Nuôi cá lóc trên vùng đất nhiễm phèn

Cập nhật: 14-12-2011 | 00:00:00

Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thái Hòa, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Khen (khu phố Tân Mỹ, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên), người đầu tiên đến khai hoang, đào đất thả cá rô, cá lóc... gây dựng nên một vùng cá Tân Mỹ như bây giờ.

Nuôi cá trên đất nhiễm phèn

Năm 2003, rời Cà Mau lên Bình Dương đào ao nuôi cá theo như lời chỉ dẫn của những người bạn ở Bình Dương. Vùng đất nơi gia đình ông đến định cư chỉ là những bụi cây um tùm, mọc hoang dại nhưng bằng kinh nghiệm sẵn có và cái chí của người xa quê lập nghiệp, ông Khen đã không ngần ngại bắt tay ngay vào đào ao, thả cá.

 Ông Hai Khen đang chỉ mảnh đất đầu tiên mà ông đào ao thả cá khi đến thị trấn Thái Hòa gây dựng cuộc sống

Thời kỳ đầu, do là vùng đất khai hoang nên ông Khen chưa mất tiền thuê đất, khó khăn lớn nhất chính là vùng đất này sình lầy, nhiễm phèn nhưng với kinh nghiệm nuôi cá từ ở quê nên ông đã đào hơn 2 ha ao, rửa sạch phèn rồi thả những con cá rô đầu tiên xuống nuôi. Với số diện tích đó, sau quãng thời gian hơn 8 năm gắn bó, giờ ông đã có 8 ao (1 ao khoảng 350m2). Thông thường, sau chu kỳ nuôi từ 6 - 7 tháng cho thu hoạch bình quân 20 tấn/ao, giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí nhân công, lãi suất ngân hàng... thì số tiền lãi mà ông thu được cũng khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm. Có năm, số tiền lãi còn lên tới hơn cả tỷ bạc. Nhờ “ăn nên làm ra” mà những người dân sinh sống xung quanh cũng được ông chỉ bảo kinh nghiệm, đào ao, thả cá, đưa vùng đất này càng ngày càng phát triển mạnh về nuôi thủy sản. Dần dần, diện tích mặt nước nuôi cá của cả vùng đã lên tới hơn 60 ha. Cho tới thời điểm 2010, “sóng gió” bắt đầu đến với cả vùng nuôi cá nơi đây, do giá cám, giá nhân công tăng, giá cá rô hạ, bán chỉ còn 18.000 – 20.000 đồng/kg. Gia đình ông Hai Khen lỗ nặng rồi đành bỏ nuôi cá rô, chuyển sang cá lóc vì nhu cầu thị trường lúc này chuộng giống cá này hơn.

Vấp ngã phải biết đứng dậy

Với đặc tính ưa ngọt nên vùng đất Thái Hòa là nơi rất tốt để nuôi cá lóc. Cá giống được lấy từ Đồng Tháp, An Giang với giá 250 đồng/con. Cá lóc là loài cá ăn động vật, thành phần thức ăn bao gồm nhiều loại động vật tươi sống như: cá, tép, ếch nhái... Mật độ thả nuôi trung bình 30 - 50 con/m2, thông thường ở thời điểm đầu thả giống do kích thước cá còn nhỏ nên thức ăn cần được xay nhuyễn đến khi cá lớn thức ăn có thể cung cấp trực tiếp. Hàng ngày cần theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh kịp thời và hợp lý số lượng thức ăn. Hàng tháng kiểm tra cân đo trọng lượng cá để theo dõi mức tăng trưởng của cá.

Ông Khen nhẩm tính, với diện tích ao hiện tại (160 tấn cá/8 ao), sau 1 năm chuyển sang nuôi cá lóc, hiện nhờ có đầu ra ổn định, cá bán với giá 35.000 đồng/kg. Với 3 vụ thu hoạch trong năm nay, số lãi mà ông thu được là 700 triệu đồng/năm. Đó là một tín hiệu mừng cho người trong nghề lâu năm như ông. Tuy vậy, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, chi phí để thả 1 ao cá cũng tới 600 - 700 triệu đồng mà lãi vay ngân hàng cộng với lãi vay ngoài và giá cả đầu ra bấp bênh đã khiến diện tích chăn nuôi của vùng dần bị thu hẹp. Mặc dù vậy, bằng lòng yêu nghề, ông Hai Khen nghĩ: “Mình làm ăn thì phải cố gắng đi lên, vấp ngã phải biết tự đứng dậy rồi dần dần những ngày khó khăn sẽ qua đi và hy vọng vào thành công sẽ lại tới khi mình thật sự cố gắng. Mưa hoài ắt cũng phải có nắng thôi...”.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=830
Quay lên trên