyết vấn đề mất cân bằng ngân sách đã có từ lâu. “Các thị trường sẽ chú ý theo dõi sát khả năng của chúng ta có tránh được tái gia hạn nợ hay không. Nước Mỹ đứng trước viễn cảnh không trả nổi nợ do chính chúng ta gây ra” - ông Geithner nói.

Các nhà phân tích tài chính đã gợi ý là thị trường thế giới sẽ chao đảo nếu con đường đi tới một thỏa hiệp về nợ nần tại Mỹ vẫn còn u ám. Các cơ quan đánh giá mức độ tín nhiệm tài chính đã cảnh báo, nếu không trả được nợ đúng hạn, mức độ tín nhiệm về nợ của Mỹ sẽ bị đánh sụt điểm, và chuyện này cũng có thể xảy ra nếu mức giới hạn nợ được nâng lên mà không có những cải tổ tài chính đi kèm. Nếu bị sụt điểm, lãi suất đối với số nợ mà Mỹ vay sẽ tăng, khiến cho tình hình nợ của nước Mỹ còn nghiêm trọng hơn, lại càng khiến cho sự hồi phục kinh tế yếu ớt của nước Mỹ lại phải chịu thêm gánh nặng.

Thị trường chứng khoán thế giới từng rớt giá mạnh hồi tháng 5 khi Mỹ không thông qua được khoản ngân sách hoạt động mới. Giờ đây vấn đề đáo hạn nợ của Mỹ lại tiếp tục đe dọa đến thị trường tài chính thế giới. Thị trường chứng khoán châu Á phiên mở cửa ngày 25-7 đã sụt giảm đáng kể.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên