Nuôi cá lồng trên sông Đồng Nai: Chính quyền cứ cấm,dân vẫn cứ nuôi!

Cập nhật: 21-06-2010 | 00:00:00

 UBND tỉnh đã có chỉ thị cấm nuôi cá lồng trên sông Đồng Nai đoạn thuộc địa bàn huyện Tân Uyên. Tuy nhiên đã hơn nửa năm nay tình hình nuôi cá lồng trên đoạn sông này vẫn tiếp diễn. Chính quyền cấm thì cứ cấm, các hộ chăn nuôi vẫn cứ nuôi tràn lan. Phải chăng chỉ thị của UBND tỉnh bị vô hiệu?

Ô nhiễm môi trường nặng

Việc nuôi cá lồng trên đoạn sông Đồng Nai (Tân Uyên) đã hình thành từ rất lâu và là mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên hình thức nuôi cá như thế này cũng đem lại những hậu quả không tốt về mặt môi trường (MT), an ninh trật tự. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Tân Uyên còn khoảng hơn 150 hộ tham gia nuôi cá lồng. Trong đó tập trung chủ yếu tại các xã Lạc An, Thạnh Phước, Thái Hòa. Hầu hết các hộ theo kiểu tự phát, không có giấy phép, không tuân thủ các quy định về bảo vệ MT...

Việc phát triển hình thức nuôi cá lồng rầm rộ, thiếu quy hoạch trong thời gian qua đã gây những hậu quả khá nặng nề về MT, đặc biệt đây là nguồn nước chính phục vụ cho 2 nhà máy nước Dĩ An và Đồng Nai. Mỗi ngày ở những lồng nuôi cá này, người nuôi đã đưa xuống sông Đồng Nai một lượng thức ăn gồm hàng chục tấn các loại. Lượng thức ăn này một phần do cá ăn không hết, hoặc lọt qua lưới rơi xuống đáy sông, trôi đến các đoạn sông phía dưới. Mỗi bè lại có một kiểu cho cá ăn riêng. Các loại cá sống, cá chết được băm nhỏ dùng làm thức ăn, rồi tinh bột, rau tươi... tất cả đều tống xuống hàng trăm lồng cá. Bên cạnh đó để “tăng gia sản xuất” một số hộ dân còn kết hợp thêm việc chăn nuôi một số gia cầm trên các nhà bè. Phân, thức ăn dư thừa của các loại vật nuôi này cũng là nguồn gây ô nhiễm nặng nguồn nước.

Các hộ dân sống ven sông Đồng Nai thuộc xã Thạnh Phước cho chúng tôi biết, thời điểm tình trạng nuôi cá lồng phát triển mạnh thì đoạn sông chảy qua địa bàn xã vào ban đêm sáng rực trông rất “đẹp mắt”. Tuy nhiên khi lại gần thì lại rất hôi thối do thức ăn cho cá, xác cá chết đang trong giai đoạn phân hủy. Các loại cá mà các nhà bè tại đây nuôi lại là các loại cá phàm ăn và có lượng phân thải ra MT nhiều như: diêu hồng, chép, chim trắng... Vào những thời điểm thời tiết không thuận lợi thì cá chết nhiều và mức độ ô nhiễm nước trên đoạn sông này lại càng nặng nề. Tình trạng bốc mùi hôi thối này kéo dài hơn 2km gây khó chịu cho rất nhiều hộ dân sống ven sông.

Khó cả đôi bên!

Trước những nguy cơ ô nhiễm MT của việc nuôi cá lồng mang đến, UBND tỉnh đã có chỉ thị cấm các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua huyện Tân Uyên. Trong đó UBND tỉnh cũng có các động thái tích cực nhằm tạo thuận lợi cho các hộ như kéo dài thời gian để họ có thể thu hoạch hết các lứa cá vừa thả. Tuy nhiên tình trạng nuôi cá lồng trên địa bàn Tân Uyên vẫn diễn ra khá rầm rộ mặc dù chỉ thị đã nêu rõ là đến ngày 31-12-2009 sẽ chấm dứt. Các địa phương có nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Tân Uyên cũng đã thông báo chủ trương này đến các hộ nuôi cá và cũng đưa ra lộ trình để chấm dứt tình trạng này nhưng cho đến nay các hộ chăn nuôi tại đây vẫn dây dưa gây khó khăn cho chính quyền địa phương.

Tại xã Thạnh Phước trong thời gian qua tình trạng nuôi cá lồng đã giảm đáng kể. Cuối năm 2009 toàn xã có 29 hộ tham gia nuôi với hơn 70 lồng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động thì đến nay chỉ còn 4 hộ nuôi với khoảng 20 lồng cá. Theo lộ trình của UBND xã thì đến khoảng cuối tháng 7, năm nay thì việc nuôi cá lồng tại đây sẽ được chấm dứt hẳn. Ông Đỗ Hữu Hậu - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: “Đa số các hộ dân tại đây đều có các nhận thức về việc gây ra ô nhiễm MT do mô hình của mình tạo ra và họ cũng chịu lắng nghe chính quyền tuyên truyền, giải thích nhưng một số hộ thì vẫn không chịu di dời. Theo tôi mấu chốt để giải quyết tốt vấn đề này là chính quyền UBND các xã cần phải kiên quyết với các hộ chăn nuôi này. Cần phải kiểm tra thường xuyên tình trạng chăn nuôi của các hộ này và cần phải đạt được sự cam kết giữa họ và chính quyền trong việc chấm dứt nuôi cá”. Hiện đối với các hộ dân còn nuôi, UBND xã Thạnh Phước vẫn chủ yếu thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Việc thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân này cũng rất khó khăn vì nhiều lý do.

Trong quá trình thực hiện công tác này, UBND xã Thạnh Phước cũng đã nhận được một số phản ảnh của các hộ chăn nuôi tại đây. Họ cho rằng tại sao Thạnh Phước thì cấm trong khi các xã khác tình trạng chăn nuôi vẫn diễn ra rầm rộ. Có chăng sự thiếu công bằng trong cách xử lý của chính quyền? Chính sự thực hiện thiếu kiên quyết và không đồng bộ của các xã đã dẫn đến tình trạng dây dưa với tâm lý trông chờ của các hộ dân này. Hộ anh Nguyễn Văn Hoàng -Chủ bè cá tại xã Thạnh Phước đã tham gia nuôi cá lồng được 7 năm nay. Hiện nay anh đã đem cả vợ con lên sinh sống trên nhà bè. Bè cá của anh có 6 lồng với 90.000 con cá giống. Khi được hỏi về việc có chủ trương cấm nuôi anh trầm ngâm tâm sự: “Chúng tôi cũng có nghe và cũng được xã tuyên truyền vận động nhưng bây giờ mà chuyển lên bờ thì không biết làm việc gì để nuôi vợ con vì đây là công việc duy nhất của tôi. Bây giờ thì người ta sao tôi vậy (người ta là các hộ chăn nuôi khác), ở dưới Tân Ba tôi thấy còn nhiều lắm. Nếu hết năm nay gỡ được vốn tôi cũng sẽ di dời”. Một hộ nuôi khác tại ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước cho biết: “Các hộ ở đây chủ yếu là vay vốn để đầu tư sản xuất, riêng tôi cũng nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Thời gian qua cá chết nhiều, không được giá nên hầu hết các hộ nuôi cá tại đây đều thua lỗ. Chúng tôi cố kéo dài, nếu có giá thì cũng khoảng 1 - 2 năm là có thể thu hồi vốn. Còn nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ phù hợp thì chúng tôi cũng sẽ sớm di dời”.

Bao giờ chấm dứt?

Thực trạng là vậy, ai cũng thấy nhưng để giải quyết triệt để tình trạng này cũng là bài toán khó cho chính quyền các địa phương. Nhất là trong thời gian gần đây xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại của các hộ dân. Xã Thái Hòa hiện cũng còn 34 hộ dân nuôi với hơn 100 lồng cá. Trong thời gian qua, UBND xã cũng đã tuyên truyền chủ trương đến các hộ nuôi cá nhưng từ đầu năm đến nay cũng mới chỉ có 4 hộ chấp nhận di dời. UBND xã cũng đã có chủ trương phối hợp với các đơn vị khác di dời các hộ nuôi cá lồng vào khu vực quy hoạch nuôi cá ao nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: “Giải quyết vấn đề này còn gặp một số khó khăn nhất định, hình thức chủ yếu vẫn là vận động  tuyên truyền. Còn việc cưỡng chế, xử phạt hành chính là không thể vì không có các văn bản pháp quy”. Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận ra rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ sự thiếu kiên quyết và sự kết hợp thiếu đồng bộ của các địa phương. Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để vấn đề này chính quyền cần phải có các chính sách hỗ trợ phù hợp về chuyển đổi ngành nghề cho các hộ chăn nuôi để họ có thể chấm dứt cuộc sống sông nước.

- Bà Lê Thị Điệu - Chủ bè cá (Thạnh Phước):

“Hiện tôi thấy nhiều hộ vẫn lén lút thả cá nên tôi cũng thả theo. Tôi chỉ nuôi theo kiểu được ngày nào hay ngày nấy. Nếu chính quyền xã bảo ngưng thì tôi cũng ngưng thôi nhưng trước hết tôi vẫn cứ nuôi vì cũng thấy có lời nhiều”.

- Ông Nguyễn Hữu Đáng - Trưởng ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước:

“Lúc cao điểm trên địa bàn ấp có 94 hộ nuôi. Thời gian qua do cá chết nhiều nên một số hộ dân ngưng nuôi. Tôi sợ rằng nếu chính quyền các xã không có các biện pháp kiên quyết trong việc cấm nuôi hoàn toàn cá bè thì khi giá cá tăng trở lại phong trào nuôi cá lồng lại phát triển rầm rộ và lúc đó sẽ rất khó kiểm soát”.

 

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=427
Quay lên trên