Nước ngầm ở Tây Nguyên ngày càng bị cạn dần
Diện tích rừng tự nhiện ở Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm. Trong khi đó, nguồn nước ngầm khu vực này đang sụt giảm nghiêm trọng do bị khai thác quá mức.
Báo cáo đoàn khảo sát của Bộ Tài Nguyên Môi & Môi trường cho biết, mực nước ngầm tại các khu vực được khảo sát như: huyện Krông Pách, Krông Búk, Lắk (tỉnh Đắk Lắk), Đắk Min, Đắk Song, Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), Chư Sê (tỉnh Gia Lai)...đang suy giảm nghiêm trọng, giảm từ 3- 5m so với trước đây
Cụ thể, tại các huyện Krông Pách, Lắk, từ những năm 2006 trở về trước có thể khai thác tối đa 0,6 triệu mét khối/ ngày, nhưng nay chỉ còn chưa đầy 0,4 triệu mét khối/ ngày.
Diện tích cà phê càng mở rộng thì nước ngầm ở Tây Nguyên càng cạn kiệt nhanh.
Theo nhận định của chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do khí hậu biến đổi khiến mùa khô kéo dài, rút ngắn mùa nên lượng nước bổ sung cho nguồn nước ngầm càng ít đi. Trong khi đó, diện tích rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm, cộng với việc ồ ạt tăng nhanh diện tích các loại cây trồng cần nhiều nước tưới, nhất là cây cà phê, nên xảy ra tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Cùng đó, cơ quan khí tượng thủy văn thông báo, năm nay mùa mưa tại Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ đến muộn so với nhiều năm. Dự báo đến cuối tháng 5/2010, mưa lớn mới bắt đầu xuất hiện.Trước tình trạng này, các nhà khoa học kiến nghị với các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng cân đối diện tích cây cà phê với diện tích rừng trồng, đồng thời, chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, ưu tiên phục vụ cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn.
(THEO DÂN TRÍ)