Nuôi cá tra lời 500 triệu đồng/ao

Cập nhật: 14-04-2011 | 00:00:00

Tại ĐBSCL, trong khi nhiều nhà máy chỉ “chạy” cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động thì một số doanh nghiệp (DN) nhờ chủ động xây dựng vùng nuôi qua liên kết với nông dân nên vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Từ mô hình này tại các địa phương, nhiều DN bắt đầu triển khai liên kết nuôi cá.

                             

Đôi bên cùng có lợi

 

Tại cụm công nghiệp Mỹ Quý (TP Long Xuyên, An Giang), không ít nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng thì ở Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long công nhân vẫn vào ca đều đặn, nhiều phân xưởng tấp nập làm việc. “Nhờ chủ động xây dựng vùng nuôi 60ha nên trong tình hình khan hiếm cá nguyên liệu hiện nay chúng tôi vẫn đảm bảo đủ lượng cá cho chế biến xuất khẩu” - bà Trần Thị Vân Loan, Tổng Giám đốc cho hay.

 

 Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty thủy sản Cửu Long (An Giang).  

Tương tự, tại cụm công nghiệp Vàm Cống (Đồng Tháp), trong khi nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải thu hẹp sản xuất, Công ty Đầu tư và phát triển đa quốc gia vẫn tuyển thêm công nhân và mới đây khởi công xây dựng thêm nhà máy tinh luyện mỡ cá.

 

Ông Trương Vĩnh Thành, tổng giám đốc, cho biết công ty đã liên kết với 30 hộ nông dân nuôi 70ha ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ nên nguyên liệu chế biến luôn đủ đáp ứng các đơn đặt hàng. “Chúng tôi ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm theo hình thức cung ứng thức ăn, sau đó mua cá theo giá thị trường hoặc theo mức giá cố định đưa ra từ trước. Nhờ vậy không chỉ nhà máy chủ động được nguồn nguyên liệu mà bà con được đảm bảo về khâu tiêu thụ, luôn có lợi nhuận ổn định” - ông Thành chia sẻ.

 

Gần đây tại Đồng Tháp, một số DN như Vĩnh Hoàn, Docimexco, Hoàng Long... cũng hợp đồng liên kết đầu tư nuôi cá tương tự. Nông dân đầu tư con giống, lo chi phí nuôi, phòng trị bệnh còn công ty cung cấp thức ăn, đến lúc thu hoạch cứ mỗi ký cá nguyên liệu sẽ trả chi phí đầu tư cho bà con 5.000 đồng. Ngoài ra nếu cá đạt tỉ lệ loại thịt trắng nhiều sẽ được thưởng 100-300 đồng và nếu đạt định mức chế biến tốt thì được thưởng thêm 200 đồng trên mỗi ký cá.

 

Nhiều hộ cho biết hiện nay chi phí nuôi cá khá cao, mỗi hecta nuôi cần 6 tỉ đồng/vụ, vì vậy nhờ liên kết với DN nên họ vẫn duy trì nghề và có lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Thành (thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò) cho biết đã hợp đồng nuôi gia công với Công ty TNHH Hoàng Long, mới đây thu hoạch ao hơn 1ha được 300 tấn, tính ra lãi gần 500 triệu đồng, một ao khác sản lượng 400 tấn, dự kiến mức lãi còn cao hơn.

 

Theo ông Thành, nghề nuôi cá tra xuất khẩu chi phí thức ăn chiếm trên 70%, khi hợp tác với DN thì nông dân được cung ứng thức ăn chăn nuôi nên mức đầu tư đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 25%. “Qua hơn chục năm gắn bó với con cá tra, chúng tôi thấy đây là hình thức làm ăn phù hợp, có tính bền vững lâu dài” - ông Thành tâm sự.

 

Hướng đến phát triển bền vững

 

Ông Lê Văn Đức, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Long (Tập đoàn Hoàng Long) cho biết, ngoài vùng nuôi 150ha thì từ giữa năm 2010 Hoàng Long đã triển khai mô hình liên kết với nông dân nuôi cá, đến nay đã có 40 hộ tham gia với tổng diện tích 60ha/vụ. Công ty đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn cung ứng trực tiếp cho bà con.

 

Lượng thức ăn này không phải cộng thêm các khoản phí, thuế VAT, chiết khấu... từ đó giảm giá thành cá nguyên liệu. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình này giúp DN kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. “Qua đó sản phẩm đáp ứng và thâm nhập được các thị trường xuất khẩu vốn khó tính” - ông Đức giải thích thêm.

 

Ông Trương Vĩnh Thành cũng khẳng định tới đây Công ty Đầu tư và phát triển đa quốc gia tiếp tục mở rộng diện tích liên kết với nông dân, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cung ứng cho các vùng nuôi. “Đó là xu thế tất yếu để nghề nuôi và chế biến cá tra phát triển bền vững” - ông Thành nói.

 

Lâu nay sản xuất chế biến cá tra ở ĐBSCL vốn phát triển thiếu quy hoạch, thiếu sự liên kết giữa các chủ thể sản xuất và thành phần liên quan. Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), đây là nguyên nhân chính khiến ngành này phát triển thiếu bền vững, sản lượng khi thừa khi thiếu, giá cả bấp bênh. Điều đó không chỉ làm nông dân thua lỗ mà DN cũng bao phen khốn khó do thiếu nguyên liệu chế biến.

 

Triển khai thí điểm

 

Tại An Giang đang khẩn trương triển khai thí điểm chương trình xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất cá tra xuất khẩu. Trước mắt, chuỗi liên kết sẽ được thực hiện tại ba DN là Công ty TNHH Thuận An (Tafishco), Công ty cổ phần Việt An (Anvifish), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Angifish), sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Hiện Tafishco đã tiên phong triển khai mô hình liên kết với thành phần tham gia gồm DN này cùng các DN sản xuất cung ứng thức ăn chăn nuôi, nông dân và ngân hàng. Theo đó, khi tham gia chuỗi thì cơ sở nuôi được đảm bảo về mặt tài chính, được vay vốn mua thức ăn có chất lượng và giá rẻ hơn thị trường; được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn được quốc tế công nhận (như Global GAP); được ký hợp đồng tiêu thụ theo giá thị trường hoặc căn cứ từ giá sàn xuất khẩu do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN đưa ra...

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=280
Quay lên trên